Một thời lao đao vì đất nhiễm mặn, nông dân nơi này ở Quảng Ninh nay lại khấm khá hẳn

Công Thành Chủ nhật, ngày 22/10/2023 19:32 PM (GMT+7)
Một thời gian của thế kỷ trước, hàng chục hecta đất nông nghiệp ở Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) bị nhiễm mặn, gần như không thể trồng cấy. Tuy nhiên, nông dân nơi đây đã chuyển đổi những diện tích đất nhiễm mặn, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang, khoai bồng...
Bình luận 0

Xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 4.955ha, trong đó rừng ngập mặn chiếm hơn 2.753ha (tương đương khoảng 55,6%). Đối với người dân Đồng Rui, rừng ngập mặn còn là nguồn sống của nhiều thế hệ, với nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú. Rừng ngập mặn còn là bức tường thành thiên nhiên vững chắc chắn sóng bảo vệ các cánh đồng lúa của Đồng Rui.

Biến đất nhiễm mặn thành lợi thế

Tuy nhiên vào những năm 90 của thế kỷ trước, hàng ngàn hecta rừng bị tàn phá vào các mục đích khác nhau. Nhiều khu vực không còn rừng ngập mặn chắn sóng, nước thủy triều phá bờ khiến những cánh đồng trở nên hoang hóa hoặc kém năng suất. Nông dân Đồng Rui lao đao vì từ trước đến nay họ chỉ quen với nghề trồng lúa nước.

Ngày nay, từ sự vào cuộc của tỉnh Quảng Ninh và nhiều tổ chức trong và ngoài nước, các đường đê biển đã được nâng cấp, không còn lo tình trạng nước biển tràn vào đồng ruộng, không còn hiện tượng chặt phá rừng và các khu rừng đang dần được trồng lại. Tuy nhiên việc khôi phục đất nhiễm mặn phải mất rất nhiều thời gian cải tạo, buộc người dân Đồng Rui phải chuyển đổi cây lúa sang các loại cây khác phù hợp hơn.

Nông dân Đồng Rui làm giàu được trên ruộng ngập mặn - Ảnh 2.

Nhiều nông dân Đồng Rui làm giàu từ trồng khoai lang. Ảnh: Công Thành

Trong đó, khoai lang là một trong những cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có khả năng chống chịu và thích nghi với những vùng đất nhiễm mặn. Nhận thấy cây khoai lang phát triển và cho thu nhập tốt, người dân Đồng Rui đã chuyển đổi 38,6ha diện tích trồng lúa sang trồng khoai lang. 

Hiện nay Đồng Rui có 174 hộ trồng khoai lang với sản lượng đạt 86 tấn/ha, hằng năm cả xã ước tính thu được gần 332 tấn. Năm 2023, xã Đồng Rui đã đưa ra kế hoạch đưa sản phẩm khoai lang Đồng Rui thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Ong Phạm Viết Doảnh (thôn Hạ, xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết, Đồng Rui có nhiều diện tích đất pha cát nên rất thích hợp với trồng khoai lang. Mặt khác đất nhiễm mặn lại có tác dụng kháng khuẩn rất tốt, khiến củ khoai lang ít bị sâu, hà. 

"Từ trồng khoai lang mà tôi xây được ngôi nhà 2 tầng khá khang trang từ hơn chục năm nay mà chẳng phải vay mượn của ai đồng nào đấy" - ông Doảnh vui vẻ cho biết. 

Nông dân Đồng Rui làm giàu được trên ruộng ngập mặn - Ảnh 1.

Về mùa vụ, bà Trần Thị Thơm (xã Đồng Rui, huyện Tiên, tỉnh Quảng Ninh) thu được 100 bó khoai bồng/ngày. Ảnh: Công Thành

Ngoài trồng khoai, ông Doảnh cũng kết hợp với chăn nuôi, trong chuồng trại nhà ông luôn có khoảng chục con lợn. Khoai lang đạt tiêu chuẩn, ông Doảnh để bán cho thực khách, còn dây khoai và củ khoai dãi, ông Doảnh dành để nuôi lợn rất tốt.

Trồng cây khoai bồng trên đất nhiễm mặn

Ngoài trồng khoai lang, khoai bồng cũng đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân Đồng Rui. Hiện nay Đồng Rui có 16 hộ trồng khoai bồng trên diện tích 6,5ha, với năng suất 300 tạ/ha. 

Bà Trần Thị Thơm (xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) là chủ ruộng khoai bồng rộng gần 2 ha. Theo bà Thơm, cây khoai bồng trồng ở Đồng Rui nấu canh ăn không hề ngứa, trong khi cũng giống khoai đó mang đi nơi khác trồng, thực khách ăn vào lại bị ngứa cổ.

Nông dân Đồng Rui làm giàu được trên ruộng ngập mặn - Ảnh 3.

Khoai bồng được các thương lái đến tận xã thu mua rồi mang đi bán ở nhiều nơi. Ảnh: Công Thành

Vào mùa thu hoạch khoai bồng (từ tháng 9 năm trước đến tháng 6 năm sau), bà Thơm gần như suốt ngày ngoài ruộng. Mỗi ngày bà thu hoạch khoảng 100 bó khoai bồng, giá bán rao khoảng 10.000 đồng/bó. Cứ thu hoạch được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thương lái vào tận ruộng thu mua. Trừ mọi chi phí, bà Thơm lãi khoảng 500.000 đồng/ngày vào mùa vụ nhờ khoai bồng.

"Thu hoạch khoai bồng không phải ồ ạt một vài hôm như lúa, nên dù ruộng rộng cũng không phải thuê mướn người làm, cứ túc tắc mỗi ngày 100 bó rồi lại về nhà làm việc khác" - bà Thơm bảo. 

Bà Thơm cho biết thêm, đối với trồng lúa, nếu gặp thời tiết mưa nhiều gây ngập úng lâu ngày, lúa sẽ bị đổ rạp xuống và dần chết do thối rễ. Nhưng trồng khoai bồng vẫn "vô tư" vì chúng thích hợp ngay cả khi ruộng ngập nước. Trồng khoai bồng dễ hơn trồng lúa, nhưng lại thu nhập cao gấp đến 5 lần.

Nông dân Đồng Rui làm giàu được trên ruộng ngập mặn - Ảnh 4.

Khoai lang Đồng Rui được bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023. Ảnh: Công Thành

Ngoài trồng khoai bồng, bà Thơm còn nuôi gần 500 con vịt biển, vậy mà cũng chẳng cần thuê thêm nhân công. Cứ sáng bà Thơm lùa đàn vịt ra, buổi chiều lại ra bãi lùa đàn vịt về, thu trứng vịt, đồng tiền ngày nào cũng có thu. Hết mùa khoai bồng, người dân lại tận dụng thân khoai bồng làm phân bón hữu cơ để trồng lúa, giúp lúa phát triển rất tốt mà giảm chi phí phân bón. 

Bà Trần Thị Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND xã Đồng Rui cho hay: "Chúng tôi đang xây dựng khoai bồng trở thành sản phẩm OCOP địa phương. Tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2023 vừa qua tại TP.Hạ Long, chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm khoai lang và khoai bồng để ngày càng nhiều khách hàng biết đến khoai lang, khoai bồng Đồng Rui". 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem