Trồng cây ra củ đặc sản thơm ngon, nông dân ở nơi này của Bắc Kạn yên tâm khâu tiêu thụ, tăng thêm thu nhập

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 24/02/2023 19:12 PM (GMT+7)
Trên những diện tích ngô một vụ, nhiều hộ dân tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc kạn đã mạnh dạn trồng cây kiệu theo mô hình liên kết sản xuất, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bình luận 0

Trồng cây kiệu theo mô hình liên kết sản xuất

Cây kiệu đã được người dân xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đưa vào trồng thử nghiệm 2 năm nay, tập trung chủ yếu ở các thôn như Bản Ỏm, bản Diếu, Bản Cuôn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với trồng cây ngô, cây lúa.

Điều gì đã giúp hội viên nông dân nơi này thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực trong xây dựng NTM? - Ảnh 4.

Người dân Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tất bật trồng cây kiệu vụ Đông Xuân. Ảnh: Chiến Hoàng

Thôn Bản Cuôn 2 khi chúng tôi đến, trên những cánh đồng ngô một vụ, người dân đang tất bật cho việc trồng cây kiệu với sự hướng dẫn về kỹ thuật của HTX An Bình. Đây là năm thứ 2 HTX An Bình thực hiện tham gia dự án theo chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm đối với cây kiệu.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc của cán bộ chuyên môn, hiện nay, nhiều diện tích cây kiệu tại xã Ngọc Phái đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu. Người dân rất yên tâm và tích cực chăm sóc cây kiệu. Bà con bảo nhau, mình chỉ cần làm tốt, đúng quy trình kỹ thuật, việc bao tiêu đã có đơn vị thu mua tại chỗ.

Điều gì đã giúp hội viên nông dân nơi này thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực trong xây dựng NTM? - Ảnh 2.

Bà Lục Thị Sải (xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ về việc trồng cây kiệu của gia đình. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Lục Thị Sải - người tham gia triển khai trồng kiệu tại xã Ngọc Phái cho biết: "Thực hiện hợp tác trồng kiệu, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của công ty lên tận nơi hướng dẫn quy trình. Khi thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc, củ kiệu sau 5 tháng sẽ cho sản lượng cao, củ to đều, giá cả cũng ổn định".

Nâng cao nhận thức về liên kết sản xuất

Trước đây, nhiều nông dân xã Ngọc Phái chỉ biết đến cây ngô, cây lúa. Thế nhưng giờ đây, việc trồng cây đang là một hướng đi mới, nhất là khi việc trồng cây kiệu được thực hiện theo liên kết sản xuất khiến người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm. Đó cũng chính là động lực giúp các bà con nơi đây tích cực trong sản xuất, dần thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại địa phương.

Điều gì đã giúp hội viên nông dân nơi này thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực trong xây dựng NTM? - Ảnh 3.

Chuẩn bị đất trồng cây kiệu vụ Đông Xuân tại Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Bà Triệu Thị Thủy, Giám đốc HTX An Bình cho biết, năm nay, HTX An Bình tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI trồng cây kiệu với diện tích 4ha (chia làm 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 2ha - PV); vụ Đông Xuân đã trồng 2ha với 21 hộ dân tham gia thực hiện. 

Với 2ha cây kiệu thường cho sản lượng khoảng 250 tấn củ. Theo kế hoạch, cây kiệu trồng trong dự án này sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo bà Thuỷ, thị trường Nhật Bản đòi hỏi rất cao về chất lượng, nên mọi quy trình kỹ thuật, từ trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, nhất là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

"Vì vậy từ lúc trồng đến khi thu hoạch, HTX An Bình luôn sát sao về kỹ thuật làm đất, trồng, bón phân, bảo quản, thu hoạch sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu về mẫu mã và chất lượng sản phẩm từ phía Công ty TNHH Việt Nam MISAKI. Nhìn chung người trồng kiệu trên địa bàn xã Ngọc Phái thực hiện rất tốt các quy trình kỹ thuật này"- bà Thủy cho biết thêm.

Điều gì đã giúp hội viên nông dân nơi này thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực trong xây dựng NTM? - Ảnh 5.

Củ kiệu giống được người dân Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cẩn thận thực hiện trồng theo đúng quy trình kỹ thuật. Ảnh: Chiến Hoàng

Ngoài trồng cây kiệu, HTX An Bình còn liên kết trồng củ cải và dưa chuột Nhật Bản tại xã Ngọc Phái và nhiều xã lân cận, thậm chí sang cả huyện khác như trồng củ cải Nhật tại xã Đồng Phúc của huyện Ba Bể.

Giám đốc HTX An Bình chia sẻ, ngoài liên kết với các xã viên, HTX An Bình còn liên kết với cả các hộ dân không phải thành viên HTX nên cũng ít nhiều giúp người dân có thêm thu nhập.

Điều gì đã giúp hội viên nông dân nơi này thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực trong xây dựng NTM? - Ảnh 6.

Cây kiệu tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn do HTX An Bình thực hiện trồng có thể cho sản lượng 250 tấn/1 chu kỳ/2ha. Ảnh: Chiến Hoàng

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quốc Hiệu, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn cho biết, việc duy trì diện tích trồng cây kiệu, cây dưa chuột Nhật Bản khiến tư duy sản xuất của người dân tại xã có sự thay đổi rõ rệt.

"Người dân cơ bản hưởng ứng thực hiện mô hình này. Thành công của các mô hình đã giúp người dân nâng cao nhận thức về liên kết sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực trong nỗ lực hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương"- Chủ tịch UBND xã Ngọc Phái nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem