Trồng mai vàng đổi đời ở xã nông thôn mới

Tấn Hà Thứ ba, ngày 13/09/2022 15:18 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, nông dân trồng mai vàng xã nông thôn mới Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) rất phấn khởi khi cây mai vàng cho thu nhập tốt, nâng cao đời sống.
Bình luận 0

Thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây mai vàng khá tốt, đầu tháng 5 năm nay, xã Bình Lợi đã thành lập tổ hợp tác trồng mai vàng với 16 thành viên.

Trồng mai vàng đổi đời ở xã nông thôn mới - Ảnh 1.

Các thành viên trổ hợp tác trồng mai vàng xã Bình Lợi. Ảnh: Tấn Hà

Liên kết trồng mai vàng

Anh Lâm Hồng Thuyết, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng và cung ứng mai vàng Bình Lợi cho biết, khi có khách hàng cần mai với số lượng lớn và kích cỡ…, tổ đứng ra gom hàng của từng thành viên đảm bảo đúng số lượng, chất lượng như yêu cầu một cách nhanh nhất, giúp khách hàng đỡ mất thời gian tìm kiếm và chờ đợi.

Ngoài ra, tổ hợp tác còn giúp bà con trong xã cũng như các vùng miền khác cách trồng, chăm sóc và tiêu thụ mai vàng.

Theo anh Thuyết, cây mai Bình Lợi rất dễ trồng dễ chăm sóc và hầu như không rủi ro theo điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa…". 

Hiện, gia đình anh Thuyết đang có 2ha trồng mai vàng cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Sắp tới tổ hợp tác cung ứng mai vàng Bình Lợi  sẽ "nâng cấp" thành lập hợp tác xã.

Anh Nguyễn Văn Kiêm, thành viên tổ hợp tác mai vàng Bình Lợi cho biết, vừa bán 300 cây mai vành với 3,6 năm tuổi thu về gần 200 triệu đồng.

Theo anh Kiêm, trước đây anh làm nghề bơm cát, sang lắp mặt bằng. Công việc này không thường xuyên, luôn xa nhà và thu nhập không ổn định. Kể từ năm 2012 đến nay, gia đình anh chuyển sang trồng mai vàng với 2ha tại ấp 3.

Trồng mai vàng đổi đời ở xã nông thôn mới - Ảnh 3.

Mỗi năm, nông dân trồng mai vàng ở xã Bình Lợi bán ra thị trường hàng trăm ngàn sản phẩm mai vàng. Ảnh: Tấn Hà

Phải nói, đất đai thổ nhưỡng trên vùng đất nhiễm phèn này góp phần làm nên thương hiệu cây mai Bình Lợi. Theo đó, rễ cây mai vàng khi ăn xuống lớp đất mùn khoảng 4cm sẽ quay đầu đi ngang tạo thành rễ chùm vì đụng phải phèn. Điều này giúp cây mai không mất nhiều dưỡng chất khi sang, bứng lên chậu kiểng, giúp mai không mất sức, phát triển tốt, cành lá xanh tươi, cánh hoa nở đều, có màu bông tươi rói, lâu tàn…

Và đặc biệt, do cấu tạo rễ chùm, việc bứng di chuyển, chăm sóc rất thuận lợi so với các vùng trồng mai vàng nên các thương lái và người chơi mai ưa chuộng cây mai Bình Lợi.

Nông thôn mới giúp trồng mai vàng thuận lợi

Theo Hội Nông dân xã Bình Lợi, trước đây, trên vùng đất này, bà con nông dân chủ yếu trồng thơm và mía. Thu nhập cao nhất từ 2 loại cây trồng này chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Nay trồng mai đã cho bà con thu nhập 500-700 triệu đồng/ha.

Anh Kiêm chia sẻ, nhờ chính sách nông thôn mới đã thúc đẩy cơ sở hạ tầng trên địa bàn hoàn thiện. Hiện, hệ thống đê bao chống ngập đã hoàn chỉnh, tuyến đường trục chính nội đồng được thi công cấp phối đá dăm hơn 67 km đạt tỷ lệ hơn 80% toàn xã.

"Nhờ có đê bao, hiện tượng ngập úng khi triều cường đã được khắc phục, xe tải vào tận cửa vườn giúp nông dân vận chuyển mua bán mau lẹ, giảm chi phí nhân công, tăng thêm phần lợi nhuận", anh Kiêm bộc bạch.

Trồng mai vàng đổi đời ở xã nông thôn mới - Ảnh 4.

Hiện, tại xã Bình Lợi có hơn 450ha đất trồng mai vàng. Ảnh: Tấn Hà

Bà Phan Thị Thanh Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi cho biết, đợt dịch vừa qua, bà con nông dân, những người trồng mai tham gia hỗ trợ địa phương rất nhiều. Bà con nông dân góp tiền và phương tiện tham gia tuyến đầu chống dịch.

"Bà con nông dân vận chuyển hàng hóa, cung cấp xuất ăn, tặng rao củ quả lương thực cho người dân gặp khó khăn trong mùa dịch", bà Thanh Công chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem