Trồng nấm sò, một nữ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở Bắc Kạn thu hàng trăm triệu

Dương Cử Thứ ba, ngày 03/01/2023 06:25 AM (GMT+7)
Chị Vũ Thị Hiên, hội viên nông dân Chi hội nông dân thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn ngoài duy trì trồng lúa, cây ăn quả, nuôi lợn, chị còn mạnh dạn trồng thêm nấm sò.
Bình luận 0

Từ chăn nuôi, trồng trọt hằng năm gia đình chị thu nhập trên 270 triệu đồng và nhiều năm liền đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh

Để trồng được nấm sò, chị đã đi tham quan nhiều mô hình trồng nấm trong và ngoài tỉnh. Khi nắm được kỹ thuật, năm 2021 chị bắt đầu làm nhà để trồng nấm, làm giàn treo, giàn hấp bịch phôi nấm, chị đầu tư thêm các máy móc, thiết bị để sản xuất nấm sạch, an toàn. Đến cuối năm gia đình chị trồng mẻ nấm sò đầu tiên hơn 1.200 bịch theo đúng quy trình kỹ thuật.

Trồng nấm sò, một nữ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh ở Bắc Kạn thu hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Chị Hiên làm các bịch giá thể nấm sò chuẩn bị cho vụ trồng nấm mới của gia đình tại thôn Thôm Mò, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Nguyên liệu trồng nấm thường dùng là rơm rạ, mùn cưa, bông phế thải. Các nguyên liệu này được xay nhỏ, xử lý khử trùng qua nước vôi, đóng vào các túi nilon rồi đem hấp trong lò hấp thanh trùng ở 100 độ C trong 8 tiếng liên tục, sau đó bỏ ra để nguội rồi mới cấy nấm giống.

Các giá thể nấm sau khi cấy được 20 - 30 ngày, sợi nấm sẽ ăn kín trắng toàn bộ bịch, lúc này mới rạch xung quanh bịch giá thể rồi treo lên để thuận tiện chăm sóc. Khi nấm phát triển đều, đường kính mũ 3 - 4 cm thì tiến hành thu hoạch. Khi thu hoạch phải cẩn thận, nhẹ nhàng, giữ cho nấm không bị dập nát.

Chị Hiên chia sẻ: “Loài nấm sò nhạy cảm với thời tiết, nhất là nhiệt độ, độ ẩm và độ thông thoáng của nhà trồng nấm… Nấm phát triển tốt ở môi trường nhiệt độ khoảng 27 - 28 độ C, độ ẩm 70 - 80%. Vào mùa hè, mật độ giá thể không nên quá dày; nhà trồng nấm cần che chắn cẩn thận, tránh gió lùa. 

Thường xuyên kiểm tra độ ẩm của các bịch nấm để bảo đảm không quá ẩm cũng không bị khô; nếu thời tiết khô hanh, tưới nước 3 - 4 lần/ngày, phun trực tiếp vào các giá thể nấm. Nếu thời tiết ẩm, chỉ tưới xuống nền rồi nước tự bốc hơi làm ẩm các giá thể…”

Hiện đang là thời điểm chuẩn bị vụ trồng nấm sò mới, vụ nấm trồng thường từ tháng 11năm trước đến tháng 3 năm sau. Chị dự kiến vụ này sẽ trồng 2.400 bịch và chia làm hai mẻ cho thu 2000 kg nấm. Với giá hiện nay 40.000đ/kg, sẽ cho doanh thu 80 triệu đồng, trừ tiền giống, túi ni lông bọc bịch 5000đ/bịch sẽ cho thu nhập 70 triệu đồng.

Chị Hiên tuân thủ các quy trình sản xuất nấm theo hướng sạch, an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày nên nấm trồng của gia đình chị luôn được các tư thương ưa chuộng, chọn mua.Với quy mô nhu cầu thị trường hiện tại cung không đủ cầu nên chị dự định thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất.

Ngoài trồng nấm sò, gia đình chị vẫn duy trì nuôi lợn siêu nạc với số lượng lợn nuôi 6 nái đẻ, 9 nái hậu bị và nuôi lợn thịt thương phẩm 60 con/năm. Ngoài ra gia đình chị còn trồng 0,7 ha lúa hỗ trợ lương thực, chăn nuôi; trồng 0,1ha lúa nếp mùa làm cốm, trồng ổi, bưởi; trồng gần 5 ha mỡ, quế và bắt đầu cho khai thác. Từ các cây trồng này và chăn nuôi lợn dự kiến năm 2022 sẽ thu trên 200 triệu đồng.

Ông Lê Hoàng Dưỡng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bạch Thông cho biết: “Chị Hiên là gương điển hình cho hội viên, nông dân học tập phát triển kinh tế tại địa phương, là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền của tỉnh”.

Từ giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế mà cây nấm sò đem lại, chị Hiên mong muốn trong thời gian tới mô hình này sẽ được nhân rộng ra phạm vi trong vùng, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Chị sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ có nhu cầu...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem