Trồng loại ớt ngọt giống mới, lạ, ruộng đẹp như phim ở Lâm Đồng, ông chủ thu tiền tỷ

Thứ năm, ngày 04/05/2023 13:12 PM (GMT+7)
Nhờ đưa vào trồng các loại ớt mới, lạ là Sweet Palermo có năng suất và giá bán vượt trội, Công ty Mai Khôi Farm tại xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã có thu nhập hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Mai Khôi Farm rộng chừng 30 ha tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Đây là công ty đã trở nên quen thuộc trong giới khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng với hàng chục ha canh tác nhà kính; trong đó, đáng kể nhất là đạt hiệu quả rất cao trong việc trồng các loại ớt ngọt.

Trồng loại ớt ngọt giống mới, lạ, ruộng đẹp như phim ở Lâm Đồng, ông chủ thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Công ty Mai Khôi Farm đang canh tác các loại ớt Sweet Palermo 4 nhóm màu: đỏ, vàng, cam và sô cô la tại xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Anh Nguyễn Văn Minh Tú - Giám đốc Công ty Mai Khôi Farm cho hay, đối với ớt ngọt, hiện công ty đang canh tác với diện tích lên đến 8 ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng trăm tấn ớt ngọt các loại. Riêng giống ớt Sweet Palermo, công ty hiện đang canh tác với diện tích 1,5 ha.

Anh Tú cho biết, năm 2019, khi biết Công ty TNHH Rijk Zwaan Việt Nam đang nghiên cứu và phát triển giống ớt Sweet Palermo tại tỉnh Lâm Đồng, công ty đã liên hệ để mua giống cũng như được hướng dẫn quy trình trồng với diện tích ban đầu 2.000 m2. 

Ớt Sweet Palermo khi chín thường có 4 nhóm màu như đỏ, vàng, cam và sô cô la. Ớt này khi chín có vị ngọt, mùi thơm nồng nên được dùng ăn tươi như các loại trái cây hoặc làm nước ép, các món salad, món trộn, món nướng.

Thời gian canh tác một chu kỳ của ớt Sweet Palermo thường kéo dài hơn 8 tháng; trong đó, 3 tháng đầu trồng và 5 tháng sau thu hoạch. Với năng suất canh tác của trang trại hiện nay khoảng 200 tấn/ha, cùng giá bán trung bình 60.000 đồng/kg, công ty có doanh thu đạt 12 tỷ đồng/ha, lợi nhuận ước đạt từ 60 - 70%.

Sở dĩ trang trại trồng ớt đạt năng suất cao như vậy là nhờ công ty đã nghiên cứu đầu tư và phát triển hệ thống nhà kính hiện đại, cùng các công nghệ trồng và chăm sóc cây trồng với chế độ ưu việt nhất.

Đúng như lời giới thiệu của chủ trang trại, phóng viên nhận thấy tính khoa học bên trong những gian nhà kính. Toàn bộ diện tích canh tác ớt trong nhà kính của Công ty Mai Khôi Farm được trồng trong những túi giá thể xơ dừa, các túi được lắp đặt ống tưới nhỏ giọt nhằm cung cấp nước tưới cùng phân bón. 

Bên dưới nền đất được phủ một lớp thảm nhựa, cách ly hoàn toàn với đất. Điều này giúp cho nhiều bệnh đối với cây trồng không xâm nhập được, tạo thành một lớp bảo vệ đối với cây trồng.

Bên cạnh đó, để quản lý vườn cây, các thông số về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng… trong vườn ớt chuông cũng được anh điều chỉnh thông qua hệ thống thông minh. Nhờ có hệ thống IoT này, các thông số được liên tục cập nhật, giúp người làm vườn nắm bắt để điều chỉnh việc chăm sóc cây trồng cho phù hợp, nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất rất cao.

Đặc biệt, kể từ 2018, công ty đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển các loài côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong việc trồng và chăm sóc các loại cây trồng. Thông qua sử dụng Bio-Pro để trồng và kiểm soát sâu bệnh, công ty đã giảm thiểu việc sử dụng hóa chất trên cây trồng. 

Từ đó mang đến những sản phẩm rau, củ quả sạch, an toàn, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Riêng đối với các diện tích sản xuất rau, củ, quả, Mai Khôi Farm đang áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và sẽ nâng chuẩn GlobalGAP trong thời gian tới.

Với cách làm sáng tạo, áp dụng công nghệ cao trong việc trồng ớt, Công ty Mai Khôi Farm thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm, đồng thời, tạo công ăn việc làm cố định cho hơn 60 lao động, trong đó có nhiều lao động tại địa phương.

“Hiện nay, Công ty Mai Khôi Farm cũng là một trong 3 cơ sở được UBND huyện Lạc Dương chọn làm điểm đón khách du lịch trong tuyến du lịch canh nông. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, đưa vào canh tác các loại ớt, nhất là các giống ớt mới; đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm cho các loại rau, củ, quả của trang trại và sẽ đăng ký xây dựng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng”, anh Tú cho biết thêm.

Hoàng Sa (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem