Trồng thứ rau người khen thơm, kẻ chê tanh, ngày cắt bán 2 lần, bà nông dân này ở Bến Tre có tiền quanh năm

Thứ bảy, ngày 19/11/2022 18:48 PM (GMT+7)
Hai năm trước, bà Tích, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri (Bến Tre) trồng rau diếp cá và rau húng đất trên diện tích 1,5 công theo hướng canh tác rau màu an toàn. Khi mới thành lập, mô hình tổ liên kết trồng rau màu chỉ có 7 thành viên là hội viên phụ nữ tham gia, đến nay đã có 15 thành viên.
Bình luận 0

 Năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Vĩnh An, huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) chọn ấp An Nhơn có thế mạnh về rau màu triển khai thành lập Tổ liên kết trồng màu. 

Đến năm 2019, Tổ đổi thành mô hình trồng rau an toàn với 40 hộ canh tác rau màu, riêng hội viên phụ nữ có 15 hộ tham gia. 

Người dân đa phần trồng rau màu như: rau má, hành lá, rau muống, rau thơm (quế đất, húng lủi, ngò rí, cải thìa, cải ngọt, cải bẹ xanh), mồng tơi và dưa leo, khổ qua... 

Diện tích trồng rau là 25ha, hộ ít nhất 500m2 và cao nhất khoảng 5.000m2. Thông thường Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giúp đỡ từ 3 - 50 triệu đồng/hội viên.

Trồng thứ rau người khen thơm, kẻ chê tanh, ngày cắt bán 2 lần, bà nông dân này ở Bến Tre có tiền quanh năm - Ảnh 1.

Tổ trưởng mô hình trồng rau an toàn ấp An Nhơn Nguyễn Thị Tích, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri (Bến Tre) thu hoạch rau diếp cá.

“Mỗi thành viên chọn trồng một loại rau màu. Nhờ mô hình trồng rau an toàn, thành viên đã cải thiện cuộc sống đáng kể với thu nhập ổn định. Riêng gia đình tôi, rau màu giúp chu toàn cuộc sống cũng như chăm lo việc học hành của các con. 

Tôi thu nhập bình quân hơn 500 ngàn đồng/ngày, trung bình thu hoạch từ 30 - 40kg rau/ngày”, Tổ trưởng mô hình trồng rau an toàn ấp An Nhơn Nguyễn Thị Tích (53 tuổi) cho biết.

Khởi đầu, bà Tích chỉ trồng 300m² rau màu, tích lũy chi phí cùng vốn hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (12 triệu đồng) của Hội LHPN đã nhân rộng diện tích trồng, giúp tăng năng suất cũng như thu nhập. 

Hai năm trước, bà Tích chuyên trồng rau diếp cá và rau húng đất trên diện tích 1,5 công theo hướng canh tác rau màu an toàn. Khi mới thành lập, mô hình chỉ có 7 thành viên là hội viên phụ nữ tham gia, đến nay đã có 15 thành viên.

“Khoảng nửa tháng, tôi thu hoạch giáp vòng diện tích rau diếp cá trồng theo hướng hữu cơ an toàn của nhà. Mỗi ngày, trước 7 giờ sáng, tôi bắt đầu công việc thu hoạch rau diếp cá, đến 9 - 10 giờ sẽ giao thương lái tới tận nhà thu mua. Chiều tôi tiếp tục cắt rau diếp cá từ 14 - 18 giờ sẽ hoàn thành để giao thương lái. Chủ yếu người trồng rau diếp cá giao cho thương lái ở chợ Ba Tri, đầu mối tại huyện Thạnh Phú và phân phối đi thị trường TP. Hồ Chí Minh”, bà Tích nói.

Thời gian dịch Covid-19 hoành hành, địa phương thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội thì Hội LHPN xã đã kết nối siêu thị Co.op Mart Bến Tre, trở thành đầu mối tiêu thụ ổn định rau màu của mô hình. 

Hiện tại, bà Tích đã đầu tư được giàn lưới (15 triệu đồng/1,5 công đất) giúp tránh tác động trực tiếp của giọt mưa, ảnh hưởng của sương đến sản phẩm. 

Bà trang bị hệ thống tưới nước tự động chi phí 12 triệu đồng với 15 van/1.500m², vận hành 5 van/lần để giúp tiết kiệm điện và rau dễ hấp thụ nước. Mỗi liếp rau ngang chừng 0,5m và dài khoảng 10m, bà Tích lắp đặt 2 vòi sen tưới nước, 1 vòi tưới xoay tròn ước chừng bao rộng 3 liếp.

Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An Nguyễn Thị Mai Trúc cho biết: Hiện tại, rau màu an toàn đang được giá nên chị em rất vui mừng vì có lãi cao. Hội luôn tạo điều kiện cho thành viên của mô hình có dịp gặp gỡ để cùng nhau học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về áp dụng thực tiễn hiệu quả. 

Sản phẩm rau sạch an toàn, đảm bảo sức khỏe nên luôn được thị trường đón nhận. 

Thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tham gia mô hình và duy trì ổn định. Triển khai nhân rộng mô hình trong toàn xã, trước tiên là ấp Vĩnh Đức Tây.  

                      

Lê Đệ (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem