Dân làng Jrai ở Gia Lai rủ nhau trồng rau sạch, quanh năm có tiền tiêu rủng rỉnh

Mai Ka Thứ tư, ngày 13/07/2022 07:00 AM (GMT+7)
Những “Tổ sản xuất rau sạch” trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số do Hội Nông dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thành lập đã hoạt động hiệu quả, từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, đem lại thu nhập ổn định và là địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn cho người dân.
Bình luận 0

Ngoài dấu ấn độc đáo của một ngôi làng Jrai truyền thống, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) còn tạo ấn tượng với không gian xanh của những vườn rau cải xanh mởn, luống rau dền trải dài và những hàng ớt đỏ mọng chuẩn bị cho thu hoạch. 

Đây chính là kết quả tích cực từ khi người dân trong làng tham gia “Tổ sản xuất rau sạch”. Đang tưới nước cho vườn rau vừa nhú mầm, anh Kpuih Ayên kể lại: “Trước đây, nhà mình chủ yếu trồng lúa thôi, còn rau củ vẫn phải ra chợ mua. Từ ngày tham gia “Tổ sản xuất rau sạch”, mình thấy việc trồng rau để phục vụ cho bữa ăn gia đình cũng rất quan trọng. Mình quyết định dành gần 1 sào đất quanh nhà để trồng đủ loại rau. Ngoài việc cung cấp rau sạch cho gia đình, người thân, vợ mình còn mang ra chợ bán được trên 200 ngàn đồng/ngày”.

Tương tự, vườn rau xanh cũng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình chị H'Lem. Theo chị H'Lem, sau khi được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau sạch, chỉ cần chịu khó chăm sóc, dùng lượng phân, thuốc đúng quy định là có thể hạn chế được sâu bệnh và đem lại năng suất cao.

 “So với việc trồng rau truyền thống thì rau trồng an toàn sạch và đẹp hơn vì giảm được lượng thuốc trừ sâu, phân bón. Trồng rau sạch giúp mình có thu nhập khoảng 150-200 ngàn đồng/ngày”-chị H'Lem chia sẻ.

Dân làng Jrai ở Gia Lai rủ nhau trồng rau sạch, quanh năm có tiền tiêu rủng rỉnh - Ảnh 1.

Tham gia "Tổ sản xuất rau sạch" giúp người dân thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập. Ảnh: Mai Ka

Ông Mlin-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng Ốp-cho rằng: “Tổ sản xuất rau sạch” đã giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm về việc trồng rau sạch để vừa phục vụ cho bữa ăn, vừa đảm bảo sức khỏe. Khi tham gia “Tổ sản xuất rau sạch”, người dân được hướng dẫn cách sử dụng phân bón trong sản xuất rau an toàn, phòng trừ sâu bệnh, thời gian thu hoạch rau ăn lá, rau ăn quả... 

Còn ông Nguyễn Quang Vũ-Chủ tịch Hội Nông dân phường Hoa Lư thì cho biết: “Tổ sản xuất rau sạch” làng Ốp được thành lập từ năm 2021 với sự tham gia của 10 hộ hội viên. Người dân rất có hứng thú với việc áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng rau tại vườn của mình. Họ nắm được khái quát quy trình trồng rau an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng; tạo môi trường an toàn, cách ly mầm bệnh, cải tạo đất… 

Quan trọng là bà con đã xóa dần tập quán sản xuất truyền thống và không còn theo kiểu “thích đâu thì trồng đấy”. Mỗi nhà đã biết tận dụng những khoảnh đất trống trong vườn để trồng rau. “Đến nay, hầu như gia đình nào ở làng Ốp cũng sở hữu một vườn rau xanh mướt. Cũng có nhiều gia đình làm được nhiều để đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập”-ông Vũ thông tin.

“Tổ sản xuất rau sạch” của làng Lang (phường Chi Lăng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng đang hoạt động rất hiệu quả với 30 thành viên canh tác 3,5 ha rau màu. Người dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu nhằm chủ động nguồn nước tưới. 

Ông Phạm Việt Minh-Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng-cho hay: “Qua theo dõi, các hội viên trong tổ đều trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật để đảm bảo nguồn rau an toàn. Nhờ đó, bà con tạo uy tín đối với người tiêu dùng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng tổ chức cho hội viên tham gia tập huấn kỹ thuật; đồng thời nhân rộng mô hình này ra 2 làng còn lại của phường”.

Đến nay, Hội Nông dân TP. Pleiku đã thành lập được 12 “Tổ sản xuất rau sạch” trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số với 183 thành viên. Dù mới được thành lập nhưng mô hình sản xuất rau an toàn do Hội Nông dân quản lý đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn “Tổ sản xuất rau sạch” đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người dân, giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc trồng và sử dụng rau an toàn. 

“Trước thực trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật không đúng liều lượng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì trồng rau theo phương pháp an toàn là hướng đi cần thiết để thay đổi tập quán canh tác truyền thống của người dân tộc thiểu số”-bà Nguyễn Thị Bích Vân-Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku-nhấn mạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem