Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi

Tráng Xuân Cường Thứ hai, ngày 24/04/2023 05:50 AM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 4, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (Lào Cai) tập trung thu hoạch quế bán cho tư thương. Năm nay, tình hình tiêu thụ cây quế ổn định, giá bán có lợi cho bà con, nhờ đó nhiều hộ thoát nghèo và có thu nhập khá.
Bình luận 0

Trồng quế, thương lái thu mua từ lá tới vỏ, nông dân Cốc Ly tiền tiêu rủng rỉnh

Cốc Ly là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thôn nhất của huyện Bắc Hà với 19 thôn, chủ yếu là thôn vùng cao trên đỉnh đồi núi và 3 thôn trải dài bên các khu đồi, thung lũng nhỏ theo con đường vào xã. Nhiều xã ven bờ sông Chảy, quần tụ quanh hồ thủy điện Cốc Ly và đây cũng là xã mới phát triển diện tích trồng quế nhiều nhất huyện. 

Chính vì thế, vào thời điểm cây quế đến kì tỉa cành lá, trồng dặm, tư thương từ huyện Bảo Thắng và các xưởng thu mua, sơ chế quế lại đổ về đây để thu mua quế từ vỏ tới cành, lá... Vào mùa quế, người dân Cốc Ly làm việc tất bật từ sáng tới tối mãi không hết việc. 

Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi - Ảnh 6.

Đồng bào các dân tộc ở xã Cốc Ly tiến hành thu bán cành, lá quế khô. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Gần đây, gia đình anh Bàn Văn Thanh, dân tộc Dao, ở thôn Lùng xa 1, xã Cốc Ly bắt đầu mở đại lý thu mua quế nhỏ tỉa từ những diện tích trồng dày và các sản phẩm vỏ quế, lá quế. Vốn là người dân trồng quế, kết hợp làm dịch vụ nông nghiệp, mở đại lý thu mua quế nên anh Thanh rất am hiểu tình hình trồng, thu hoạch, tiêu thụ quế trên địa bàn.

Theo anh Thanh,  mấy năm nay giá quế khá cao, ổn định, tiêu thụ thuận lợi. Năm nay, giá quế đầu vụ xuân khá cao, đơn cử vỏ quế khô 50.000 - 60.000 đồng/kg, vỏ quế tươi 26.000 - 28.000 đồng/kg. Từ tháng 4 trở đi giá quế giảm dần và giữ ở mức vỏ quế khô 48.000 - 50.000 đồng/kg, vỏ quế tươi 23.000 - 24.000 đồng/kg. Còn lá quế giá vẫn ở mức 1.500 đồng/kg đối với thu mua tại chỗ, nếu mang ra xưởng quế ở Km 36 xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng thì giá đạt 2.000 đồng/kg.

"Riêng với cây quế non tươi tỉa dày, giá bán ổn định 2.500 đồng/kg. Nói chung giá quế ở mức này cũng được, mong không giảm để người dân yên tâm trồng và chăm sóc cây quế, có điều kiện ổn định cuộc sống" - anh Thanh nói.

Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi - Ảnh 1.

Đầu năm 2023, gia đình anh Bàn văn Thanh, thôn Lùng Xa 1, xã Cốc Ly mở đại lý thu mua vỏ cây quế non tỉa dày, góp phần bảo đảm đầu ra, thu nhập cho bà con nông dân trong bối cảnh sản xuất khó khăn do hạn hán kéo dài.

Theo phản ánh của chính quyền và người dân xã Cốc Ly, vụ thu hoạch quế vụ xuân năm 2023 bắt đầu từ cuối tháng 2, đầu tháng 3 và kết thúc hết tháng 4. Sản phẩm quế thu hoạch đến đâu có thương lái đến tận nơi thu mua đến đó. 

Ngoài ra, người trồng có thể tận thu bán vỏ và lá quế, thậm chí những thân cây quế nhỏ cũng được mua với giá ổn định tương đương thời điểm vụ xuân 2022.

Hầu hết diện tích quế ở Cốc Ly mới bắt đầu vào thời kỳ tỉa cây, cành lá và tỉa cây non trồng dày, vì vậy với mức giá nói trên, người trồng quế ở đây đang có thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng khác như ngô, lúa. Vì vậy, quế đã trở thành cây trồng chính của đại bộ phận người dân ở xã vùng cao này. 

Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi - Ảnh 3.

Gia đình chị Lý Thị Yên đã phơi phóng xong vỏ quế khô và xuất bán để có thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Gia đình anh Đặng Văn Ngoan, dân tộc Dao, thôn Làng Pàm là một trong số hộ trồng quế đầu tiên ở Làng Pàm, cũng là hộ có diện tích trồng quế thuộc diện nhiều nhất xã với trên 5 vạn cây, tương đương gần 7ha quế. Hiện diện tích quế đã đạt từ 4-9 năm tuổi, trong đó hơn 1 vạn cây trồng đầu tiên năm 2015 đã có thể cho thu hoạch toàn bộ. Còn lại 4 vạn cây, gia đình anh Ngoan đã cho thu hoạch tỉa, hứa hẹn nguồn thu lớn trị giá bạc tỷ trong tương lai. 

Anh Ngoan cho biết, quế là cây trồng có giá trị kinh tế và gia đình có diện tích lớn nên chủ yếu thu hoạch tỉa. Chỉ bán cành, lá nhưng mỗi năm gia đình anh cũng có thu nhập từ 10- 20 triệu đồng để trang trải thêm chi phí sinh hoạt. Hiện giờ, anh vẫn chủ yếu đi xây dựng công trình tại xã và vùng lân cận, đợi giá quế cao hơn sẽ thu hoạch với quy mô lớn. 

"Năm nay hạn hán kéo dài, thiếu nước, nhiều nhà không trồng cấy ngô, lúa được, trồng rau cũng khó, may mà có cây quế mới có nguồn thu bán có tiền mua gạo, mắm muối..., không thì đói" - anh Ngoan chia sẻ với phóng viên. 

Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi - Ảnh 2.

Cây quế thích hợp với đồng đất vùng cao Cốc Ly, đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Không chỉ gia đình anh Ngoan mà hầu hết các hộ dân trồng quế trên địa bàn đều đang có trong tay từ 5.000 cây đến hơn 10.000 cây quế. Nhiều diện tích đã đạt từ 5-9 năm tuổi, đã và đang cho thu hoạch tỉa cây, vỏ, cành, lá, cây non tỉa dày.

Chị Lý Thị Yên, thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly cho biết: Nhà tôi trồng hơn 6.000 cây quế đã 8-9 năm tuổi, năm nay mới thu hoạch bóc vỏ quế lần đầu, còn chủ yếu vẫn tỉa lá, cành. Đầu vụ giá cao, còn giờ giảm rồi, vỏ quế khô chỉ còn 48.000 đồng/kg. Chỉ mong giá vỏ quế đừng giảm nữa, giữ ổn định như hiện nay thì nông dân chúng tôi rất yên tâm giữ rừng quế. 

Trồng rừng cây quý bán từ lá tới vỏ, tới mùa thương lái đổ về thu mua, nông dân thu tiền tươi - Ảnh 5.

Cây quế khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo, góp sức xây dựng nông thôn mới vùng cao Cốc Ly ngày một khởi sắc, trù phú. Ảnh: Tráng Xuân Cường

Ông Tráng Seo Páo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Ly cho biết, với hiệu quả kinh tế nổi trội từ cây quế, xã Cốc Ly đã ra Nghị quyết xác định cây quế là cây mũi nhọn giúp người dân giảm nghèo bền vững, từ đó chú trọng mở rộng diện tích, gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng. 

Hiện tổng diện tích quế toàn xã đạt trên 1.500 ha. Năm 2022 trồng mới 120 ha, năm 2023 kế hoạch huyện giao 200 ha, đã trồng mới đầu năm được 160 ha. Hiện nhiều diện tích trồng quế tại địa bàn đã đến thời điểm tỉa rộ nên các hộ nông dân chủ yếu thu tỉa cành, lá và cây quế non tỉa dày. Tình hình tiêu thụ cơ bản ổn định, giá vỏ quế khô duy trì ở mức 50.000 đồng/kg; vỏ quế tươi 23.000 - 24.000 đồng/kg, lá quế 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá tốt, giúp bà con có thu nhập thường xuyên.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây quế, giúp đồng bào các dân tộc trong xã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, xã Cốc Ly cũng tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển một số diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng quế; chủ động chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại quế; xây dựng quy hoạch vùng và phát triển vùng quế hữu cơ gắn với xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế, sả nhằm chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần giúp đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Phù lá… tại địa phương từng bước cải thiện và ngày càng nâng cao...

Trước đó, ngày 22/3, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Lào Cai đã tiến hành giải ngân 1 tỷ đồng cho 10 hộ là thành viên của Tổ hội “Trồng quế, chăm sóc quế” thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly. Mức vay 100 triệu đồng/hộ; thời gian vay 60 tháng, mức phí vay là 0,7%/tháng (8,4%/năm), phí quá hạn là 130% mức phí tiền vay.

Dự án "Trồng và chăm sóc quế" được thực hiện nhằm mục đích phát triển và mở rộng quy mô trồng, sơ chế quế trên địa bàn, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng vùng cao Cốc Ly ngày một đổi mới, ấm no, giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm cụm xã ở khu vực tây nam hạ huyện vùng cao Bắc Hà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem