Trữ đông thịt lợn: Cực khó vì năng lực kho chứa có... vấn đề!

Anh Thơ Thứ tư, ngày 12/06/2019 06:01 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước với khoảng 2 triệu con lợn đã chết hoặc buộc phải tiêu hủy, phương án trữ đông thịt lợn sạch bệnh được nhiều người đề xuất và đang được đánh giá là khả thi nhất trong lúc này để giảm thiểu thiệt hại và bình ổn thị trường. Nhưng thực tế triển khai ý tưởng sẽ không hề dễ dàng như vậy.
Bình luận 0

Năng lực kho chứa có vấn đề

Có thể thấy, cấp đông thịt lợn trong bối cảnh DTLCP là một giải pháp được coi là khả thi nhất hiện nay để vừa giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi, bởi có thời điểm, tâm lý lo ngại dịch bệnh đã khiến giá lợn hơi ở nhiều địa phương giảm sâu, khu vực miền Bắc, miền Trung chỉ còn 28.000 - 32.000 đồng/kg, miền Nam khoảng 35.000 - 37.000 đồng/kg (thời điểm này giá lợn hơi đã tăng nhưng không cho thấy dấu hiệu bền vững).

Nhưng vấn đề đặt ra lúc này là hệ thống kho cấp đông còn quá nhỏ bé, không đủ chứa một sản lượng thịt tương đối lớn. 

img

Việc cấp đông thịt lợn sạch không đơn giản bởi thiếu kho lạnh, nhiều người dân chưa thích dùng thịt đông lạnh... (ảnh minh họa) Ảnh: T.L

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), hiện cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp có kho lạnh và năng lực cấp đông. Tuy nhiên, 5/14 doanh nghiệp đó chuyên xuất khẩu lợn sữa (heo sữa) đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 doanh nghiệp còn lại có tổng công suất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, nhưng hiện đang cấp đông 1.200 tấn, như vậy kho chỉ còn trống khoảng 4.800 tấn - con số quá nhỏ bé so với tổng sản lượng thịt lợn hiện nay.

Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước, lên tới 1,5 triệu con, nhưng cho đến thời điểm này, cả tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài cơ sở giết mổ có hệ thống kho lạnh đảm bảo, nhưng công suất vẫn còn khiêm tốn.

Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về việc cấp đông thịt lợn sạch, Sở Công Thương Đồng Nai đã làm việc với các đơn vị sản xuất, chế biến, chăn nuôi, giết mổ, phân phối trên địa bàn. Về cơ bản, các doanh nghiệp, đơn vị giết mổ, thu mua đều ủng hộ chương trình này nhưng “cái khó bó cái khôn” khi hiện nay, Đồng Nai không có kho cấp đông theo tiêu chuẩn.

“Chúng tôi đã tính đến chuyện đi thuê kho với giá thuê 1USD/tấn/ngày. Do đó, nên chăng Bộ Công Thương đứng ra chủ trì để các địa phương lân cận phối hợp cùng nhau làm việc này, cùng kết nối với các địa phương để thực hiện việc cấp đông. Đơn cử, Đồng Nai thực hiện giết mổ và TP.HCM sẽ giúp Đồng Nai cấp đông thịt lợn” - ông Lộc đề xuất.

Đại diện Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Vinh Anh - đơn vị duy nhất trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện cấp đông thịt lợn cho biết, theo chủ trương kêu gọi của thành phố, doanh nghiệp đã cấp đông được 500 tấn lợn nhưng hiện tại kho đã hết công suất. Trong khi đó, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất lớn về vốn khi nguồn tiền đã cạn, trong khi chi phí tiền điện chạy kho lạnh mỗi tháng hết hơn 200 triệu đồng.

Nhiều ý kiến thì cho rằng, phương án cấp đông thịt lợn rất khó thực hiện, bởi tập quán sử dụng thịt tươi, mua trong ngày của người tiêu dùng khiến nhiều địa phương thiếu kho chứa trầm trọng. Trên thực tế, năm 2016, khi xảy ra khủng hoảng giá lợn, Hải Phòng đã thực hiện cấp đông nhưng lượng thịt đó về sau không thể giải phóng được. Còn bây giờ, nếu triển khai xây kho chứa thì có thể đến khi xây xong sẽ... hết lợn.

Doanh nghiệp phải được bảo hiểm

Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội lại có một nỗi lo khác, đó là, chẳng may trong quá trình vận chuyển, giết mổ, cấp đông, lô hàng bị phơi nhiễm DTLCP  thì doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào?

“Bộ NNPTNT phải xây dựng được quy trình vận chuyển, giết mổ, cấp đông một cách chặt chẽ, phải đề ra những phương án bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Không ai dám chắc trong quá trình vận chuyển, lợn không bị phơi nhiễm DTLCP  khi hiện nay vẫn có những xe chở lợn không được che bạt. Trong trường hợp này doanh nghiệp được bảo hiểm như thế nào” - ông Dũng băn khoăn.

Một trong những cơ chế nổi bật được Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đó là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Đó là chưa kể, theo ông Dũng, các trang trại, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi đang gặp khó về nguồn vốn khi ngân hàng đang xếp vào nhóm rủi ro cao, trong khi chỉ cách đây một năm còn mời gọi vay vốn. “Nếu các ngành chức năng không quan tâm đến những lĩnh vực nền tảng sản xuất thì các giải pháp đưa ra sẽ không hiệu quả, chẳng khác  gì đấm tay vào không khí” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, vấn đề kho lạnh không đáng lo ngại vì có thể đi thuê, Chính phủ hỗ trợ về tiền điện, kiểm dịch, tất cả những chính sách này đều rất tốt nhưng cần có bảo hiểm cho doanh nghiệp thì họ mới dám làm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Vissan cho rằng, việc cấp đông thịt lợn nếu không có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng như cho vay lãi suất 0%, hỗ trợ tiền điện, giãn tiến độ trả vốn..., các doanh nghiệp như Vissan không dám tham gia, bởi rủi ro rất lớn. Hơn nữa, giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho hoặc hàng tồn kho quá lâu sẽ rất phức tạp.

“Nếu có chủ trương cấp đông thịt lợn thì sau này lợn cấp đông được bán như thế nào, giải phóng hàng tồn kho ra sao?” - ông An băn khoăn.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh DTLCP  đang lây lan trên diện rộng và diễn biến phức tạp, nếu không cấp bách triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, cấp đông thịt lợn sạch thì nguồn cung thịt lợn cuối năm sẽ thiếu, trong khi hiện nay, việc tiêu hủy lợn có thể khiến người chăn nuôi tổn thất nghiêm trọng.

Một trong những cơ chế nổi bật được Bộ Công Thương và Bộ NNPTNT đề xuất Chính phủ đó là đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn, như chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ 100% tiền điện phục vụ cấp đông, 50% lãi suất ngân hàng, 100% chi phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem