Trump muốn Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD trong 2 năm, báo Trung nói "chỉ khả thi về lý thuyết"

24/12/2019 16:55 GMT+7
Các nhà kinh tế tiếp tục tranh luận về nội dung thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, nhất là sau khi Washington yêu cầu Bắc Kinh cam kết nhập khẩu thêm khoảng 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong 2 năm.

Thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Mỹ của Trung Quốc, từ mức 188 tỷ USD năm 2017, năm cuối cùng trước khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ - trích một thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quốc tế của Trung Quốc hồi năm 2017 là 1,84 nghìn tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu mua hàng của Mỹ về mặt toán học. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng điều này sẽ dẫn đến một thực tế là sự chuyển hướng thương mại, khi Trung Quốc phải giảm nhập khẩu của các quốc gia khác để tăng cường nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Mỹ, điều làm đảo lộn dòng chảy thương mại toàn cầu. Nếu Bắc Kinh giữ nguyên mức kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Mỹ 188 tỷ USD/ năm, đồng thời tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD trong vòng 2 năm, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng Mỹ trong năm 2020-2021 sẽ lên tới 576 tỷ USD, một con số khổng lồ.

Đáng nói là nông sản sẽ chiếm một phần lớn, lên tới hơn 80 tỷ USD trong cam kết tăng cường nhập khẩu của Trung Quốc, theo như những gì Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chia sẻ với đài CBS; dù rằng phía Bắc Kinh chưa lên tiếng xác nhận một con số như vậy. Chad Martin, chủ tịch tập đoàn thực phẩm khổng lồ Tyson Foods - doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp phép xuất khẩu gia cầm từ 36 cơ sở sang Trung Quốc trong năm 2020 cho hay: “Chúng tôi kỳ vọng thỏa thuận Mỹ Trung sẽ giúp đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và giảm thuế theo hướng có lợi cho việc kinh doanh thịt, gia cầm”. 

Trump muốn Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD trong 2 năm, báo Trung nói "chỉ khả thi về lý thuyết" - Ảnh 1.

Mỹ muốn Trung Quốc tăng mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ trong 2 năm

Trung Quốc tăng cường nhập khẩu 40 tỷ USD nông sản trong 2 năm: rủi ro nhiều hơn lợi ích

Năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu tổng cộng 131 tỷ USD nông sản từ các nước trên thế giới, với ước tính 24 tỷ USD nông sản có nguồn gốc từ Mỹ. Năm 2012 là một năm kỷ lục của kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ, với tổng giá trị các đơn hàng lên tới 29,5 tỷ USD, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu nông nghiệp INTL FCstone. Đó là nguyên nhân khiến các nhà phân tích tin rằng việc Trung Quốc nhập khẩu 40 tỷ USD nông sản Mỹ để đáp ứng yêu cầu của Washington trong thỏa thuận thương mại là hoàn toàn có thể về mặt lý thuyết, theo tờ South China Morning Post. Nhưng Bắc Kinh chưa chắc đã làm thế, do rất nhiều rủi ro có khả năng phát sinh.

Trong vòng 2 năm qua, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung khơi mào và bùng nổ, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung nông sản từ nhiều quốc gia trên thế giới như Argentina, Úc, Brazil, Đức, New Zealand và Tây Ban Nha. Giờ đây, nếu Bắc Kinh cam kết nhập khẩu 40 tỷ USD nông sản Mỹ, những đất nước này sẽ trở thành kẻ thua cuộc lớn. 

Centro Insper Agro Global, một viện nghiên cứu có trụ sở tại São Paulo đã báo cáo rằng Brazil có thể mất tới 28% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, tức khoảng 10 tỷ USD nếu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 thực sự buộc Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu đậu nành Mỹ với khối lượng khổng lồ như Tổng thống Trump mong muốn. New Zealand cũng có nguy cơ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, khi kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc hiện chiếm tới 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của quốc gia Châu Đại Dương này. Sữa và thịt là hai trong số ba mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của New Zealand cho Trung Quốc năm 2018, nhưng Mỹ cũng đang nhắm mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu 2 sản phẩm này.

Cameron Beard, giám đốc điều hành Export New Zealand cho hay: “Chắc chắn thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành xuất khẩu thực phẩm, đặc biệt là nông sản sang Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng các nhà xuất khẩu nông sản New Zealand thực sự đang đối diện với thách thức”. 

Stephen Jacobi, giám đốc điều hành của Diễn đàn doanh nghiệp quốc tế New Zealand thì chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng được cạnh tranh trên nền tảng Tối huệ quốc chứ không phải một thị trường thương mại bị quản lý và áp đặt. Chúng tôi sẽ chờ xem chi tiết điều khoản thỏa thuận Mỹ Trung để đánh giá liệu lợi ích thương mại của chúng tôi có bị ảnh hưởng hay không”. 

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng nhu cầu thịt lợn khổng lồ của Trung Quốc có thể giúp nước này đáp ứng được kim ngạch nhập khẩu khổng lồ từ Mỹ, do giá thịt lợn tại Mỹ hiện đang rẻ hơn 4 lần so với giá thịt lợn tại Trung Quốc vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi. Cục Thống kê quốc gia nước này cho hay giá thịt lợn trong tháng 11 tại Trung Quốc đã tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời điểm Tết nguyên đán gần kề. Dù vậy, các nhà phân tích nông nghiệp lo ngại rằng việc nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ và bán với giá cao tại Trung Quốc có thể phá vỡ hoàn toàn những nỗ lực phục hồi quy mô đàn lợn trong nước sau đại dịch. 

E. Wayne Johnson, một nhà tư vấn từ Enable AgTech Consulting (trụ sở Bắc Kinh) nhận định: “Hoạt động nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái gây dựng quy mô đàn lợn. Trung Quốc sẽ phải kết hợp cả hai, nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường và khuyến khích nông dân gây dựng lại quy mô đàn lợn để tăng cường nguồn cung thịt nội tại”.

Nhưng chỉ tăng cường kim ngạch nhập khẩu thịt lợn là không đủ để đáp ứng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dịch vụ lên tới 576 tỷ USD trong 2 năm, khi mà tổng kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm 2017 chỉ là 6,5 tỷ USD.

Trump muốn Trung Quốc nhập khẩu thêm 200 tỷ USD trong 2 năm, báo Trung nói "chỉ khả thi về lý thuyết" - Ảnh 3.

“Cơn gió lớn” với dòng chảy thương mại toàn cầu

Năng lượng được xem là lĩnh vực tiếp theo mà Trung Quốc có thể đẩy mạnh nhập khẩu từ Mỹ. Dữ liệu hải quan Trung Quốc đã chỉ ra rằng kim ngạch nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ của Trung Quốc đã giảm từ 254 triệu USD hồi tháng 1/2018 xuống mức 0 kể từ tháng 5/2019. Tuy nhiên, ngay cả khi nhu cầu khí hóa lỏng khôi phục trở lại, nó cũng chỉ đóng góp vào kim ngạch nhập khẩu tối đa 6 tỷ USD trong 2 năm. Thêm các sản phẩm xăng dầu phụ gia khác, kim ngạch nhập khẩu lĩnh vực năng lượng chỉ mang lại tối đa 10 tỷ USD trong 2 năm. 

Garcia Herrero, chuyên gia phân tích từ Natixis nhận định: “Không thể đáp ứng kim ngạch nhập khẩu 200 tỷ USD chỉ từ lĩnh vực nông sản và năng lượng”. Theo ông này, khả năng cao là Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao và hàng hóa trung gian, một tin tức bất lợi với Liên minh Châu Âu - khối thương mại đang xuất khẩu phần lớn hóa chất, ô tô, phụ tùng ô tô và máy bay sang Trung Quốc. Các quốc gia xuất khẩu sản phẩm, linh kiện công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề.

Vậy nên, dù cho Mỹ và Trung Quốc dự định ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trong tháng 1/2020, sự hoài nghi về con số kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khổng lồ như vậy vẫn tồn tại rộng khắp thị trường. Nếu Bắc Kinh chấp nhận kim ngạch nhập khẩu như vậy, dòng chảy thương mại toàn cầu sẽ đảo lộn hoàn toàn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục