Trump tuyên bố nóng vụ Anh cấm cửa Huawei, Trung Quốc sẽ trả đũa ra sao?

15/07/2020 17:10 GMT+7
Hôm nay (15/7), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chịu trách nhiệm cho quyết định của Thủ tướng Anh Boris Johnson về việc loại hoàn toàn thiết bị viễn thông Huawei khỏi mạng di động ở Anh từ nay đến cuối năm 2027.

“Chúng tôi đã thuyết phục được phần lớn các quốc gia. Tôi đã tự mình thuyết phục các chính phủ không sử dụng thiết bị Huawei vì cho rằng nó gây ra rủi ro bảo mật lớn (với an ninh quốc gia”, vị Tổng thống Mỹ cho biết ông chịu hoàn toàn trách nhiệm về lệnh cấm Huawei của Anh.

Cụ thể, hôm 14/7 (giờ Anh), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã ra lệnh “thanh trừng” thiết bị mạng Huawei khỏi mạng 5G của Anh từ nay đến năm 2027, đồng thời cấm các nhà mạng mua linh kiện Huawei bắt đầu từ sau ngày 31/12/2020.

Trump tuyên bố nóng vụ Anh cấm cửa Huawei, Trung Quốc sẽ trả đũa ra sao? - Ảnh 1.

Chính quyền Trump lâu nay luôn tạo áp lực cho các đồng minh cấm cửa Huawei

Chỉ ít giờ sau khi Anh tuyên bố quyết định chính thức, Liu Xiaoming, đại sứ Trung Quốc tại Anh đã bày tỏ sự thất vọng, gọi đó là một sai lầm. Ông này chất vấn rằng liệu Vương quốc Anh có đang tạo môi trường kinh doanh công bằng, không phân biệt đối xử với các công ty đa quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt là các công ty Trung Quốc hay không. 

Việc Anh quyết định mạnh tay với Huawei là chiến thắng mới nhất của chính quyền Trump trong cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung. 

Suốt một năm qua, kể từ khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5/2019, Washington đã không ngừng gây áp lực cho các đồng minh cấm cửa Huawei, bao gồm cả việc đe dọa cắt mạng lưới chia sẻ tin tức tình báo nếu các nước này cố tình cho phép Huawei nhúng tay vào dự án 5G.

Nỗ lực này tưởng chừng đã thất bại khi Thủ tướng Anh cho phép Huawei cung cấp các linh kiện không cốt lõi của mạng 5G trong một quyết sách công bố hồi tháng 1. Thời điểm đó, Mỹ thậm chí đã gửi phái đoàn chuyên viên và quan chức sang thuyết phục Anh quốc. 

Đồng thời, 20 thượng nghị sĩ Lưỡng đảng Mỹ đã họp kín để đưa ra thông điệp kêu gọi các nhà lập pháp Anh xem xét lại quyết định cho phép Huawei tham gia cung cấp thiết bị mạng viễn thông 5G. 

“Trước các rủi ro lớn về bảo mật, quyền riêng tư và đe dọa kinh tế mà Huawei mang tới, chúng tôi hy vọng Vương quốc Anh xem xét lại quyết định mới nhất (về việc cho phép Huawei trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G) như một bước hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ, giảm thiểu nguy cơ từ Huawei” - trích một phần thông điệp khẩn mà các thượng nghị sĩ gửi đến Hạ viện Anh.

Sức ép từ các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ Anh về nguy cơ bảo mật cũng như rủi ro an ninh quốc gia từ các thiết bị mạng Huawei đã khiến Thủ tướng Anh nghĩ lại. Mỹ sau đó giáng thêm một đòn đau chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei. 

Một cơ quan tình báo của Anh sau đó cảnh báo chính quyền Thủ tướng Boris rằng lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ có thể buộc Huawei sử dụng các công nghệ không đáng tin cậy, gây ra những rủi ro đáng quan ngại về an ninh mạng. Đến nước này, Anh phải họp khẩn, đưa ra quyết định “cạch mặt” Huawei.

Các nhà quan sát nhận định việc Anh bất ngờ đổi ý, mạnh tay với Huawei có thể sẽ tác động lớn đến các quốc gia Châu Âu còn lại, như Đức chẳng hạn. Đức hiện chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có cấm cửa Huawei khỏi mạng di động viễn thông hay không. Nhìn chung, động thái mới nhất của Anh là tín hiệu mới nhất cho thấy nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc có thể không được chào đón ở phương Tây. 

Trung Quốc sẽ trả đũa Anh ra sao?

Rõ ràng, quyết định của Anh về việc cấm cửa Huawei đã khiến Bắc Kinh nổi giận. 

Bắc Kinh từng cảnh báo Anh sẽ “đối diện nhiều hậu quả” nếu đưa ra một quyết định như vậy. Đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming khi đó tuyên bố việc loại Huawei khỏi thị trường mạng 5G Anh sẽ gửi đi một thông điệp rất xấu cho các nhà đầu tư Trung Quốc về nền kinh tế cũng như môi trường thương mại ở Anh. Và giờ đây, bỏ ngoài tai cảnh báo từ Bắc Kinh, Anh thực sự bỏ rơi Huawei.

Trung Quốc có nhiều mục tiêu để nhắm tới nếu thực sự muốn trừng phạt Anh. Họ có thể áp thuế hoặc cấm nhập khẩu rượu whisky Scotland hay ô tô Jaguar Land Rover như cái cách đã làm với yến mạch và thịt bò Úc. 

Một cách khác, Bắc Kinh có thể chuyển hướng sang thị trường tài chính bằng cách trừng phạt các ngân hàng Anh như HSBC hay Standard Chartered vốn đang phụ thuộc đáng kể vào thị trường Trung Quốc. Công ty bảo hiểm toàn cầu Prudential cũng có nguy cơ rơi vào tầm ngắm, theo nhận định của giáo sư George Magnus, đại học Oxford. 

Về lâu dài, mối quan hệ “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” với Trung Quốc có thể giết chết liên hệ giữa hai sàn chứng khoán London và Thượng Hải, đồng thời giảm bớt lợi thế cạnh tranh của Anh với các nước Châu Âu.

Trong khi nhiều nghị sĩ Anh đang hân hoan vì quyết định cấm cửa Huawei của Chính phủ, một số khác đang quan ngại liệu có cần đối đầu Trung Quốc khi Anh vốn đã lao đao vì cuộc khủng hoảng Brexit và Covid-19 nối tiếp nhau. 

Nhưng như lời Bộ trưởng Văn hóa Anh Dowden đã tuyên bố: “Đây không phải một quyết định dễ dàng, nhưng nó là quyết định đúng đắn với cơ sở mạng viễn thông của Anh quốc, để đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh kinh tế hiện tại cũng như trong dài hạn”.

 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục