Trung Quốc chi 1.400 tỷ USD để vượt mặt ngành công nghệ Mỹ
Trong kế hoạch tổng thể do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trong sáu năm đến 2025 cho công nghệ. Theo đó, họ sẽ kêu gọi chính quyền thành phố và các đại gia công nghệ phát triển mạng 5G, lắp đặt camera, cảm biến và phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy xe tự lái và các nhà máy tự động hóa. Sáng kiến cơ sở hạ tầng công nghệ mới dự kiến được thực hiện chủ yếu bởi các công ty trong nước như Alibaba, Huawei hay SenseTime.
Khi chủ nghĩa dân tộc trong công nghệ đang lên cao, khoản đầu tư này sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, tương tự các mục tiêu đã đề ra trước đây trong chương trình "Made in China 2025" . Tuy nhiên, những sáng kiến như vậy đã nhận sự chỉ trích dữ dội từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khiến họ đưa ra những động thái ngăn chặn sự trỗi dậy của các hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei.
"Không như trước đây, Trung Quốc giờ chủ động đi trước nhằm giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu", Maria Kwok - Giám đốc vận hành của Digital China Holdings nhận xét. "Từ năm nay, chúng tôi thực sự bắt đầu thấy dòng tiền đang chảy qua, bà nói trong căn phòng lắp đầy camera và cảm biến.
Thúc đẩy đầu tư công nghệ là một phần của gói tài chính đang chờ được Quốc hội Trung Quốc thông qua trong kỳ họp khai mạc hôm nay (22/5). Chính phủ dự kiến công bố gói hỗ trợ 563 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năm nay, trong bối cảnh kinh tế tệ nhất hàng thập kỷ.
Các nhà cung cấp lớn nhất của quốc gia về điện toán đám mây và phân tích dữ liệu như Alibaba và Tencent sẽ là những thành viên chủ chốt của nỗ lực sắp tới. Trung Quốc đã ủy thác cho Huawei - hãng cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới - phát triển mạng 5G. Các lãnh đạo công nghệ như Ma Huateng và Jack Ma đều đang tham gia chương trình.
Công ty của bà Maria Kwok - hãng cung cấp công nghệ tích hợp hệ thống được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ - là một trong số các đơn vị đang nhảy vào tìm kiếm cơ hội. Digital China đã đưa hàng triệu căn hộ trong các dự án ở Quảng Châu lên mạng Internet. Để tìm nhà, người dùng chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng, quét khuôn mặt và xác minh danh tính. Các hợp đồng cho thuê có thể được ký thông qua điện thoại thông minh và đơn vị cho thuê sẽ tự động gắn cờ cảnh báo nếu người thuê nhà chậm trả tiền.
Tuy nhiên, SCMP cho rằng, Trung Quốc vốn nổi tiếng với các kế hoạch sâu rộng có giá trị đầu tư khổng lồ nhưng hiệu quả dường như lại hạn chế. Không có gì đảm bảo chương trình này sẽ giúp nền kinh tế sôi động như những gì người đề xướng hứa hẹn.
Nhưng dẫu sao, không như những nỗ lực trước đây theo kiểu xây thêm những cây cầu và đường cao tốc để hồi sinh nền kinh tế, tham vọng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới sẽ giúp nước này tiến gần ngôi vương về phát triển các công nghệ tiên tiến.
"Kế hoạch kích thích mới của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến việc hợp nhất các nhà cung cấp internet để tạo ra một số công ty lớn hơn, có thể cạnh tranh với những cái tên hàng đầu thế giới, như GE và Siemens", Nannan Kou - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại BloombergNEF, dự báo. "Khi đặt cược vào các nền tảng IoT công nghiệp, Trung Quốc có mục tiêu phát triển ba công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2025", ông cho biết thêm.
10.000 tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc ước tính chi từ nay đến năm 2025 sẽ cho các lĩnh vực được xem là hàng đầu như AI, IoT cùng với đường dây điện cao thế và đường sắt cao tốc. Hơn 20 địa phương tại nước này đã công bố các dự án với tổng trị giá hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ, với sự tham gia tích cực từ vốn tư nhân.
Còn theo ước tính riêng của Morgan Stanley, Trung Quốc sẽ đầu tư 180 tỷ USD mỗi năm trong 11 năm tới, tương đương 1.980 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng mới. Con số này sẽ gần gấp đôi mức trung bình ba năm qua. Nhờ vậy, những công ty hưởng lợi nhiều nhất có thể kể đến là China Tower Corp, Alibaba, GDS Holdings, Quanta Computer và Eclech Co.
Nhiều khả năng các công ty Mỹ và nước khác sẽ không được lợi nhiều từ gói kích thích công nghệ khổng lồ này. Đầu năm nay, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Trung Quốc China Mobile đã trao các hợp đồng lắp đặt trạm 5G trị giá 37 tỷ nhân dân tệ cho các công ty. Trong đó, Huawei và các doanh nghiệp Trung Quốc khác nhận phần lớn. Ericsson (Thuỵ Điển) chỉ nhận được hơn 10% thương vụ trong 4 tháng đầu.
Tại một dự án khác, Digital China phát triển hạ tầng điện toán đám mây cho thành phố Trường Xuân bằng công nghệ nội địa, thay vì chọn IBM, Oracle hay EMC. Theo nghiên cứu của UBS, hơn 20 tỉnh tại Trung Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Tony Yu, CEO nhà sản xuất máy chủ H3C, nhận thấy nhu cầu dịch vụ trung tâm dữ liệu của một số công ty Internet hàng đầu đất nước đang tăng đáng kể. "Tăng trưởng nhanh chóng sắp tới sẽ mang lại nguồn lực mới cho nền kinh tế Trung Quốc sau đại dịch", ông nói.
ChinData Group ước tính một USD chi cho các trung tâm dữ liệu sẽ tạo ra khoản đầu tư từ 5 đến 10 USD vào các lĩnh vực liên quan, bao gồm hạ tầng mạng, lưới điện và sản xuất thiết bị tiên tiến. Một loạt các công ty trong chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi. Zhu Tian, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Quốc tế China Europe (Thượng Hải) nói rằng dù lo ngại nợ công tăng, gói đầu tư là điều cần phải làm vào thời điểm khủng hoảng.
Digital China tự tin các dự án tại Quảng Châu có thể tạo ra doanh thu 30 triệu nhân dân tệ cho công ty. Họ cũng hy vọng sẽ nhân rộng nỗ lực đó với chính quyền tỉnh Cát Lâm, nơi có các dự án trị giá 3,3 tỷ nhân dân tệ được phê duyệt. Kế hoạch bao gồm xây dựng trung tâm kỹ thuật số cho thành phố, kết nối cơ sở dữ liệu gồm giao thông, trường học và các vấn đề dân sự như đăng ký kết hôn. "Khái niệm về thành phố thông minh đã được đề cập nhiều năm qua, nhưng giờ chúng ta mới thấy có sự đầu tư", bà Kwok nói.