Trung Quốc-Iran: Thời cuộc ràng buộc quan hệ

Đại sứ Trấn Đức Mậu Thứ năm, ngày 01/04/2021 10:07 AM (GMT+7)
Việc chính thức ký kết những thoả thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho thời gian 25 năm tới đánh dấu sự khởi đầu thời kỳ quan hệ song phương mới giữa Trung Quốc và Iran.
Bình luận 0
Trung Quốc-Iran: Thời cuộc ràng buộc quan hệ - Ảnh 1.

Ở vào thời buổi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn hoành hành trên khắp thế giới và buộc thế giới ngoại giao phải chuyển sang hình thức trực tuyến là chính và trực tiếp chỉ rất hãn hữu mà đích thân bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cất công sang Iran để ký kết các thoả thuận với Iran đủ để cho thấy hai bên coi trọng ý nghĩa và giá trị của những thoả thuận này như thế nào. Tuy không bên nào xác nhận nhưng giới truyền thông hai nước và quốc tế đều đưa tin rằng nội dung cốt lõi trong đấy là Trung Quốc đầu tư khoảng 400 tỷ USD vào Iran và phía Iran cung ứng dầu lửa cho Trung Quốc. 

Iran cần vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào thời điểm hiện tại, trong khi Trung Quốc cần đảm bảo an ninh năng lượng bền vững trong khoảng thời gian dài. Những thoả thuận hợp tác song phương mới này giúp Trung Quốc duy trì vị thế là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng hàng đầu của Iran. Đổi lại, Trung Quốc có được ở Iran mắt xích quan trọng trong kế hoạch Một vành đai, một con đường và bàn đạp chiến lược cho việc thực hiện mưu tính chiến lược vươn tầm ảnh hưởng ra khu vực Vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi.

Thật ra, mối quan hệ giữa hai nước này vốn đã tốt đẹp từ lâu nay rồi, bất kể cá nhân nào hay đảng phái chính trị hoặc lực lượng tôn giáo nào cầm quyền ở Iran. Nhưng thời cuộc hiện tại trên thế giới và ở khu vực của hai nước mới là tác nhân quyết định nhất khiến hai nước phải nhanh chóng tạo dựng thời kỳ quan hệ hợp tác mới. Sẽ không hề sai gì khi cho rằng chính thời cuộc hiện ràng buộc hai nước này vào việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương. Cụ thể ở đây là cả hai đều cùng phải đối phó Mỹ và đồng minh của Mỹ.

Nước Mỹ đã có chính quyền mới. Chính quyền này chủ trương xung khắc với Trung Quốc còn quyết liệt hơn cả chính quyền tiền nhiệm và chưa thay đổi đáng kể gì trên thực tế chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Iran. Mỹ vẫn ở ngoài thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) và vẫn duy trì những biện pháp chính sách trừng phạt và cấm vận Iran.

 Tình trạng này càng kéo dài thì Iran càng thêm khó khăn về kinh tế và khó xử về đối nội. Cứ bốn năm một lần, nước Mỹ lại có bầu cử tổng thống, lại xuất hiện khả năng thay đổi chính quyền và chính sách đối với Iran lại có thể thay đổi. Mỹ đã thành lập được hẳn liên quân ở vùng Vịnh và Trung Đông cùng đối phó Iran. Để đối phó Mỹ, Iran cần những đồng minh và đối tác như Nga và Trung Quốc. 

Phía Iran thừa biết rằng phải dành cho hai đối tác này nhiều lợi ích chiến lược lâu dài ở Iran thì mới có thể tạo nên được tình thế hai đối tác này phải hậu thuẫn Iran trong quan hệ với Mỹ và đồng minh của Mỹ để bảo vệ lợi ích thiết thực của chính họ ở Iran. Họ đều là những đối trọng chiến lược quan trọng nhất của Iran trong quan hệ với Mỹ. Những thoả thuận hợp tác mới với Trung Quốc chính là sự ràng buộc Trung Quốc vào mối quan hệ hợp tác với Iran.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế và thương mại từ các thoả thuận hợp tác mới này với Iran, Trung Quốc có thể dùng việc nâng tầm quan hệ hợp tác với Iran phục vụ cho mục đích làm phá sản những mưu tính chiến lược của Mỹ đối với cả Trung Quốc lẫn Iran.

 Trung Quốc hậu thuẫn Iran như thế thì đương nhiên sẽ có đươck vai trò và ảnh hưởng trong việc giải quyết mọi vấn đề chính trị an ninh liên quan đến Iran, đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ với Iran và trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran bên ngoài phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc trong tư cách là uỷ viên thường trực của HDBA LHQ. 

Từ Iran, Trung Quốc có thể tiếp cận và mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới khắp khu vực vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi, dần trở thành tác nhân quyền lực và chính trị an ninh ở các khu vực này, cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với Mỹ và Nga. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo đuổi ý định tập hợp đồng minh và đối tác cùng đối phó Trung Quốc thì Trung Quốc cũng liên thủ với các đối thủ của Mỹ để đối phó Mỹ. Ông Biden đã thổ lộ ý định hình thành dự án hợp tác nhiều bên mới để cạnh tranh với kế hoạch Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. Cho nên Iran càng thêm quan trọng đối với Trung Quốc.

Hai mươi nhăm năm là khoảng thời gian dài và hiện chưa thể biết Trung Quốc và Iran rồi đây sẽ thực hiện những thoả thuận hợp tác vừa ký kết cụ thể, triệt để và kết quả như thế nào. Nhưng điều hiện có thể chắc chắn ngay được là riêng trên phương diện đối phó Mỹ, Trung Quốc và Iran trong thực chất đâu có khác gì cùng hội cùng thuyền và sẽ chỉ có thể khác nếu thời cuộc thay đổi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem