Trung Quốc không đủ dự trữ ngoại hối để sống sót qua chiến tranh thương mại?

31/05/2019 07:46 GMT+7
Các nhà phân tích chỉ ra rằng lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể không đủ một khi xung đột thương mại kéo dài dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong nền kinh tế.

Số liệu thống kê từ Cục Quản lý ngoại hối Trung Quốc cho thấy vào cuối tháng 3/2019, tổng dự trữ ngoại hối nước này đạt khoảng 3.1 nghìn tỷ USD, tăng 8.6 tỷ USD so với tháng 2/2019. Tuy nhiên, trong tình hình căng thẳng thương mại leo thang, Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ việc sử dụng đồng USD của các cá nhân và tổ chức, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ thiếu dự trữ ngoại hối ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nhìn bề ngoài, Trung Quốc nên là quốc gia cuối cùng trên thế giới lo lắng về sự thiếu hụt ngoại tệ với lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới 3.1 nghìn tỷ USD.

Nhưng dự trữ ngoại tệ khổng lồ không phản ánh được bức tranh ảm đạm và căng thẳng của nền kinh tế Trung Quốc, theo các nhà phân tích, bởi 3.1 nghìn tỷ USD được xem là không đủ để duy trì viễn cảnh an toàn cho hoạt động nhập khẩu, một khi đồng NDT đối mặt với sự mất giá hoặc giảm mạnh giá trị.

Nhiều nhà kinh tế thậm chí dự đoán Trung Quốc sắp trải qua một cuộc khủng hoảng thanh toán, tương tự như Argentina năm ngoái. Quốc gia Mỹ Latinh từng điêu đứng vì khủng hoảng tiền tệ và lạm phát, mà nguyên nhân được cho là sự thiếu hụt ngoại tệ.

Các nhà phân tích quan ngại dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc vẫn là không đủ cho một cuộc thương chiến dài hơi

Kevin Lai - nhà phân tích kinh tế khu vực Châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) thuộc Daiwa Capital Markets nhận định: “Trung Quốc sẽ không có đủ USD để chi trả cho các hoạt động nhập khẩu và khoản nợ của mình một khi nền kinh tế gặp cú sốc lớn khiến đồng NDT mất giá, đó là lý do vì sao Bắc Kinh cần ngăn chặn dòng ngoại hối chảy ra”.

Kể từ khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu lệnh trừng phạt thuế quan khi áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 7 năm ngoái, đã có những lo ngại về sự suy thoái trong nền kinh tế quốc gia Châu Á này. Điều này sẽ đẩy nhanh tốc độ ngoại hối chảy ra và làm giảm nguồn dự trữ USD trong hệ thống tài chính đất nước.

Từ 2014 đến 2017, ước tính Bắc Kinh đã đốt gần 1 tỷ USD để bảo vệ giá trị đồng NDT. Tuy sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới nhưng lượng ngoại tệ này chỉ chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội GDP, trong khi con số này năm 2010 là 48%. 3.1 nghìn tỷ USD được các nhà phân tích dự đoán gấp 1.6 lần nợ nước ngoài của Trung Quốc và đủ chi trả cho 12 tháng nhập khẩu hàng hóa dịch vụ.

“Tổng giá trị phát hành trái phiếu của Trung Quốc đã tăng lên 1,000 tỷ USD trong năm 2018 theo dữ liệu từ Dealogic. Nợ doanh nghiệp ở Trung Quốc đang ở mức cao, khoảng 155% GDP, vượt xa các quốc gia khác và không thể hiện sự bền vững” - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế toàn cầu cho biết. Trong khi đó, mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP và của Mỹ là 74%.

Khi cuộc chiến thương mại với Mỹ có dấu hiệu căng thẳng kéo dài, Chính phủ Trung Quốc âm thầm thắt chặt dòng ngoại tệ dù theo luật pháp, mỗi công dân được phép rút 50,000 USD mỗi năm.

Cựu cố vấn ngân hàng trung ương Yu Yongding cho biết ông không thể thực hiện giao dịch chuyển khoản 20,000 USD ra nước ngoài, lý do được phía ngân hàng đưa ra là ông đã ngoài 65 tuổi. Các ngân hàng Trung Quốc còn xem xét kỹ lưỡng bất kỳ giao dịch rút ngoại tệ giá trị 3,000 USD trở lên.

“Tôi luôn ủng hộ việc kiểm soát ngoại hối nhưng chính phủ đang có xu hướng cực đoan trong việc thực hiện. Các giao dịch ngoại hối hợp pháp đang bị cản trở” - ông Yu cho hay.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục