Trung Quốc mở cửa cho xoài Campuchia, xoài Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 26/01/2021 09:50 AM (GMT+7)
Năm 2020, Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu 10 loại trái cây mới, trong đó có xoài của Campuchia. Nhiều ý kiến lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng tới thị phần của các nước xuất khẩu xoài trong khu vực Đông Nam Á tại thị trường Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Bình luận 0

Theo thông báo từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2020, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu 10 mặt hàng trái cây mới, giảm nhẹ so với năm 2019. Các mặt hàng trái cây được phê duyệt bao gồm cam quýt của Argentina, Chile; dưa của Brazil; xoài của Campuchia; bơ của Dominica; thanh long của Indonesia; quả bơ, quả việt quất và quả xuân đào của Mỹ; quả việt quất của Zambia. 

Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 toàn cầu, cả tỷ lệ chấp thuận nhập khẩu trái cây mới và số lượng trái cây nhập khẩu đều giảm. 

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu trái cây tươi, trái cây sấy khô và các loại hạt của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2020 đạt 5,51 triệu tấn, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.

 Trong số các loại trái cây được phép nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2020, đáng chú ý nhất là xoài của Campuchia. 

Trung Quốc mở cửa cho xoài Campuchia, xoài Việt Nam có bị ảnh hưởng? - Ảnh 1.

Trung Quốc chính thức mở cửa cho trái xoài Campuchia, nhiều ý kiến lo ngại sẽ ảnh hưởng tới thị phần của các nước xuất khẩu xoài trong khu vực Đông Nam Á tại thị trường Trung Quốc, trong đó có xoài Việt Nam. Ảnh: I.T

Đây là loại trái cây thứ 2 của Campuchia được chấp thuận, sau trái chuối. Tháng 10/2020, Trung Quốc và Campuchia chính thức ký hiệp định thương mại tự do, và trong tháng 11/2020, 10 nước thành viên ASEAN đã ký hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

Hai hiệp định này đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu nông sản của Campuchia. Việc Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu xoài từ Campuchia sẽ ảnh hưởng tới thị phần của các nước xuất khẩu xoài trong khu vực Đông Nam Á tại thị trường Trung Quốc.

Xoài được tiêu thụ khắp Trung Quốc nhưng lượng tiêu thụ cao nhất nằm ở ở các vùng phía Nam, các thành phố hạng nhất và hạng hai.

Bên cạnh dùng để ăn tươi, một phần khá lớn xoài nội địa Trung Quốc được chế biến thành nước ép, xoài bảo quản và các sản phẩm khác.

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 11.000 tấn xoài với tổng trị giá hơn 20 triệu USD từ 9 quốc gia và khu vực, tăng 113% về khối lượng nhưng chỉ tăng 8% về giá trị so với năm 2017. Phần tăng thêm này chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam với khối lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc lần lượt tăng 492% và 816%.

Theo ước tính, xuất khẩu quả và quả hạch trong tháng 12/2020 của Việt Nam đạt 175 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng 11/2020, nhưng giảm 24,4% so với tháng 12/2019. Năm 2020 xuất khẩu quả và quả hạch ước đạt 2,2 tỷ USD, giảm 20,1% so với năm 2019

Quả và quả hạch là chủng loại xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả của Việt Nam, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 67,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam. 

Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu quả và quả hạch tới thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, nhưng trị giá xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh, là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 khiến nhu cầu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc giảm.

 Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Để giảm dần sự phụ thuộc trong xuất khẩu quả và quả hạch sang thị trường Trung Quốc, theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. 

Đáng chú ý, mặc dù xuất khẩu quả và quả hạch sang một số thị trường tăng mạnh trong 11 tháng năm 2020 như: Thái Lan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Úc, Hàn Quốc, thị trường Đài Loan và Nhật Bản, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường vẫn còn thấp so với nhu cầu nhập khẩu.

 Tuy nhiên, việc tăng mạnh xuất khẩu quả và quả hạch vào các thị trường lớn và có yêu cầu cao như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và EU góp phần nâng thương hiệu chủng loại quả và quả hạch của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để chủng loại này chiếm lĩnh nhiều thị trường khác trên thế giới.

 Trong cơ cấu chủng loại quả và quả hạch có rất nhiều loại quả có lợi thế cạnh tranh và còn nhiều tiềm năng để phát triển như: Thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, nhãn, mít, các loại hạt..., vì vậy các doanh nghiệp nên có sự thay đổi trong sản xuất và kinh doanh, đặc biệt chú trọng vào chất lượng và truy xuất nguồn gốc, để đẩy mạnh xuất khẩu những loại quả này trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem