Trung Quốc tăng tốc mua đến 90% một loại nông sản của Việt Nam với giá cao, sao nhà máy vẫn đóng cửa nghỉ sớm?

K.Nguyên Thứ hai, ngày 25/04/2022 13:01 PM (GMT+7)
Mặc dù Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu mua lượng lớn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, giá sắn xuất khẩu vẫn tăng nhưng một số nhà máy tinh bột sắn vẫn nghỉ vụ sớm. Tại sao vậy?
Bình luận 0

Giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc tăng

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 20 ngày đầu tháng 4/2022, giá tinh bột sắn nội địa và giá sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc có xu hướng tăng. 

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 tại một số khu vực biên giới của Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp nên tốc độ thông quan tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn chậm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2022, Việt Nam xuất khẩu được 447.010 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 198,61 triệu USD, tăng 79,4% về lượng và tăng 94% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 50% về lượng và tăng 76,2% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 444,3 USD/tấn, tăng 8,2% so với tháng 02/2022 và tăng 17,5% so với tháng 3/2021.

Tính chung quý I/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 956.760 tấn, trị giá 413,05 triệu USD, giảm 2% về lượng, nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 3/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 90% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của cả nước, với 402.430 tấn, trị giá 179,81 triệu USD, tăng 72,2% về lượng và tăng 88,6% về trị giá so với tháng 02/2022; so với tháng 3/2021 tăng 44,4% về lượng và tăng 72,1% về trị giá.

Tính chung quý I/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc 889.030 tấn, trị giá 382,28 triệu USD, giảm 4,6% về lượng, nhưng tăng 11,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, dù giá sắn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn rất cao nhưng một số nhà máy tinh bột sắn vẫn phải nghỉ vụ sớm do thiếu nguyên liệu. 

Trung Quốc tăng tốc mua đến 90% một loại nông sản của Việt Nam với giá cao, sao nhà máy vẫn đóng cửa nghỉ sớm? - Ảnh 1.

Mặc dù Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn có nhu cầu mua lượng lớn sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam, giá sắn xuất khẩu vẫn tăng nhưng một số nhà máy tinh bột sắn vẫn nghỉ vụ sớm do thiếu nguyên liệu. Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Pa (Gia Lai) thu hoạch sắn. Ảnh: Báo Gia Lai.

Thống kê cho thấy, năm 2021, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 528.000 ha (giảm khoảng 40.000 ha so với năm 2015). 

Diện tích sắn chủ yếu tập trung tại 5 vùng chính gồm: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ, Duyên hải Nam trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. 

Trong đó Tây Nguyên có diện tích sắn lớn nhất cả nước 172.500ha, chiếm 32,7% diện tích sắn của cả nước, tập trung tại các tỉnh Gia Lai (81.000 ha) Đắk Lắk (45.000 ha), Kon Tum (48,8 ha). 

Năng suất sắn bình quân cả nước đạt 20,3 tấn/1 ha, tăng 1,4 tấn/1 ha so với năm 2015. Sản lượng sắn cả nước đạt 10,7 triệu tấn, trong đó có 2,9 triệu tấn sắn được xuất khẩu, thu về gần 1,2 tỷ USD, tăng 2,4% so với năm 2020. 

Trong nhiều năm gần đây, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sắn tăng đều đặn. Hiện nay sắn và sản phẩm sắn là một trong 13 sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, dư địa phát triển cho ngành sắn còn rất lớn ở cả thị trường xuất khẩu, lẫn thị trường trong nước, bởi hiện nay, tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn trong nước mới chỉ chiếm khoảng 30%. 

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tăng tốc mua sắn của Việt Nam

Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là thị trường mua nhiều sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 57.080 tấn sắn, trị giá 16,28 triệu USD, tăng 50,6% về lượng và tăng 78,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thái Lan, Việt Nam và Philippines là hai thị trường lớn nhất cung cấp sắn cho Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2022. 

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Hàn Quốc, với 13.120 tấn, trị giá 5,29 triệu USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị phần sắn của Việt Nam chiếm 22,98% trong tổng lượng sắn nhập khẩu của Hàn Quốc, giảm mạnh so với mức 31,24% của 3 tháng đầu năm 2021.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 8.420 tấn tinh bột sắn, trị giá 4,49 triệu USD, tăng 161,6% về lượng và tăng 195,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

 Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2022.

 Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho thị trường Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2022, với 611 tấn, trị giá 354.000 USD, giảm 33,7% về lượng và giảm 24,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 7,26% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của thị trường Hàn Quốc, giảm mạnh so với 28,63% của cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm tới 92,74% tổng lượng tinh bột sắn của Hàn Quốc, tăng mạnh so với mức 71,31% của cùng kỳ năm 2021. 

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, trong 3 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu cả sắn và tinh bột sắn. Tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh với sắn và tinh bột sắn của Thái Lan.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem