Trung Quốc mua đến 95% một loại nông sản của cả Việt Nam, Thái Lan để làm gì?

K.Nguyên Thứ tư, ngày 22/06/2022 09:24 AM (GMT+7)
Trong mấy tháng gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn có xu hướng tăng trở lại do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc. Không chỉ mua của Việt Nam, Trung Quốc còn nhập khẩu sắn từ Thái Lan.
Bình luận 0

Xuất khẩu sắn sang Trung Quốc tăng trở lại

Trong mấy tháng gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn có xu hướng tăng trở lại do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu sắn lát giảm. 

Dự báo trong các tháng tới, xuất khẩu tinh bột sắn tiếp tục tăng nhờ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao. Trung Quốc tăng mua sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được gần 800.840 tấn tinh bột sắn, trị giá 403,64 triệu USD, tăng 15,7% về lượng và tăng 27,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc.

 Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,7% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước với 758.170 tấn, trị giá 380,5 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 26,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam cũng xuất khẩu được 407.180 tấn sắn lát khô, trị giá 117,39 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Sắn lát khô được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia.

Trung Quốc mua đến 95% một loại nông sản của cả Việt Nam, Thái Lan để làm gì? - Ảnh 1.

Trong mấy tháng gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn có xu hướng tăng trở lại do nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc. Trong ảnh: Chế biến tinh bột sắn tại Quảng Trị. Nguồn: UBMTTQ QT.

Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn lát khô lớn nhất của Việt Nam, chiếm 85,8% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước, với 349.390 tấn, trị giá 97,82 triệu USD, giảm 25,1% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Nhờ sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc, trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá củ sắn tươi, sắn lát tại các vùng ổn định. Tình hình giao thương tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc trở lại bình thường, nhưng tốc độ giao hàng vẫn chậm. 

Giá sắn tại Thái Lan cũng tăng nhờ Trung Quốc

Trong 10 ngày giữa tháng 6/2022, giá tinh bột sắn nội địa của Thái Lan tiếp tục được điều chỉnh tăng, trong khi giá tinh bột sắn xuất khẩu, sắn nguyên liệu và sắn lát xuất khẩu được giữ ổn định so với 10 ngày trước đó.

 Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, 4 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu được gần 2,66 triệu tấn sắn lát, trị giá 21,48 tỷ Baht (tương đương 612,41 triệu USD), tăng 27% về lượng và tăng 36,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,2% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của Thái Lan, với hơn 2,64 triệu tấn, trị giá 21,29 tỷ Baht (tương đương 607,11 triệu USD), tăng 26% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 4 tháng đầu năm 2022, Thái Lan xuất khẩu 1,33 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 21,02 tỷ Baht (tương đương 599,33 triệu USD), tăng 2,8% về lượng và tăng 20,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc chiếm 63,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của Thái Lan, với 843.080 tấn, trị giá 13,09 tỷ Baht (tương đương 373,27 triệu USD), giảm 12,9% về lượng, nhưng tăng 1,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; tiếp đến là thị trường Đài Loan đứng vị trí thứ 2, chiếm 8,3% với 110.500 tấn, tăng 17,1%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem