Trung Quốc nâng hàng rào thương mại, cách nào “cứu” đàn cá khổng lồ "mắc cạn" ở miền Tây?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 10/09/2021 09:02 AM (GMT+7)
Trong khi thị trường Mỹ, Brazil... đang có nhu cầu rất cao với cá tra Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp chế biến đang bị bóp nghẹt bởi quy định phòng chống dịch mỗi nơi một kiểu. Ngoài ra, việc Trung Quốc nâng hàng rào thương mại với thủy sản nhập khẩu cũng khiến xuất khẩu cá tra gặp khó.
Bình luận 0

Trung Quốc nâng hàng rào thương mại cho nhập khẩu cá tra

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt hơn 238 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP nhận định, trrong hơn nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông gặp nhiều khó khăn do những chính sách hạn chế nhập khẩu thủy sản vào nước này.

Cuối tháng 5/2021, Trạm Giang - một trong những trung tâm trung chuyển lớn ở Trung Quốc đã thông báo tạm dừng nhập khẩu thực phẩm đông lạnh từ các nước sản xuất thủy sản lớn bao gồm Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, cùng với 8 quốc gia châu Á khác từ 20/6 đến 15/7/2021 bởi lý do nhiều thành phố như Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, Trạm Giang, Maoming… có dấu hiệu nhiễm và lây lan Covid-19.

Do vậy, kể từ quý 2/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông, vốn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của các DN thủy sản Việt Nam, giảm liên tiếp từ 0,8 – 11,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo VASEP, với tình hình như hiện nay, Trung Quốc sẽ nâng hàng rào thương mại trong thời gian tới là điều chắc chắn. 

Xuất khẩu cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giảm tiếp trong quý III/2021.

Hiện có hơn 100 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam tham gia vào thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc nâng hàng rào thương mại, cách nào “cứu” đàn cá khổng lồ "mắc cạn" ở miền Tây?  - Ảnh 1.

Mỹ, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu cá tra chính của Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Trung Quốc giảm mua, nhà máy tạm đóng cửa, cá tra quá lứa đang nằm chờ dưới ao

Phát biểu tại hội nghị sơ kết hoạt động của Tổ công tác 970 sáng 9/9, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn nêu một thực tế, hiện nay áp lực của ngành chế biến, xuất khẩu cá tra là rất lớn, trong đó, việc di chuyển của người lao động, việc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn.

"Cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ mà công đoàn thu hoạch cá tra khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến, trong khi công đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vaccine, có giấy xét nghiệm đầy đủ" - bà Khanh nêu một thực tế.

Trả lời vướng mắc bà Khanh nêu ra, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, vùng nguyên liệu của Vĩnh Hoàn nằm ở huyện Long Hồ, Mang Thít, trong khi đó Mang Thít đang là vùng xanh nên được bảo vệ nghiêm ngặt, người đi vào tỉnh Vĩnh Long cũng phải cách ly tập trung 14 ngày.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, quy định như vậy là quá cứng nhắc vì theo văn bản của Bộ Y tế, những người đã tiêm phòng chỉ phải tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà thời gian 7 ngày.

Lập tổ thu hoạch “giải cứu” cá tra  - Ảnh 1.

Trung Quốc nâng hàng rào thương mại, cộng thêm nhà máy chế biến phải đóng cửa, giảm công suất, sản lượng cá tra quá lứa ở miền Tây tương đối lớn. Trong ảnh: Nông dân huyện Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) chăm sóc cá tra. Ảnh: Báo Cần Thơ.

Tính tới hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 906,6 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Từ thực tế đó, bà Khanh kiến nghị, nên xem xét lại thời gian cách ly đối với công đoàn thu hoạch cá tra vì hiện tại có những vùng như Sa Đéc (Đồng Tháp) không cho vào thu hoạch, "vùng xanh" còn nghiêm ngặt hơn "vùng đỏ.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cũng cho biết, trên địa bàn đang tồn 38.500 tấn cá tra nằm dưới ao trong khi 90% nhà máy chế biến của Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ".

Từ thực tế đó, ông Nhơn kiến nghị, Bộ NNPTNT có văn bản đề nghị các địa phương, ngành chức năng ưu tiên tiêm vaccine cho cả lao động trong chuỗi sản xuất ngành nông nghiệp. "Hiện, chỉ ưu tiên vaccine cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu thì làm sao người dân có thể đi thu hoạch để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch cá tra phải cần đến 40 - 50 người. Nếu không tiêm cho cả lực lượng này thì khó có thể tổ chức lại sản xuất" - ông Nhơn nói.

Sau khi nghe kiến nghị của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, không thể từng cá nhân riêng lẻ đều đòi hỏi phải có giấy đi đường, nhưng nếu các địa phương thành lập các tổ, đội thu hoạch cá, thu hoạch lúa, trái cây chuyên nghiệp, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch thì có thể làm văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho vào thu hoạch.

"Tổ công tác 970 sẽ có văn bản cho 6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về việc thành lập đội thu hoạch cá tra chuyên nghiệp và có cơ chế cho đội này vào các địa phương thu hoạch cá với điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem