Trung Quốc nhập đến 92% lượng nông sản này của Việt Nam chỉ để trộn vào thức ăn chăn nuôi... cho rẻ

P.V Thứ bảy, ngày 12/06/2021 13:44 PM (GMT+7)
Việc Trung Quốc tăng tốc thu mua sắn lát, tinh bột sắn từ Việt Nam do áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã giúp nông dân trồng sắn có một niên vụ sắn "dễ thở".
Bình luận 0

Cập nhật giá sắn nguyên liệu mới nhất

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc Trung Quốc tăng tốc thu mua sắn lát, tinh bột sắn từ Việt Nam do áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã giúp nông dân trồng sắn có một niên vụ sắn "dễ thở" dù dịch bệnh khảm lá sắn vẫn hoành hành.

Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, các nhà máy tinh bột sắn tại Tây Ninh thu mua sắn nguyên liệu cao nhất khoảng 3.200 đồng/kg.

Giá tinh bột sắn thành phẩm tại Tây Ninh có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào hơn, trong khi giá tinh bột sắn xuất khẩu đường biển thấp, việc thuê tàu gặp khó khăn và cước thuê Container tăng cao. 

Tại Thanh Hóa, bệnh khảm lá sắn gây hại nặng tại các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Thọ Xuân, diện tích nhiễm 2.710,9 ha, mất trắng 399,6 ha đã tiêu hủy, diện tích phòng trừ bọ phấn trắng 2.035,3 ha. 

Giá sắn - Ảnh 1.

Xuất khẩu sắn khả quan do Trung Quốc tăng mua nhưng nông dân Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh,... vẫn lo dịch khảm lá sắn chưa được khống chế. (Ảnh: Nguyên Vỹ).

Tại Nghệ An, bệnh khảm lá sắn cũng xuất hiện tại huyện Tân Kỳ khiến hơn 800 ha mắc bệnh; ngoài ra, huyện Quỳ Châu cũng có 180 ha bị mắc bệnh này.

Trong khi đó, tại Thái Lan, đầu tháng 6/2021, Hiệp hội tinh bột sắn Thái Lan thông báo giữ ổn định giá sàn xuất khẩu tinh bột sắn so với cuối tháng 5/2021, ở mức 485 USD/ tấn; giá thu mua tinh bột sắn nội địa ổn định ở mức 14 Baht/kg. 

Hiệp hội thương mại khoai mỳ Thái Lan thông báo giữ giá sàn xuất khẩu sắn lát ở mức 255 - 265 USD/ tấn FOB - Băng Cốc, ổn định so với cuối tháng 5/2021; trong khi điều chỉnh tăng giá sắn nguyên liệu lên mức 2,25-2,75 Baht/kg, tăng 0,1 Baht/kg so với cuối tháng 5/2021.

Trung Quốc nhập khẩu đến 94% lượng tinh bột sắn của Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 5/2021 ước đạt 220.000 tấn với giá trị đạt 89 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1,4 triệu tấn và 533 triệu USD, tăng 15,6% về khối lượng và tăng 27,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 92,8% thị phần, tăng 15,9% về khối lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam đạt 692.330 tấn, trị giá 317,26 triệu USD, giảm 6,4% về lượng, nhưng tăng 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 94,83% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 656.580 tấn, trị giá 300,06 triệu USD, giảm 4,7% về lượng, nhưng tăng 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt 505.850 tấn, trị giá 129,34 triệu USD, tăng 72,5% về lượng và tăng 94,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Sắn lát khô được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc và Malaysia. 

Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 92,25% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 466.680 tấn, trị giá 116,85 triệu USD, tăng 84,8% về lượng và tăng 110,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá sắn - Ảnh 2.

Người dân xã Tú An, thị xã An Khê (Gia Lai) thu hoạch sắn (mì). (Ảnh: Báo Gia Lai).

Tại Trung Quốc, sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tại thị trường Trung Quốc, sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 605,66 triệu USD, tăng 109,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 với 83,89 triệu USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 13,9% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc. 

Trung Quốc tăng mua sắn lát của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2021 với 513,79 triệu USD, tăng 128,3% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 84,8% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 1,32 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 614,1 triệu USD, tăng 36% về lượng và tăng 54,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào và Campuchia.

 Trong đó, Thái Lan là thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021, với 963.260 tấn, trị giá 454,79 triệu USD, tăng 89,5% về lượng và tăng 109,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2021 chiếm 15,7%, giảm mạnh so với mức 44,1% của cùng kỳ năm 2020.

Trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 73%, tăng mạnh so với mức 52,4% của cùng kỳ năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem