Trung Quốc phê duyệt mã nông sản được phép nhập khẩu, Việt Nam có bao nhiêu mã, doanh nghiệp tra cứu thế nào?

K.Nguyên Thứ bảy, ngày 25/12/2021 10:47 AM (GMT+7)
Thống kê đến ngày 24/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 320 mã nông sản thực phẩm của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Bình luận 0

Trung Quốc phê duyệt mã sản phẩm cho doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, Việt Nam có bao nhiêu mã?

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang cập nhật kết quả phê duyệt doanh nghiệp được phép nhập khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và mã số sản phẩm để doanh nghiệp in bao bì, nhãn mác…..

Thống kê sơ bộ đến 11h ngày 24/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 20.172 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu nông sản thực phẩm vào Trung Quốc.

Trong đó, Mỹ chiếm số lượng lớn nhất với 2.200 mã, Nhật Bản 987 mã, Úc 564 mã, Hàn Quốc 588 mã, Canada 482 mã, Malaysia 372 mã, Thái Lan 483 mã.

Trung Quốc phê duyệt mã nông sản được phép nhập khẩu, Việt Nam có bao nhiêu mã, doanh nghiệp tra cứu thế nào? - Ảnh 1.

Xe chở nông sản đợi làm thủ tục thông quan sang Trung Quốc tại các cửa khẩu của Lạng Sơn. Ảnh: Viết Niệm.

Riêng Việt Nam, có 320 mã nông sản thực phẩm được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.

Đến 17h ngày 24/12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng phê duyệt 31.988 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc, trong đó có 1.045 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý, mỗi sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 01 mã. Như vậy 1 doanh nghiệp có thể được cấp nhiều mã sản phẩm.

Doanh nghiệp cập nhật thông tin theo đường link: https://ciferquery.singlewindow.cn/

Để biết thông tin, doanh nghiệp thực hiện tra cứu theo mã số thuế của doanh nghiệp do Việt Nam cấp, như hình ảnh hướng dẫn.

Trung Quốc phê duyệt mã nông sản được phép nhập khẩu, Việt Nam có bao nhiêu mã, doanh nghiệp tra cứu thế nào? - Ảnh 2.

Trung Quốc phê duyệt mã nông sản được phép nhập khẩu, Việt Nam có bao nhiêu mã, doanh nghiệp tra cứu thế nào? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp có thể tra cứu mã nông sản được phép nhập khẩu vào Trung Quốc theo hướng dẫn trên. (Văn phòng SPS Việt Nam).

Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính, doanh nghiệp phải đổi mới

Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam, chỉ sau Mỹ. 

Trung Quốc đang mua phần lớn cao su, sắn và sản phẩm từ sắn, trái cây,... từ Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Trong khi đó, Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, nhập khẩu hạt điều của nước này trong 10 tháng năm 2021 đạt 149,17 triệu USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 132,85 triệu USD, tăng 26,8%. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 86,05% trong 10 tháng năm 2020 lên 89,06% trong 10 tháng năm 2021.

Trong 10 tháng năm 2021, hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách kiểm soát nhập khẩu nông sản thực phẩm của Trung Quốc thời gian gần đây cho thấy, thị trường này không còn dễ tính.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) bày tỏ quan điểm, từ câu chuyện ùn tắc nông sản nghiêm trọng hiện tại, Việt Nam phải điều chỉnh lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, thay đổi tư duy “win-win” (cùng có lợi).

"Hiện, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về chính sách tiêu thụ nông sản, không chỉ xuất khẩu tiểu ngạch mà còn cả xuất khẩu chính ngạch, xuất khẩu qua đường biển… Chúng ta cần nhận diện rõ vấn đề này và thay đổi, nếu không tình trạng nông sản ùn ứ sẽ còn tiếp diễn", ông Tiến cảnh báo.

Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) phân tích, trước đây, việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với thanh long, dưa hấu hoặc chuối, nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới.

“Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, không còn là thị trường “dễ tính” như trước. Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản. Đã đến lúc cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện tại", ông Sơn đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem