Trung Quốc tạm dừng xuất nhập khẩu qua tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn còn 3 cửa khẩu hoạt động, ngành chức năng khuyến cáo "nóng"

K.Nguyên Thứ năm, ngày 06/01/2022 11:38 AM (GMT+7)
Trước việc Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, đường mòn lối mở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lạng Sơn chỉ còn 3 cửa khẩu hoạt động, ngày 5/1, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) khuyến cáo các hộ, hợp tác xã, các doanh nghiệp tạm thời dừng đưa hàng hoá lên cửa khẩu biên giới.
Bình luận 0

Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhâp cảnh qua cửa khẩu, lối mở đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Theo thông tin từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh có Công văn số 9540/UBND-XD2 về việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Lạng Sơn có Công văn số 09/UBND-KT ngày 04/01/2022 đề nghị phối hợp chỉ đạo, khuyến cáo tạm dừng đưa hàng hoá lên cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho thấy, Thành phố Đông Hưng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đang thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhâp cảnh qua cửa khẩu, lối mở đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Trung Quốc sẽ tạm dừng thông quan người, hàng hoá qua khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới tại lối thông quan cầu Bắc Luân I, Cầu Bắc Luân II, Lối mở Km3+4 (thành phố Móng Cái), tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) và cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu); thời gian khôi phục thông quan cửa khẩu, lối mở sẽ được thông báo sau. 

Lượng hàng đã đến cửa khẩu, lối mở biên giới chờ làm thủ tục xuất khẩu tại Quảng Ninh khoảng 1.600 container và 450 phương tiện còn lưu lại bên Trung Quốc. 

Còn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu tại 03 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu ga đường sắt Đồng Đăng, Cửa khẩu Chi Ma). 

Tốc độ thông quan xuất khẩu chủ yếu tại cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 60-70 xe/ngày, cửa khẩu Chi Ma khoảng 20-30 xe/ngày. Cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam chưa được thông quan trở lại.

Lượng xe hàng tồn các cửa khẩu Lạng Sơn 2.852 xe, trong đó phương tiện chở hoa quả: 1.717 xe (mít, xoài, thanh long, dưa hấu), nông sản khác: 580 xe (ớt, thạch đen…), ... 

Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhâp cảnh qua cửa khẩu, lối mở đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh - Ảnh 1.

Thanh long Bình Thuận được tiêu thụ tại Bắc Giang, sau khi gặp khó ở thị trường Trung Quốc. Ảnh: Báo Bình Thuận.

Khuyến cáo không đưa nông sản lên cửa khẩu, chờ xuất sang Trung Quốc

 Để giảm áp lực cho các cửa khẩu, lối mở biên giới đường bộ tại Lạng Sơn và Quảng Ninh trong thời gian tới sau khi khôi phục thông quan hàng hoá phía Trung Quốc và giảm thiệt hại, chi phí cho doanh nghiệp và người dân, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị các cơ quan, địa phương thông tin, khuyến cáo đến các hộ nuôi trồng, nhà vườn, hợp tác xã, các doanh nghiệp tạm thời dừng đưa hàng hoá lên cửa khẩu biên giới và chủ động nắm bắt thông tin để điều tiết hợp lý lượng nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Trung Quốc thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2022, nhất là một số cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam chưa được thông quan trở lại.

 Đồng thời có kế hoạch, phương án lựa chọn phương thức xuất hàng chính ngạch qua đường biển, đường sắt.

 Có giải pháp hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nội địa đối với hàng hoá phải quay lại tiêu thụ nội địa do không xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với các địa phương có vùng trồng hoa quả trọng điểm phối hợp thông tin đến các địa phương biên giới chỉ đạo điều tiết hợp lý lượng hàng hoá khi vào vụ thu hoạch nhằm tránh ùn ứ, hư hỏng và bị ép giá. 

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chủ động nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc để hỗ trợ, hướng dẫn thương nhân, người dân chủ động trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác phù hợp với điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian giao nhận tại cửa khẩu sau khi hoạt động xuất khẩu được khôi phục.

Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ công tác khử trùng, khử khuẩn đối với hàng hoá xuất khẩu tránh nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm, đặc biệt đối với các sản phẩm lạnh. 

Thông tin tại Diễn đàn kết nối nông sản 970  phiên thứ 19 chủ đề: "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long", ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận cho biết, dự kiến, trong quý I/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh, các thương lái đang thu mua chậm thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.

Ông Tấn kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công thương, và các Bộ, ban, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận. 

Trước mắt, Sở NNPTNT tỉnh định hướng doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh.

“Chúng tôi xác định phải tăng cường kết nối với các đơn vị, trong nội tỉnh là Sở Công Thương. Ngoài ra là các tỉnh lân cận” - ông Tấn chia sẻ.

Lắng nghe ý kiến của ông Tấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị Bình Thuận 3 việc. Một, là chủ động kết nối nông sản với doanh nghiệp ngay tại địa phương. Hai, là có kế hoạch cụ thể việc cấp sớm mã số vùng trồng. Ba, là tiếp tục bám sát địa bàn, để lên quy hoạch sản phẩm một cách bài bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem