Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận hàng "không tiếp xúc", 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 03/03/2022 10:06 AM (GMT+7)
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, tính đến ngày 22/2/2022, đã có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, từ 1/3, quy trình giao nhận hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) được thực hiện theo phương thức mới.
Bình luận 0

1.656 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 26/CT-TTg (về đáp ứng yêu cầu, quy định tại Lệnh 248, Lệnh 249 của thị trường Trung Quốc), Hải quan Trung Quốc đã và đang tiến hành cải cách toàn diện và có các yêu cầu cao hơn về giám sát đối với thực phẩm nhập khẩu.

Ngay sau khi Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng lệnh mới trong kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, Bộ NNPTNT đã nhanh chóng phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký thông tin với cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, đến ngày 22/2/2022, có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số, trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn.

Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã, tuy nhiên do mức độ đa dạng của sản phẩm nên hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp khoảng 70% khối lượng theo đề xuất Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đăng ký và đang tiếp tục.

Có 11 doanh nghiệp xuất khẩu sữa thuộc thẩm quyền Cục Thú y quản lý; số còn lại là mã số cấp cho doanh nghiệp thực hiện theo loại hình tự đăng ký; doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Bộ NNPTNT cũng nêu rõ một số khó khăn trong việc xin cấp mã số của doanh nghiệp xuất khẩu như tồn tại một số lỗi kỹ thuật khi sử dụng hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Tổng cục Hải quan Trung Quốc do hệ thống mới vận hành như: Tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ tiếng Trung, lỗi giao diện khó theo dõi... 

Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp.

Tăng tốc phê duyệt mã sản phẩm xuất sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong ảnh: Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc. Ảnh: Báo Bình Thuận

Đến ngày 22/02/2022, có 1.656 doanh nghiệp được cấp mã số, trong đó, 779 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được cấp mã số, đảm bảo hoạt động xuất khẩu ổn định và không bị gián đoạn. Có 187/270 doanh nghiệp do Cục Bảo vệ thực vật đề xuất đã được cấp mã.

Trung Quốc thay đổi quy trình giao nhận hàng hóa

Trong khi đó, từ 1/3/2022, quy trình giao nhận hàng hóa tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) cũn có sự thay đổi.

Theo đó, quy trình giao nhận hàng hóa được thực hiện thí điểm theo Phương án số 04/PA-BQLKKTCK về “Thực hiện Quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 Cửa khẩu Hữu Nghị, Việt Nam – Hữu Nghị Quan, Trung Quốc”.

Cụ thể, quy trình giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu sang Trung Quốc có các bước sau: 

Bước 1: Lái xe chuyên trách lái xe hàng xuất của Việt Nam (bao gồm đầu kéo và đầu sơ mi rơ moóc) vào 2 bãi chờ xuất khẩu trên tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá khu vực mốc 1119-1120. Bãi chờ xuất (bên phải tuyến đường) để thực hiện cắt container, bãi chờ nhập (bên trái tuyến đường) để thực hiện cẩu container.

Bước 2: Công nhân Việt Nam thực hiện cắt container, cẩu container để lại tại 2 bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển toàn bộ đầu kéo rời khỏi bãi, các lực lượng chức năng sẽ ra khỏi bãi, lực lượng y tế Việt Nam khử khuẩn làm sạch (chỉ có công nhân vận hành cần cẩu ở lại, các công nhân này mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và được niêm phong buồng lái).

Bước 3: Lái xe chuyên trách Trung Quốc lái xe (đầu kéo hoặc sơmi rơmoóc) Trung Quốc đi theo đường chuyên dụng hàng hoá vào 2 bãi chờ xuất này. Nhân viên Trung Quốc sẽ thực hiện quy trình nối container, hỗ trợ lái cẩu Việt Nam thực hiện cẩu container lên phương tiện của Trung Quốc (việc vận hành cần cẩu do công nhân Việt Nam thực hiện). Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng qua đường chuyên dụng vận tải hàng hoá khu vực mốc 1119-1120.

Bước 4: Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện đi theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116-1117, trả container không hàng tại bãi xe phía sau cửa hàng miễn thuế.

Bước 5: Sau khi trả xong container không hàng (container rỗng), lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển đầu kéo vào 2 bãi xe tại khu vực mốc 1119-1120 để nhận container hàng hoặc quay về Trung Quốc theo đường cũ (tức là xe không của Trung Quốc đều đi về theo đường xuất nhập cảnh, khu vực mốc 1116-1117).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem