Trung Quốc trồng nấm tạo việc làm cho 10 triệu người, sao ĐBSCL không trồng để hơn 1 triệu dân bỏ xứ ra đi?

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 22/12/2020 06:15 AM (GMT+7)
Đó là 1 trong những vấn đề gợi mở mà ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đặt ra tại diễn đàn "Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp.
Bình luận 0

Tại diễn đàn "Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm, dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu" diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp ngày 21/12, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, ngành nấm đã mang lại cho Trung Quốc 17 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu mỗi năm và tạo ra 10 triệu việc làm cho lao động nông thôn. Trong khi đó, toàn bộ kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 44 tỉ đô la Mỹ.

Trung Quốc trồng nấm tạo việc làm cho 10 triệu dân, sao ĐBSCL không trồng, để 1,3 triệu dân phải bỏ xứ ra đi? - Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại diễn đàn "Mekong Connect 2020"

Theo ông Hoan, Trung Quốc trồng nấm trên phế phẩm cà phê, trên bã mía, lục bình và lõi bắp. "Với hạt cà phê, khi đến người tiêu dùng chỉ mới sử dụng được có 0,2% toàn bộ khối lượng của hạt, tức đã lãng phí đến 99,8% cái đã bị bỏ đi, từ thịt của quả cà phê cho tới bã" - ông Lê Minh Hoan thông tin.

Ông Lê Minh Hoan nói tiếp: "Đối với cây mía, chất ngọt trong đường mía chiếm rất nhỏ, trong khi thân, bã còn lại là khối chất rất lớn để tạo ra giá trị".

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, để biến những thứ bỏ đi trở thành giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm nông nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, khoa học công nghệ ở trong nước "hiện vẫn chưa làm được".

Do đó, ông Lê Minh Hoan mong các doanh nghiệp dẫn đầu sẽ hợp sức lại, thành lập một viện nghiên cứu tư nhân để nghiên cứu. "Khi đó, tư nhân sẽ bắt tay với nhà nước, tôi tin vấn đề sẽ được giải quyết" - ông Lê Minh Hoan cho biết.

Trung Quốc trồng nấm tạo việc làm cho 10 triệu dân, sao ĐBSCL không trồng, để 1,3 triệu dân phải bỏ xứ ra đi? - Ảnh 2.

Tỷ lệ người dân di cư, nhập cư và tăng trưởng dân số ĐBSCL

Ông Lê Minh Hoan cho rằng, việc làm trên không phải đơn giản và rất nhiều vấn đề phải bàn nhưng ông Lê Minh Hoan giả sử ĐBSCL làm được y như Trung Quốc và giảm quy mô bằng 1/10 của quốc gia này thì có thể tạo ra 1 triệu việc làm ở khu vực nông thôn bằng nghề trồng nấm với giá trị mang lại khoảng 1,7 tỉ đô Mỹ.

"Khi đó sẽ góp phần giải quyết được câu chuyện 1,3 triệu dân ĐBSCL bỏ xứ, đi đến TP.HCM và Bình Dương vì thiếu việc làm như báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 của VCCI vừa công bố" - ông Hoan nói.

Theo báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020, tình trạng người dân ĐBSCL di cư về TP.HCM và Bình Dương đáng báo động. Nếu so với các vùng khác trong cả nước, ĐBSCL có tỷ lệ xuất cư cao nhất, nhập cư thấp nhất và do đó đây vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số là 0% trong giai đoạn 2009 – 2019.

"Số lượng dân rời khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. Do đó, so với trước đó 10 năm, dân số vùng ĐBSCL gần như không đổi" - báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 nêu.

Theo đó, làn sóng hồi hương của người dân đang lao động ở TP.HCM, Đông Nam Bộ hay người đi xuất khẩu lao động có thể trở thành gánh nặng của vùng trong thời gian tới.

Ở khía cạnh khác, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 chỉ ra vấn đề nữa đáng quan tâm đó là vai trò kinh tế của vùng đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước.

Các nghiên cứu cho thấy đóng góp của ĐBSCL vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong vài thập kỷ qua giảm mạnh. Nếu so với TP.HCM thì vào năm 1990, GDP của TP.HCM chỉ bằng 2/3 so với ĐBSCL thì hai thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến ngày hôm nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem