Trung Quốc trồng thanh long nhiều ngang ngửa Việt Nam, điều này có lo ngại gì?

Thiên Ngân (T/h) Thứ sáu, ngày 18/12/2020 11:13 AM (GMT+7)
Diện tích thanh long Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua và đã tương đương diện tích ở Việt Nam, qua đó, tác động tới việc quả thanh long Việt Nam xuất khẩu sang nước này.
Bình luận 0

Diện tích thanh long Trung Quốc tăng mạnh trong những năm qua và đã tương đương diện tích ở Việt Nam, khoảng 35.555ha. Điều này sẽ gây tác động tới việc thanh long Việt nam xuất khẩu sang nước này.

Trung Quốc trồng thanh long nhiều ngang ngửa Việt Nam, điều này có lo ngại gì? - Ảnh 1.

Diện tích thanh long ở Trung Quốc đang tăng mạnh. Ảnh: TL.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do người dân Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long, nên trong vài năm gần đây diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã tăng hơn 10 lần.

Hiện nay diện tích trồng thanh long của Trung Quốc là khoảng 35.555 ha, tương đương với diện tích trồng thanh long của Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu lo ngại điều này sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu thanh long của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Trung Quốc trồng thanh long nhiều ngang ngửa Việt Nam, điều này có lo ngại gì? - Ảnh 2.

Nông dân Trung Quốc đóng gói thanh long vừa thu hoạch tại tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Xinhua.

Được biết, Quảng Tây là địa phương có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10.666 ha, kế đó là các địa phương như Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến... Diện tích trồng và sản lượng thanh long của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong một vài năm tới.

Trung Quốc bắt đầu thu hoạch từ tháng 5 - 11 hằng năm, không chênh lệch nhiều so với mùa vụ của Việt Nam. Quảng Tây cũng là một trong số các địa bàn chính tiêu thụ thanh long Việt Nam, bên cạnh các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trong tháng 11/2020, xuất khẩu thanh long các loại (bao gồm thanh long tươi, đông lạnh, nước ép thanh long, thanh long sấy khô) của Việt Nam đạt 82 triệu USD, giảm gần 9% so với tháng 11/2019.

Tính chung trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu thanh long các loại ước đạt 1,08 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, 10 tháng đầu năm 2020, thanh long các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 895,6 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2019. Với giá trị như trên, thanh long xất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 92,3% tổng trị giá xuất khẩu thanh long.

Trong cơ cấu chủng loại thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, quả thanh long tươi ruột trắng là chủng loại xuất khẩu chính đạt 596,7 triệu USD (giảm 31% so với cùng kỳ năm 2019), chiếm tới 66,6% tổng lượng thanh long xuất khẩu các loại.

Trước đó, ông Trương Quang An – Chủ nhiệm HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cho biết, với việc Trung Quốc ngày càng trồng nhiều thanh long, sản lượng nhập khẩu thanh long từ Việt Nam có thể sẽ giảm. 

Theo ông An, hiện thanh long ruột trắng của Việt Nam còn có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác ngoài Trung Quốc, tuy nhiên thanh long ruột đỏ gần như chỉ xuất khẩu sang thị trường này. Chưa kể, thanh long ruột trắng còn có thể chế biến sấy khô, làm nước ép…, trong khi thanh long ruột đỏ nếu ép nước sẽ không để được lâu vì đổi màu, sấy khô cũng bị "bầm tím" nên rất khó bán.

"Do mấy năm qua Trung Quốc tăng mua thanh long ruột đỏ nên bà con đã chặt ruột trắng để chuyển sang ruột đỏ rất nhiều. Bây giờ Trung Quốc cũng trồng nhiều thanh long ruột đỏ trong nhà kính, nếu họ giảm mua sẽ rất khó cho nông dân Việt Nam", ông An bày tỏ. 

Trung Quốc trồng thanh long nhiều ngang ngửa Việt Nam, điều này có lo ngại gì? - Ảnh 4.

Thị trường xuất khẩu thanh long các loại trong tháng 10 và 10 tháng năm 2020. Nguồn: Bộ Công Thương/Tổng cục Hải quan

Hiện, đứng đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam vẫn là Trung Quốc, tiếp theo là thị trường Mỹ. 

Trong 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thanh long các loại sang thị trường Mỹ đạt 21,1 triệu USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2019. Thanh long tươi ruột trắng là chủng loại xuất khẩu dẫn đầu tới Mỹ, đạt 7,5 triệu USD, giảm 50,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, mặc dù không được đánh giá cao về hình thức, nhưng thanh long tươi ruột đỏ của Việt Nam lại được đánh giá vượt trội về hương vị so với thanh long ruột đỏ của các nguồn cung khác.

Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu chủng loại quả thanh long tươi ruột đỏ tới Mỹ trong 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 4,1 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng phân tích, hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quả thanh long do những lợi ích sức khỏe mà thanh long mang lại. Vì vậy, nhu cầu thanh long thế giới đang tăng trưởng khoảng 4%/năm và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Hiện, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn. 

Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu thanh long các loại, đặc biệt là chủng loại quả thanh long tươi trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng tới sản xuất để đáp ứng đúng các quy định, yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu; sản xuất thanh long tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu, không chỉ đối với thị trường Trung Quốc mà cả những thị trường khác. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem