Trung Quốc vung tiền "thôn tính" khắp châu Âu

Trang Trần - Quang Minh (Giao thông vận tải) Thứ hai, ngày 27/07/2015 13:49 PM (GMT+7)
Làm ăn thua lỗ, khủng hoảng nợ công tại châu Âu đang là cơ hội để các nhà đầu tư Trung Quốc vung tiền mua các công trình hạ tầng giao thông, làm bàn đạp xâm nhập thị trường này.
Bình luận 0

Sân bay giá 1,1 tỷ euro, mua lại giá 10 nghìn euro

Sân bay Ciudad Real hay còn được gọi với tên Don Quixote, nằm ở thủ phủ tỉnh Ciudad Real (Tây Ban Nha) được xây dựng từ năm 2008 bằng vốn huy động từ các nhà đầu tư tư nhân, với tổng chi phí 1,1 tỷ euro (1,5 tỷ USD). Ngày 10/7 vừa rồi, gần như toàn bộ sân bay này đã về tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Cho dù đã được chào thầu trước đó vài tháng, với kỳ vọng thu hồi được ít nhất khoảng 60-100 triệu euro.

Nhưng đến ngày cuối cùng, chính quyền địa phương đành phải hạ thấp yêu cầu vì không có hồ sơ thầu nào được gửi đến, ngoài Tzaneen International - nhóm các nhà đầu tư quốc tế do các công ty của Trung Quốc dẫn đầu là đơn vị duy nhất bỏ thầu với giá chỉ… 10 nghìn euro để mua lại các khu vực: đường băng (được coi là dài nhất châu Âu), nhà chứa máy bay, đài không lưu và các toà nhà khác trừ các khu đỗ xe và nhà ga. Đại diện Tzaneen International hy vọng: “Chúng tôi sẽ biến nơi đây thành cửa ngõ để các công ty Trung Quốc vào châu Âu”.

img

Cảng Piraeus của Hy Lạp.

Trước đây, ông Pang Yuliang, Chủ tịch Công ty LinkGlobal Logistics (Trung Quốc) cũng đã sở hữu sân bay Parchim ở miền Bắc nước Đức với giá 1 tỷ NDT (130 triệu USD). Ông Pang vượt qua 10 doanh nghiệp khác trên thế giới trong vụ đấu thầu, kể cả FedEx, sân bay Hamburg và Hãng hàng không Emirates. Theo thỏa thuận, LinkGlobal có 100% quyền sở hữu bất động sản đối với sân bay Parchim, các tiện ích phụ thuộc, quyền sở hữu đất đai trong khu vực hợp tác kinh tế của sân bay. Với sân bay này, hoạt động của Link Global vốn đang hiện diện trên 90 quốc gia sẽ được tạo điều kiện để thâm nhập thị trường Đức.

Chấp nhận rủi ro cao

Ngoài ra, các thương nhân Trung Quốc cũng đang được cho là nhắm đến các cơ sở hạ tầng giao thông châu Âu khác như Hy Lạp chẳng hạn. Mới nhất, nước này trong cơn khủng hoảng nợ công có kế hoạch huy động ít nhất 500 triệu euro từ việc cổ phần hóa cảng Piraeus và nhượng quyền khai thác 14 sân bay khu vực cho các công ty tư nhân.

Hy Lạp từng cố gắng bán 67,7% cổ phần cảng Piraeus. Đây là một trong những khoản thoái vốn lớn nhất của Athens, nằm trong kế hoạch cổ phần hóa. Các chủ nợ từng nói rằng, cổ phần hóa tài sản nhà nước là yêu cầu bắt buộc nếu muốn có thêm bất kỳ gói hỗ trợ tài chính mới nào. Cảng Piraeus nằm cách thủ đô Athens chỉ vài dặm về phía Nam, là trung tâm của ngành công nghiệp vận chuyển khổng lồ ở Hy Lạp và cũng là một trong những cảng lớn nhất Địa Trung Hải.

Lợi nhuận hoạt động của Piraeus đã tăng gần 26% trong năm ngoái lên gần 29 triệu USD nhờ gia tăng công suất thêm 18,5% lên 2,97 triệu TEU để củng cố vị trí trong top 10 trung tâm container hàng đầu châu Âu.

Hiện tại, danh sách nhà đầu tư tiềm năng được rút gọn thì đứng đầu là Cosco - một đại gia lĩnh vực vận chuyển và cảng biển của Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Cosco được bật đèn xanh cho phép đầu tư 230 triệu euro mở rộng công suất tại Piraeus thêm 2,5 triệu TEU - trong đó có 1,9 triệu TEU vào một cầu tàu mới - hướng tới tổng công suất 6,2 triệu TEU vào năm 2021. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Cosco đang chiếm ưu thế vì họ đang vận hành hai cảng container ở Piraeus theo một thỏa thuận ký năm 2009 với thời hạn 35 năm. Bản thân chính giới Hy Lạp cũng tin rằng chỉ có Trung Quốc mới chấp nhận rủi ro để đầu tư vào một quốc gia lúc nào cũng cận kề tình trạng vỡ nợ và đang đi vay mượn khắp nơi.

Bộ trưởng Kinh tế George Stathakis còn cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng áp dụng mô hình thu hút vốn và đầu tư khác cho ngành đường sắt và các hải cảng còn lại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem