Trùng tu cầu Long Biên: Đã đến lúc Hà Nội và Bộ GTVT cần ngồi lại với nhau

Thái Nguyễn Thứ bảy, ngày 04/06/2022 07:38 AM (GMT+7)
Để có tiền trùng tu cầu Long Biên, Hà Nội và Bộ GTVT cần ngồi lại với nhau bàn giải pháp thu hút sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp. Một phương án phù hợp chắc chắn doanh nghiệp sẽ tham gia, vì cầu Long Biên không đơn thuần chỉ là một cây cầu mà còn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hoá.
Bình luận 0

Thiếu tiền trùng tu cầu Long Biên

Cầu Long Biên có vai trò quan trọng trong việc giao thương hàng hóa qua các tỉnh, thành. Điều này đã được minh chứng khi Long Biên là cầu huyết mạch, con đường ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi xuyên tâm nội đô Hà Nội.

Thiếu nguồn kinh phí xã hội khiến cầu Long Biên ngày càng xuống cấp

Nhiều chuyên gia cho rằng, cầu Long Biên không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội. Hàng thập kỷ qua, cầu Long Biên vẫn là con đường "huyết mạch" nối 2 bên bờ sông. Do đó, cây cầu này cần phải bảo dưỡng, duy tu thường xuyên và phải có kế hoạch trùng tu định kỳ.

"Vai trò của cầu Long Biên đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Hà Nội thì đã được thể hiện từ rất lâu. Bên cạnh những giá trị lịch sử thì cây cầu này mang lại lợi ích về mặt giao thông, vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, không phải khi cầu hỏng hóc mới sửa chữa mà cần có kế hoạch bảo dưỡng, trùng tu cụ thể nhằm bảo vệ cây cầu 120 năm tuổi này", chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên chia sẻ.

Mặt đường trên cầu Long Biên thường xuyên xuất hiện những "ổ gà"

Mặt đường trên cầu Long Biên thường xuyên xuất hiện những "ổ gà" (Ảnh: TN)

Việc trùng tu cầu Long Biên không chỉ gia cường chống sập, phục dựng hình dáng ban đầu mà còn tạo nên những tuyến phố thương mại mới, giải tỏa giao thông các nút giao cắt đường sắt cắt ngang đường bộ trong phố như: Trần Phú, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học, …

Năm 2021, cầu Long Biên được "rót" 8,5 tỷ đồng, năm 2022 được khoảng hơn 9,7 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí bảo dưỡng cầu đường sắt, cầu đường bộ và kinh phí tuần cầu, bảo vệ cầu.

Trước đó, năm 2016, Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư, sửa chữa cầu Long Biên tại dự án "Khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1, gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025" với tổng mức đầu tư hơn 256 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu sửa chữa các hư hỏng lớn, đảm bảo an toàn khai thác vận tải đường sắt trong thời gian chờ cầu riêng cho đường sắt được xây dựng mới theo tuyến đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi. Còn phần đường bộ chưa được đầu tư nhiều.

Đối với việc sửa chữa, trùng tu cầu Long Biên một cách tổng thể, toàn diện, cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Chẳng hạn, việc sơn lại toàn bộ cầu Long Biên cũng cần kinh phí lên tới 70 tỷ đồng.

Cầu Long Biên chưa có nguồn kinh phí xã hội hóa để trùng tu (Ảnh: VV)

Cầu Long Biên chưa có nguồn kinh phí xã hội hóa để trùng tu (Ảnh: VV)

Ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho rằng với kinh phí ít ỏi hiện nay chỉ đủ sửa chữa tạm thời chứ rất khó để thực hiện trùng tu cầu Long Biên một cách bài bản.

Cần một phương án cụ thể để trùng tù cầu Long Biên

Đồng tình với nhận định, chuyên gia kinh tế Vũ Văn Phú cho rằng nguồn kinh phí để trùng tu cây cầu đã tồn tại 120 năm là rất lớn. Cho nên cần phải có sự chung tay của các doanh nghiệp, cần các nguồn vốn xã hội hóa.

"Ngày càng nhiều sự cố hỏng hóc trên cầu Long Biên cho thấy mức xuống cấp đã đến mức báo động. Các cơ quan chức năng cần phải tính phương án trung tu cây cầu sớm nhất có thể. Nguồn kinh phí để trùng tu là rất lớn nên cũng cần phải huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa", ông Phú chia sẻ thêm.

Hàng ngày, cầu Long Biên luôn được sử dụng tối đa từ nhu cầu vận chuyển, vận tải trên tuyến đường sắt cho đến các phương tiện lưu thông trên đường bộ. Nguồn lợi kinh tế mà các doanh nghiệp, cá nhân được hưởng là rất lớn đến từ cây cầu 120 năm tuổi này. Nhưng hiện nay khi cầu đã xuống cấp, liên tục hư hỏng thì "thiếu vắng" những nguồn kinh phí xã hội hóa, thiếu sự quan tâm của các doanh nghiệp. Trong khi nguồn tiền kinh tế sự nghiệp đường sắt với kinh phí nhỏ giọt không thể đủ cải thiện lại hình ảnh vốn có của cầu Long Biên.

Do đó, Hà Nội cần phải có phương án, kế hoạch thực hiện giải pháp xã hội hóa cho để doanh nghiệp khi tham gia hài hòa với trách nhiệm xã hội hóa. Điều này là một công việc vô cùng cần thiết, vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, lợi ích cho xã hội, đồng thời còn nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Quan trọng là thu hút được nguồn kinh phí xã hội hóa để giảm tải "gánh nặng" của nguồn vốn sự nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng thực hiện xã hội hóa là hướng đi cần phải tính đến để đẩy nhanh tiến độ trùng tu cầu Long Biên.

"Cần phải có phương án thu hút doanh nghiệp để tạo nguồn vốn xã hội hóa. Việc này các cấp chính quyền cần sớm thực hiện nếu để lâu thì chi phí sửa chữa cây cầu ngày càng lớn vì cầu sẽ xuống cấp theo thời gian", ông Phú nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững. Khi doanh nghiệp tham gia vào trùng tu cầu Long Biên bên cạnh những lợi ích có được doanh nghiệp cần thực phải gắn trách nhiệm xã hội hóa với kinh doanh. Để thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì việc tuyên truyền và hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện là việc làm cấp thiết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem