Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt với câu chuyện tình cảm động của một trung tướng

Chủ nhật, ngày 16/04/2023 15:43 PM (GMT+7)
Tôi từng có dịp được đến địa danh “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” vào một ngày đầu xuân khi hoa mận nở trắng những vạt núi đồi ven quốc lộ, xen lẫn sắc đào rừng hồng lên, đó là Lũng Pô - địa danh nổi tiếng bởi là “đầu nguồn con nước”, nơi con sông Hồng và suối Lũng Pô gặp nhau...
Bình luận 0

Lũng Pô - địa danh nổi tiếng bởi là “đầu nguồn con nước”, nơi con sông Hồng và suối Lũng Pô gặp nhau, cũng là nơi sông Hồng bắt đầu chảy vào đất Việt Nam. Tọa độ (GPS): 220 47' 37".15 N, 1030 38' 42".59 E.

Giai điệu tự hào là một chương trình truyền hình do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, với mục đích giới thiệu tới công chúng những ca khúc gắn liền với dấu mốc lịch sử đáng nhớ của đất nước. 

Xuất hiện trong trường quay Giai điệu tự hào, nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ mang tâm hồn người lính và sự biết ơn với cố nhạc sĩ Thuận Yến khi biến bài thơ thành một tác phẩm âm nhạc bất hủ đi cùng năm tháng...

Theo nhà thơ Dương Soái: Những ngày đầu chiến tranh biên giới phía Bắc, ông là phóng viên của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn, được cử lên mặt trận ngay trong tháng 2/1979. 

Đến mặt trận, Dương Soái gặp các đồng chí, chiến sĩ. Có người trở về sau trận đánh, máu vẫn còn chảy ròng ròng ở vết thương. 

Khi biết Dương Soái là nhà báo, các chiến sĩ nói với ông: “Anh là nhà báo, anh phải nói với mọi người rằng: Còn chúng em, thì còn biên giới”. 

Đặc biệt, ngay sau đó, các chiến sĩ nhờ Dương Soái gửi những lá thư của họ về gia đình. Có người đã viết thư xong, có người viết dở, nhờ ông dán lại. Có người đọc cho Dương Soái địa chỉ của gia đình và nói ngắn gọn là “con vẫn sống"...

Anh ở Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt với câu chuyện tình cảm động của một trung tướng - Ảnh 2.

Dòng sông Hồng...cảm hứng để nhà thơ Dương Soái làm nên bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng".

 Dương Soái nhận tất cả những lá thư ấy và trở về bởi hoàn cảnh tác nghiệp của phóng viên lúc bấy giờ hạn chế phương tiện chuyển tải thông tin. 

Trong lúc chờ tàu ở ga Phố Lu, Dương Soái kiểm nhanh những lá thư và thấy các dòng địa chỉ đều tập trung ở: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Nội… khiến ông ngạc nhiên vì hầu hết đều nằm dọc con sông Hồng. 

Từ suy nghĩ dòng sông, đầu sông, cuối sông thì đã có bài Anh ở đầu sông em cuối sông của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhưng đó là Vàm Cỏ Đông còn đây là sông Hồng. Dương Soái nhìn màu nước cuộn đỏ của sông Hồng, nhớ lời của những người chiến sĩ và viết rất nhanh bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng:  

Anh ở Lào Cai 

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt 

Tháng Hai, mùa này con nước 

Lắng phù sa in bóng đôi bờ. 

Biết là em năm ngóng, tháng chờ 

Cứ chiều chiều ra sông gánh nước 

Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt 

Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong. 

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông 

Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét 

Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết 

Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không? 

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng 

Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy 

Em ra sông chắc là em sẽ thấy 

Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông… 

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng 

Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ 

Là niềm thương anh gửi về em đó 

Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh. 

Bài thơ được Hội Văn học nghệ thuật Hoàng Liên Sơn đăng in. Và nếu cứ vậy, thì chúng ta sẽ chỉ biết đến một bài thơ hay, mang nhiều ý nghĩa Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái mà thôi! 

Tản mạn lại từ câu chuyện tình của một vị tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam: Ông Nguyễn Hữu Khảm và câu chuyện tình rất thi vị của ông. Ít ai biết rằng, ca khúc nổi tiếng "Gửi em ở cuối sông Hồng" lại được lấy cảm hứng từ đây! 

Ông Khảm lần lượt tham gia chiến trường Lào, chiến trường miền Nam khốc liệt… Sau giải phóng miền Nam, ông theo đơn vị từ Đông Nam Bộ về Lai Châu, Lào Cai. Năm 1979, ông tham gia cuộc chiến chống xâm lược quy mô lớn ở phía Bắc nước ta. 

Suốt những năm tháng biền biệt chinh chiến, ông Khảm chỉ lo việc quân, việc nước mà cứ vô tư chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng. Anh em trong đơn vị thường đùa cấp trên rằng: "Thủ trưởng chỉ đánh nhau giỏi mà chẳng có mảnh tình nào vắt vai cả". 

Sau trận chiến tháng 2 năm 1979, Trung đoàn 148 về đóng quân ở Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), lúc ấy ông Khảm là Trung đoàn trưởng. 

Một đồng chí tiểu đoàn trưởng thuộc cấp báo cáo với ông rằng, bản thân đang yêu một nữ giáo viên ở Xuân Quang và cả hai dự tính sẽ kết hôn. Nghe cấp dưới đề đạt nguyện vọng, ông Khảm quyết định triển khai ngay kế hoạch hỏi vợ cho vị tiểu đoàn trưởng: "Quê đồng chí ở tận Hà Tĩnh xa xôi, gia đình đi lại khó khăn nên tôi thay mặt đơn vị, thay mặt họ nhà trai đến nhà gái với tư cách trưởng đoàn để thưa chuyện”. Kế hoạch đang được thực thi thì trong buổi ăn hỏi có tình tiết vị đại diện nhà gái hỏi: "Bác được mấy cháu rồi?". 

Câu hỏi bất ngờ khiến ông Khảm đỏ mặt. Vị "trưởng đoàn" nhà trai khi ấy mới nói: "Tôi chưa có vợ". Cả nhà gái nghe vậy cười ồ lên. Đâu đó từ trong đám đông, ông Khảm nghe thấy tiếng xì xầm: "Chưa vợ mà dám đi hỏi vợ cho người ta". 

Sau pha ngượng “chín” người ấy, vị trung đoàn trưởng 31 tuổi mới nghĩ, có lẽ, đã đến lúc mình phải tính tới chuyện đi tìm nửa kia. Và ông cũng không ngờ, chẳng bao lâu sau đó, ông tơ bà nguyệt lại nhanh chóng xe duyên cho mình. 

Giữa năm 1979, ông Khảm về Hà Nội dự hội nghị tuyên dương sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc. Họp xong ông ra ga Hàng Cỏ về Tuyên Quang để thăm bố mẹ và người thân khi ấy đang sinh sống ở huyện Chiêm Hóa. 

Lối ra tàu buổi sáng hôm ấy đông đúc, giữa dòng người chen lấn lên tàu, định mệnh thế nào ông lại giẫm đúng vào đế dép của một cô gái xinh xắn, có dáng người thon thả làm chiếc dép nhựa Tiền Phong của cô đứt mất quai. 

Đang luống cuống chưa biết phải làm thế nào, thì cô gái quay lại trách: "Ơ cái anh bộ đội này, mắt anh để đâu?". Anh bộ đội vội vàng nói lời xin lỗi rồi cúi xuống cầm chiếc dép lên đưa cho cô ấy. Thời ấy khó khăn, dép rách thì ai cũng mang về tìm cách gắn lại. 

Nhận chiếc dép, cô ấy vội vàng cất vào túi rồi lên tàu cho kịp chuyến; trên tàu, không biết do vô tình hay tạo hóa sắp đặt mà cả hai ngồi cùng một toa, lại ở hai hàng ghế đối diện nhau. Lúc ấy, vị trung đoàn trưởng mới thấy cô gái đẹp thật, nên cố tình "chọc" người đẹp bằng cách nhìn cô không chớp mắt. 

Cô gái biết cái anh làm đứt dép của mình khi nãy cứ nhìn mãi không thôi thì ngượng ngùng quay hết bên nọ lại ngó bên kia. Một lúc sau, cô buộc phải mở lời bằng một câu hỏi: "Ơ cái anh này, nhìn gì mà ghê thế?". 

Anh bộ đội thủng thẳng nhưng cũng đáo để đáp: "Mắt tôi để trong túi rồi. Đâu có nữa mà nhìn!". Là gợi lại câu trách: "mắt anh để đâu?" trước đó, cô gái nghe lời đáp mà bật cười; tiếng cười phá tan bầu không khí "căng thẳng" song cũng chưa đưa họ đến cuộc trò chuyện nào hơn. Cả hai cứ thế lặng im cho tới khi đến Phú Thọ. 

Thời điểm đó, từ Hà Nội về Tuyên Quang phải đi 2 chặng: Đi tàu hỏa từ Hà Nội về Phú Thọ, sau đó đi xe khách từ Phú Thọ về Tuyên Quang. Đến Phú Thọ, đang chuẩn bị cầm giấy công tác vào mua vé ưu tiên thì vị trung đoàn trưởng nhìn thấy tít phía cuối đoàn người dài dằng dặc xếp hàng mua vé về Tuyên Quang có cô gái ấy. 

Biết tình hình này người đẹp khó mà mua được vé, có nguy cơ vạ vật ở bến xe cả đêm, vị trung đoàn trưởng mua liền hai vé. Có vé trong tay, lòng khấp khởi, anh tiến tới vỗ vào vai cô gái: "Này, anh cho vé này". Sau một hồi đùn đẩy, cô gái cũng chịu nhận tấm vé và rút tiền túi xin trả nhưng vị trung đoàn trưởng hào phóng gạt đi. 

Trên chuyến xe định mệnh ấy, họ cũng không nói gì với nhau nhiều bởi mỗi người ở một vị trí. Tuy vậy, trong đầu hai người đã thoắt ẩn hiện những ý nghĩ về nhau. Anh bộ đội khẽ thấy lòng xao động khi nghĩ đến người bạn đồng hành bất đắc dĩ. Xuống xe, cả hai cúi chào nhau lịch sự và nghĩ rằng, từ đó họ có lẽ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nữa. 

Rời bến xe, cả hai lại rẽ cùng một hướng. Vị trung đoàn trưởng khi ấy chưa về Chiêm Hóa ngay mà quyết định đi tìm nhà vợ chồng người anh trai để ghé vào chơi. Ông cứ đi mãi, mà vẫn thấy cô ấy đi trước mặt mình. 

Cô ấy có lẽ cũng bắt đầu thấy lạ, mới đầu còn đi chậm, sau thì đi nhanh lắm, nhiều đoạn ngoái lại đầy cảnh giác. Cô ấy rẽ, ông cũng rẽ. Thấy có người bám theo sau mãi không rời, càng về cuối, cô ấy càng đi nhanh như chạy; cho đến khi cả hai cùng rẽ vào một ngõ. 

Cả hai không hề biết rằng, con đường mà họ đi hóa ra lại có cùng điểm đến. Anh trai của ông Khảm khi ấy lấy vợ nhưng chưa có điều kiện ra ở riêng nên ở nhờ nhà bố mẹ vợ. Và cô gái ấy chính là em vợ của anh trai ông. Ngày anh trai lấy vợ, ông Khảm còn đang chiến đấu ở chiến trường nên cả hai hoàn toàn không biết về nhau. 

Ngay buổi hôm ấy, người chị dâu - sau này cũng là chị vợ của ông Khảm đã có ý vun vào cho cả hai. Từ đó, cả hai dần dần tìm hiểu, thư đi thư lại nhiều lần. Tháng 5/1980, cô giáo thành Tuyên - Đỗ Thị Thực đã quyết định nhận lời nên duyên cùng anh bộ đội Nguyễn Hữu Khảm. 

Bận bịu với công cuộc bảo vệ biên giới, ông Khảm tranh thủ xin về phép đôi ngày. Hai bên gia đình chẳng kịp xem ngày lành tháng tốt ra sao, chỉ đợi ông Khảm về ngày nào là tổ chức cưới ngày ấy. Và ngày 11/5/1980, hai người chính thức về chung một nhà. 

Yêu xa và cưới xong họ cũng vẫn ở trong tình cảnh đôi người đôi ngả. Bà Thực ở Chiêm Hóa dạy học, ông Khảm lại ngược lên đơn vị lo giữ biên cương Tổ quốc. Tranh thủ mùa hè năm 1980, bà Thực lên thăm chồng và ở lại một thời gian. Hàng ngày, bà cùng các anh em công vụ trong Trung đoàn 148 đi bẻ ngô rồi đem về phơi. 

Dịp ấy, nhạc sĩ Thuận Yến có chuyến lên Trung đoàn 148 đi thực tế để tìm cảm hứng viết ca khúc. Một buổi đang lang thang, nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đang tất tả phơi ngô cùng các công vụ, ông lấy làm lạ, sao giữa vùng đồi núi hoang vu lại có một cô gái đẹp như thế, nhạc sĩ tiến đến hỏi chuyện, ông mới biết đó là vợ của vị trung đoàn trưởng từ Tuyên Quang lặn lộn lên Lào Cai thăm chồng. 

Cả hai cưới nhau đã 1 năm nhưng lúc nào cũng “Ở hai đầu nỗi nhớ”. Chàng nơi tiền tuyến, vợ ở hậu phương chăm lo sự nghiệp “trồng người”. Một ý tưởng nghệ thuật chợt lóe sáng trong đầu nhạc sĩ, ông liền nói với cô Thực rằng, từ chuyện tình yêu của cô, ông sẽ sáng tác một bài hát để tặng cho cô. Bà Thực nghe vậy phấn khởi "xin" thêm: "Anh viết tặng cho cả vợ những người lính như em nữa". 

Nhạc sĩ Thuận Yến xúc động đồng ý và hứa sẽ viết tặng một bài hát ca ngợi tình yêu người lính, ca ngợi những người đàn bà vọng phu son sắt chờ chồng. 

Nảy ra ý tưởng sáng tác khi gặp bà Thực nhưng ngay lúc đó, nhạc sĩ Thuận Yến chưa viết được lời bài hát ấp ủ. Mãi đến khi gặp bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" của Dương Soái, ca khúc mà ông hứa tặng bà Thực mới ra đời. 

Trong một lần gặp Thuận Yến, ông Khảm có hỏi: "Ông Thuận Yến ơi, ông có hứa sáng tác một bài hát tặng bà Thực nhà tôi và những người vợ lính. Sao mãi không thấy?". "Ơ, tôi sáng tác rồi, tặng lâu rồi chứ! Chính là bài: Gửi em ở cuối sông Hồng, đấy". 

Khi biết Thuận Yến sáng tác bài "Gửi em ở cuối sông Hồng" để tặng vợ mình, ông Khảm về tìm nghe ngay và thấy lòng lâng lâng xúc động. Bài hát như là lời động viên khích lệ lớn với ông cùng những người lính nhiều năm xa nhà biền biệt. 

… "Là chiến công, là niềm tin, là tình yêu… ta gửi trao nhau" 

Sau gần 20 năm nên duyên chồng vợ, mãi đến cuối năm 1998, khi ông Khảm về Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng - Và sau này là trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam - vợ chồng ông Khảm mới có một cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa. 

Và cũng hơn 40 năm qua, những ca từ thiết tha, sâu lắng của bài hát "Gửi em ở cuối sông Hồng" đã đi vào biết bao tâm hồn người Việt, ca ngợi mối tình sắt son chung thủy của cô gái nơi quê nhà với người lính vượt qua muôn vàn gian khổ, canh giữ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc - Một phiên bản Cachiusa Nga của Việt Nam.

 ------------------------------------------ 

(Bài viết có sử dụng thông tin, tư liệu của một số bài viết có liên quan).

 

Đào Xuân Dũng (Báo Hưng Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem