Trường hợp nào 11 kênh youtube "giúp đỡ" bà Nguyễn Phương Hằng bị xem xét xử lý?

Quang Minh Chủ nhật, ngày 01/05/2022 11:43 AM (GMT+7)
Công an TP.HCM đang điều tra, xác minh 11 kênh youtube có dấu hiệu đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng. Vậy ở góc độ pháp lý, trong trường hợp nào nào chủ những kênh youtube có dấu hiệu đồng phạm với bà Hằng bị xem xét xử lý?
Bình luận 0

Cần phải xem xem xử lý cả những người giúp sức bà Hằng

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho hay, hiện tại cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang tiếp tục mở rộng, xác minh làm rõ những dấu hiệu vi phạm đối với bà Nguyễn Phương Hằng và những cá nhân có liên quan.

Trước khi khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã thụ lý điều tra vụ án "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".

Bà Hằng lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đời tư người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, bà Hằng không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn gây mất an ninh trật tự tại TP.HCM và một số địa phương khác.

Trường hợp nào 11 kênh YouTube "giúp đỡ" bà Nguyễn Phương Hằng bị xem xét xử lý? - Ảnh 1.

Buổi phát sóng trực tiếp của bà Nguyễn Phương Hằng có sự tham dự của chủ kênh "Lang thanh đường phố" Bùi Thanh Quỳnh Như. Ảnh chụp màn hình

Trong vụ việc này không chỉ riêng bà Hằng, một số người khác còn có dấu hiệu giúp sức, đồng phạm với bà Hằng. Bởi trong quá trình phát trực tiếp trên mạng xã hội, một số kênh youtube đã phát sóng trực tiếp để ủng hộ bà Phương Hằng, "bóc mẽ" nhiều nghệ sĩ. Thậm chí, chủ một số kênh youtube còn có dấu hiệu xúc phạm cá nhân khác.

Như vậy, nếu trường hợp có đủ cơ sở, chủ những kênh này có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm như những người viết bài, chia sẻ thông tin, tài liệu liên quan, phát tán thông tin xấu…

Ngoài ra, nếu có dấu hiệu đánh cắp thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác bằng các thủ đoạn hack Facebook, tài khoản mạng xã hội của người khác để phục vụ mục đích bôi nhọ danh dự nhân phẩm, đả kích... thì họ còn có thể bị xem xét xử lý thêm về tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác" theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự 2015.

"Cơ quan chức năng cần phải xác minh, làm rõ, xử lý cả những người giúp sức, đồng phạm với bà Hằng trong vụ việc nêu trên", luật sư Bình nêu quan điểm.

Chủ các kênh youtube vi phạm có thể bị xử lý hình sự

Theo luật sư Bình, trường hợp có căn cứ, những người được coi là đồng phạm sẽ bị xử lý về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với hành vi này, mức phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 7 năm tù.

Ngoài ra, trong quá trình xác minh, làm rõ, công an cũng sẽ xem xét hành vi của chủ các kênh youtube có dấu hiệu của tội vu khống hay không. Nếu có đủ cơ sở, chủ các kênh này có thể sẽ tiếp tục bị khởi tố điều tra bổ sung về những dấu hiệu tội này. Hoặc chuyển sang tội danh làm nhục người khác, xúc phạm bôi nhọ danh dự, uy tín, tổ chức cá nhân.

Theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vu khống sẽ có mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 3 năm tù.

Trường hợp nào 11 kênh YouTube "giúp đỡ" bà Nguyễn Phương Hằng bị xem xét xử lý? - Ảnh 3.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

"Trong vụ việc này, những người cùng giúp sức bà Hằng mà có dấu hiệu cấu thành tội phạm hoặc có dấu hiệu vu khống người khác thì họ sẽ bị triệu tập lên để xác minh, làm rõ. Khi có đầy đủ căn cứ, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự giống như bà Hằng", luật sư Bình chia sẻ.

Nêu quan điểm về vụ việc, bạn đọc Quang Hưng, ở quận 1, TP.HCM (đang sinh sống ở Hà Nội) cho hay, trước đó, không chỉ riêng bà Hằng, một số kênh youtube đã thực hiện hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội để tố cáo rất nhiều người về hành vi ăn chặn từ thiện của một số nghệ sĩ.

Sau đó, cơ quan chức năng đã được xác định là không có thật, có tính chất xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác nên sau đó cơ quan điều tra đã khởi tố nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng về tội danh trên là có cơ sở.

"Bởi vậy trong vụ việc này tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ, làm sao xử lý nghiêm đối với bà Hằng và những người có liên quan hoặc giúp sức bà Hằng. Ngoài ra, đây cũng là một bài học cho những người thường xuyên lên mạng có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí là bôi nhọ, vu khống người khác" bạn đọc Quang Hưng nói.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 29/4, nguồn tin từ cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đơn vị này đang điều tra, xác minh 11 kênh youtube có dấu hiệu đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng (sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam).

Theo đó, 11 kênh youtube này là "Bánh mì đây", "Lang thang đường phố", "Chuyện đời thường", "Trúc Ngân Vlog", "Lý lắc Vlog", "Checkin Sài Gòn", "Tiến Vlog", "Tuấn Kiệt PC", "Tý chuột TV", "Trai đồng bằng", "Sơn xàm TV".

Trong đó, nguồn tin cho biết, bà Bùi Thanh Quỳnh Như chủ kênh youtube "Lang thang đường phố" đã có buổi làm việc với cơ quan công an. Đây là kênh youtube nhiều lần phát sóng trực tiếp để ủng hộ bà Phương Hằng, "bóc mẽ" nhiều nghệ sĩ. Chủ nhân kênh này cũng nhiều lần tham gia livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng và xúc phạm nhiều cá nhân khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem