TS Cấn Văn Lực: Có tới 500 nghìn tỷ đồng giải ngân cho tam nông mỗi năm

NTTD Thứ ba, ngày 13/10/2020 15:35 PM (GMT+7)
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V sáng 13/10, T.S Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã đưa ra hàng loạt đề xuất tháo gỡ vướng mắc về vốn và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Bình luận 0
TS Cấn Văn Lực: Có tới 500 nghìn tỷ đồng giải ngân cho tam nông mỗi năm - Ảnh 1.

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V

Theo TS Cấn Văn Lực, cho đến nay, nước ta có tới 5 loại hình vốn dành cho lĩnh vực tam nông bao gồm ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới, vốn FDI - ODA, vốn ngân hàng và các nguồn vốn tài chính vĩ mô.

Cụ thể mỗi năm, bộ Nông nghiệp nhận được gần 70 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, trong đó giải ngân được khoảng 50 nghìn tỷ, tương đương 74%. Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới với nguồn vốn gần 200 nghìn tỷ mỗi năm, giải ngân được khoảng 50 nghìn tỷ. Vốn ODA mỗi năm trong lĩnh vực tam nông giải ngân được khoảng 10 nghìn tỷ, vốn FDI khoảng 500 tỷ đồng. Giải ngân từ các nguồn vốn tài chính vĩ mô cho tam nông ước tính khoảng 6 nghìn tỷ mỗi năm, còn lại là nguồn vốn ngân hàng. 

"Ước tính mỗi năm, có khoảng 470-500 nghìn tỷ đồng được giải ngân trực tiếp cho lĩnh vực tam nông, tương đương 23,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 2 triệu tỷ đồng.  Tuy nhiên, hiệu quả mang lại chưa đi đôi với số vốn đầu tư. Cụ thể, tính đến hết năm 2019, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 14% cơ cấp GDP quốc gia, tức thấp hơn đáng kể so với mức đầu tư 23,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội" - ông Lực nhấn mạnh.

img
img
img
img

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V diễn ra sáng 13/10

Bên cạnh việc tạo điều kiện về nguồn vốn, trong những năm qua, Chính phủ cũng phối hợp với các Bộ, Ban ngành liên quan đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển tam nông nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Trong đó, ông Cấn Văn Lực nhắn đến 5 chính sách quan trọng bao gồm:

Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hướng mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. 

Nghị định 55/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định 116 ban hành mới đây, sửa đổi nghị định 55/2018 đã mở ra hướng đi mới cởi mở hơn trong việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp. Theo đó, mỗi hộ gia đình được tiếp cận mức vay tín chấp lên tới 100 triệu đồng (tăng gấp đôi so với mức 50 triệu đồng trước đó); còn doanh nghiệp được phép cho vay tín chấp tới 70-80% giá trị phương án đầu tư nếu chứng minh được tính khả thi.

Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thay thế cho nghị định 210/2010. Nghị định được chính phủ ban hành trong bối cảnh đầu tư doanh nghiệp vào lĩnh vực tam nông quá thấp. Trong tổng số 750.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, chỉ có khoảng 12.000 doanh nghiệp, tức hơn 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định mức hỗ trợ phí bảo hiểm nhưng không bao gồm chương trình bảo hiểm nông nghiệp đầy đủ cho người nông dân như ở các quốc gia nông nghiệp phát triển (Mỹ, Úc…)

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư, tín dụng, bảo hiểm; chính sách ưu đãi thuế… để phát triển lĩnh vực thủy hải sản. Tuy nhiên cho đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chính sách này cũng chưa đi sâu vào thực tiễn do phối hợp vận hành chưa hiệu quả.

Nhiều kiến nghị gỡ khó cho nông dân

Trong khuôn khổ Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đã đề xuất loạt kiến nghị để tháo gỡ vướng mắc về vấn đề vốn và công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đề xuất bao gồm hàng loạt kiến nghị về nhiều vấn đề nóng bỏng như sửa đổi luật đất đai; phân bổ vốn nông nghiệp hiệu quả, tăng cường thu hút vốn tư nhân, đặc biệt là vốn FDI vào lĩnh vực tam nông; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi để tăng cường giá trị nông sản; làm rõ tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là các vấn đề bản quyền và vận hành công nghệ cao…

Nổi bật hơn, ông Lực kiến nghị chính phủ đưa ra một chương trình bảo hiểm nông nghiệp thực sự để hỗ trợ nông dân trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, yếu tố bất khả kháng dẫn đến mất mùa; từ đó khuyến khích phát triển tam nông. 

Về phía các Bộ, Ban ngành liên quan, TS Lực kêu gọi Bộ Tư Pháp phối kết hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn để chấp thuận các tài sản như nhà kính, nhà lưới, ao nuôi… trở thành tài sản đảm bảo vay nợ, tạo điều kiện cho người nông dân vay vốn ưu đãi. Trung Ương Hội Nông dân cần tham gia với vai trò kết nối chuỗi sản xuất nông nghiệp còn Ngân hàng tham gia hỗ trợ dòng tiền để thúc đẩy liên kết 6 nhà bền vững, qua đó giải quyết triệt để vấn đề đặt ra trong Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ V: “Vốn & Công nghệ trong liên kết 6 nhà”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem