TS. Nguyễn Đình Cung: “Có dám nói với Thủ tướng hay không chứ ai cấm”

Trần Giang Thứ hai, ngày 31/07/2017 19:00 PM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết cơ chế hoạt động của tổ là cơ chế mở, thu hút và tập hợp sự đóng góp của các bên, những người quan tâm.
Bình luận 0

“Với cơ chế phản biện chính sách, thành viên tư vấn được trao đổi thẳng thắn. Bản thân chuyên gia có dám nói thẳng với Thủ tướng hay không chứ không ai cấm”, ông Cung chia sẻ.

Tối ngày 28.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên. Thông tin này đã đón nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của dư luận.

Trên thực tế, Tổ tư vấn cho Thủ tướng đã được thành lập với các hình thức khác nhau trong một vài nhiệm kỳ trước đây, từ thời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đến thời Thủ tướng Phan Văn Khải tổ tư vấn được nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ban Nghiên cứu của Thủ tướng hoạt động đến tháng 7.2006 thì ngừng bởi quyết định của Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, đến cuối nhiệm kỳ của mình, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thành lập một nhóm chuyên gia tư vấn gồm 13 người.

img

TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM)

“Khó trả lời được vì sao thị trường lại kỳ vọng thế”. Suy nghĩ một lát, ông Cung chia sẻ:"Có lẽ vì nền kinh tế suy giảm khá lâu và dài".  

“Vấn đề bây giờ thị trường kỳ vọng có gì đó gọi là tác nhân mới có thể làm cho chính sách nhất quán hơn, các nhóm chính sách được sắp xếp lại, tập trung vào thực hiện những giải pháp căn bản. Từ đó tập trung giải quyết những vấn đề giúp phục hồi nền kinh tế, đưa lại quỹ đạo tăng trưởng theo kỳ vọng thị trường”, ông Cung bình luận.

Theo ông Cung, thị trường kỳ vọng nhiều quá vì nhìn thấy tác nhân mới. “Có công cụ mới thì ta nên sử dụng. Ví như trong quyết định thành lập tổ có viết “tổ hoạt động rất mở” và “thu hút các lực lượng nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó tổ tư vấn như là một kênh để thu hút và tập hợp những ý kiến đóng góp của tất cả các bên quan tâm”.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có thêm doanh nhân tham gia vào Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, theo ông Cung, đó là một ý kiến.

Ông Cung cho biết thêm cơ chế hoạt động của Tổ tư vấn kinh tế là là cơ chế mở, huy động nguồn lực xã hội để góp sức với tổ. Tổ tư vấn có nhóm thường trực, họp thường xuyên, thảo luận thường xuyên về các vấn đề chính sách kinh tế hiện nay.

Với cơ chế hoạt động mở như thế, theo ông Cung, tư vấn cho Thủ tướng không chỉ có 15 thành viên như hiện nay mà huy động lực lượng chuyên gia trong và ngoài nước. Những người này có thể hoạt động theo nhóm, tổ hoặc độc lập và ai có ý tưởng, kiến nghị thì gửi Tổ tư vấn.

Theo ông Cung, có lẽ vấn đề thị trường quan tâm là thực hiện thế nào? “Nếu coi một vấn đề là quan trọng thì cần phải xử lý bằng cách nào. Đây là vấn đề đang thiếu và được chờ đợi nhiều hơn”, ông Cung cho hay.

Ví như vấn đề giấy phép con chồng chéo, gây cản trở cho doanh nghiệp. Điều này Chính phủ đã thấy và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cần phải ban hành một Nghị định tập hợp nhiều Nghị định, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có.

“Đáng ra cần phải chỉ đạo khoảng 3 tháng phải ra Nghị định như vậy và dành khoảng thời gian cụ thể để xử lý từng vấn đề trong Nghị định”, ông Cung chia sẻ.

Theo ông Cung, "xã hội kỳ vọng Chính phủ hành động, điều này đủ và đúng rồi. Hành động phải rất cụ thể, là sự triển khai những quyết định, xoá bỏ những rào cản bất hợp lý. Hiện nay có quá nhiều rào cản, chi phí quá lớn làm doanh nghiệp mất rất nhiều cơ hội kinh doanh”, ông Cung phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem