TS Nguyễn Đình Cung: "Có lẽ Hãng phim truyện VN phải tự trách mình"

Hoàng Nhật Thứ ba, ngày 31/10/2017 05:00 AM (GMT+7)
“Quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam thiếu đi những yếu tố rất căn bản. Giờ nếu nói hãng phim có thương hiệu và lịch sử thì chúng cũng không có giá trị nhiều lắm khi bàn về tương lai phát triển của hãng” – TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Bình luận 0

img

Hãng phim truyện Việt Nam đã hoạt động kém hiệu quả trong nhiều năm qua?

Khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0

Tại hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước” diễn ra chiều 30.10, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có một số chia sẻ bền lề xung quanh câu chuyện cổ phần hóa (CPH) Hãng phim truyện Việt Nam và việc định giá 0 đồng với thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam

Theo ông Cung, trong câu chuyện cổ phần hóa (CPH), Hãng phim truyện Việt Nam phải đưa ra phương án phát triển của mình. Bản thân hãng phim phải định hướng mình sẽ phát triển theo hướng nào và định vị trí hiện tại của hãng phim.

Từ đó, hãng phim sẽ nhận định được họ cần những nhà đầu tư, cổ đông đáp ứng được điều kiện như thế nào, mang tới giá trị gì để phục vụ chiến lược phát triển của hãng phim.

img

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng thương hiệu và lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam không có nhiều giá trị khi bàn về tương lai phát triển của hãng

TS. Nguyễn Đình Cung nói: “Sự việc vừa qua phải trách nhiều bên. Nhưng có lẽ hãng phim phải tự trách mình đầu tiên. Tới nay, không biết mấy ai có thông tin về phương án phát triển hãng phim không, riêng tôi thì không có. Trong khi đây là thông tin quan trọng trước tiên.

Hãng phim muốn phát triển như thế nào? Họ mong muốn nhà đầu tư mang tới gì cho họ? Trả lời được hai câu hỏi đó, mới có thể biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và nắm rõ nhà đầu tư này sẽ được lợi gì từ mình, nhà đầu tư kia sẽ mang lại cho mình những giá trị gia tăng nào. Cái quan trọng là phải định hình được cổ đông chiến lược là gì, không phải ai đến cũng là chiến lược.

Rõ ràng quá trình CPH Hãng phim truyện Việt Nam thiếu đi những yếu tố rất căn bản nêu trên. Giờ nếu nói hãng phim có thương hiệu, lịch sử thì chúng cũng không có giá trị nhiều lắm khi bàn về tương lai phát triển của hãng”.

Theo ông Cung, những cổ đông chiến lược là những cổ đông phải thực sự quan tâm tới sự phát triển của hãng phim. Ít nhất cổ đông chiến lược phải là nhà phát hành phim hay liên quan đến nghệ thuật. Công ty đường thủy được chọn làm cổ đông chiến lược, dư luận khó chấp nhận là đương nhiên.

Trước đó, thảo luận tại Quốc hội về Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sáng 27.10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã lấy ví dụ về câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam làm bài học cho việc cạnh tranh.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, việc định giá Hãng Phim truyện Việt Nam với giá 0 đồng là hoàn toàn có lý nếu xét đến các văn bản hiện hành.

“Nếu xét về phía các văn bản quy phạm pháp quy hiện hành có hiệu lực, việc định giá 0 đồng này là đúng bởi vì bao năm liên tiếp Hãng Phim truyện Việt Nam đang lỗ, âm vốn, khả năng phục hồi cũng chưa thấy đâu, thì tính giá trị thương hiệu của nó bằng 0 đồng”.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cần nghiên cứu kỹ lại tại sao giá của nó lại thấp thế, tại sao Hãng Phim truyện Việt Nam không sản xuất được phim.

Theo báo cáo, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) có khoản lỗ lũy kế lên tới 39,6 tỉ đồng, chủ yếu do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước. 5trong giai đoạn 2004 – 2014 hãng phim đã lỗ 34,3 tỉ đồng. Ngoài ra, là khoản nợ tiền thuê đất 5,7 tỉ đồng...

Trụ sở số 4 Thụy Khuê, hạ tầng cơ sở ngày càng xuống cấp, hư hỏng và bỏ hoang nhiều diện tích không sử dụng đúng mục đích.

Đất hãng phim nên để Nhà nước quản lý

Xung quanh câu chuyện về Hãng phim truyện Việt Nam, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng tài sản giá trị nhất của hãng phim chính là 5000 m2 đất “vàng” ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội).

img

TS. Lưu Bích Hồ đề xuất giao đất hãng phim ở số 4 Thụy Khuê về Nhà nước quản lý

TS. Lưu Bích Hồ nói: “Với Hãng phim truyện Việt Nam, hãy cấp cho họ một mảnh đất khác, đầu tư tiền cho họ để họ sản xuất phim nếu họ còn muốn làm, đừng bán cổ phần cho một đơn vị không liên quan gì tới sản xuất phim.

Tài sản của hãng phim ngoài 5000 m2 đất “vàng” còn còn có gì khác. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nên thu hồi lại mảnh đất này để quản lý. Công ty tàu thủy thì làm gì có chuyện làm phim, họ mua lại cổ phần hãng phim vì để chuyển đổi mục đích sử dụng, kinh doanh. Đó là chưa nói tới ai đứng sau lưng họ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem