TS Nguyễn Đình Cung: "Rủi ro là ở chỗ luật sáng đúng chiều sai, rất khó đoán""

Quốc Hải Thứ hai, ngày 25/11/2019 18:11 PM (GMT+7)
Có rất nhiều cơ hội từ các hiệp định EVFTA và CPTTP, nhưng chỉ khi nào chúng ta phát triển được các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong nước lớn mạnh lên thì mới tận dụng được các cơ hội đó cho người Việt Nam. Và nếu muốn thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trong nước thì phải cởi trói cho họ, đừng ràng buộc nhiều quá…
Bình luận 0

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã chia sẻ thông điệp khi nói về những cơ hội và thách thức từ EVFTA và CPTTP đối với DN phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay.

img

TS Nguyễn Đình Cung (Ảnh: Quốc Hải)

Cởi trói cho DN để hạn chế… “sân sau sân trước”

Theo chuyên gia thuộc tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, không phải tận dụng cơ hội là cứ đi mở cửa đàm phán nước ngoài, chúng ta đàm phán đến đó được rồi. Bây giờ muốn tận dụng cơ hội từ các hiệp định EVFTA và CPTTP, chúng ta phải cạnh tranh trong nước. Phải mở ra và duy trì việc cạnh tranh trong nước nhiều hơn và lành mạnh hơn, để không có “sân sau sân trước”, dẫn đến việc phân bố nguồn lực và tiếp cận cơ hội kinh doanh trở nên không công bằng.

Việc tiếp cận các hiệp định thương mại cũng giúp Việt Nam thu hút đầu tư, đặc biệt là tăng cơ hội và áp lực thúc đẩy việc cải cách trong nước, nhất là cải cách thể chế.

img

img

Tuy nhiên, ông Cung cũng đặt vấn đề: Liệu cơ hội này chúng ta có thực hiện được không?

Đầu tiên, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta kỳ vọng lớn. Năm 2007 được kỳ vọng như một phép mầu có thể xuất hiện nhưng cuối cùng không phải như vậy. Dù xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh nhưng chủ yếu xuất hiện ở khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ trọng xuất khẩu của FDI luôn tăng và đã chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều đó có nghĩa, ngay trên đất nước chúng ta, nhà đầu tư người nước ngoài họ tận dụng cơ hội tốt hơn các DN Việt Nam.

“Chúng ta đã bắt đầu đa dạng hóa thị trường để tránh sự phụ thuộc vào một vài thị trường, nên mới ký nhiều hiệp định như thế, nhưng quả thực cho đến nay, cuối cùng vẫn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... Chúng ta chưa thành công nhiều lắm trong việc đa dạng hóa thị trường. Đó cũng là một thông điệp mà tôi lưu ý”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, 9 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng xuất khẩu vẫn khá, nhưng không đồng đều và khá bấp bênh, rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng chủ yếu vào Hoa Kỳ. Theo đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6%; EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%; ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.

Tình hình cũng tương tự với nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất và Hoa Kỳ chỉ là đối tác lớn thứ 6.

img

Cơ cấu đầu tư FDI vào Việt Nam

“Đặc biệt, nhìn vào cơ cấu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chúng ta vẫn không thấy bóng dáng của các nước châu Âu. Những đối tác mà chúng ta kỳ vọng họ đầu tư vào nhiều thì không thấy, chỉ thấy là Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Chúng ta kỳ vọng sẽ có những đối tác đầu tư chất lượng hơn thì vẫn chưa thấy họ xuất hiện”, ông Cung đánh giá.

Rào cản nào với DN nội địa?

Ngoài những đánh giá sơ bộ về việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định EVFTA và CPTTP đối với các DN Việt Nam, nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá tốc độ cải cách, không khí cải cách có vẻ chùng xuống so với đầu nhiệm kỳ.

Theo chuyên gia này, trước hết là chi phí logistics và thông quan của các DN Việt còn cao hơn đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Thứ hai là, 55% số doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức, nghĩa là kinh doanh vẫn vi phạm pháp luật ở đâu đó. Mà việc tuân thủ luật pháp là một trong những yêu cầu bắt buộc phải có với việc thực thi các hiệp định cũng như việc xuất khẩu ra bên ngoài.

img

Nỗ lực đa dạng hóa thị trường của Việt Nam 

“Đối với các DN châu Âu và Mỹ, họ không có việc trả những chi phí không chính thức để thực hiện các thủ tục hành chính, nhưng DN của Việt Nam thì ai cũng phải thực hiện. Như vậy, chúng ta đã không tuân thủ luật lệ khi tham gia các hiệp định”, ông Cung nhấn mạnh.

Cụ thể, con số tổng hợp từ chuyên gia này cho thấy, năm 2018, 7% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Ngoài ra, các DN cũng không dự đoán trước được chính sách sẽ như thế nào và rủi ro đối với đầu tư kinh doanh.

“Tôi mô tả cách thức thực thi luật pháp của Việt Nam để chúng ta có thể thấy được rõ hơn khó khăn của DN Việt. Đó là hàng năm Quốc hội ban hành khoảng 20 luật. Để thực thi luật Chính phủ ban hành khoảng 100 Nghị định. Các bộ để thực thi các Nghị định ban hành khoảng 600-700 Thông tư và để thực hiện thì trên thực tế còn có rất nhiều các loại gọi là công văn điều hành. Chỉ riêng Văn phòng Chính phủ hàng năm ban hành khoảng 3.500-4.000 công văn điều hành. Điều này có nghĩa là một luật có thể có khoảng 10 Nghị định, có khoảng 30 Thông tư hướng dẫn.

Luật không thay đổi nhưng Nghị định có thể thay đổi, Nghị định không thay đổi nhưng Thông tư thay đổi, và cuối cùng chúng ta thực hiện Thông tư và công văn điều hành. Và như thế luật của chúng ta như nhiều người nói là sáng đúng, chiều sai, rất khó đoán định được là thực thi thế nào là đúng? Bộ này nói là đúng nhưng sang Bộ khác thì lại nói sai; đặc biệt là các kết luận của thanh tra, kiểm tra DN. Và như thế rủi ro trong thực thi và rủi ro thể chế đối với DN là rất lớn”, vị chuyên gia thuộc thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thẳng thắn.

img

Khi rủi ro quá lớn, chúng ta thay vì kinh doanh thì lại đi tập trung đối phó với rủi ro, đối phó với luật pháp, đối phó với thực thi luật pháp. Và như vậy thì khó có thể có đầu tư dài hạn, có đầu tư lớn.

DN không dám lớn và cũng không muốn… lớn

TS Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn nhận định: “Tuân thủ luật pháp đúng là một thách thức ở Việt Nam”.

Theo ông Cung, ở Việt Nam, hầu như tất cả các DN kinh doanh có điều kiện hầu như không tuân thủ đúng luật pháp, chưa tuân thủ đúng luật pháp theo đúng nghĩa của nó. Không phải DN không muốn tuân thủ, mà tuân thủ thì chi phí tăng cao, hoặc thậm chí không thể tuân thủ đúng. Tuân thủ đúng thông tư này thì thông tư khác không đúng. Đây là yêu cầu số 1 để có thể tận dụng được các cơ hội từ bên ngoài nhưng là vấn đề không hề dễ với DN Việt.

img

Một loạt những vướng mắc về luật đối với DN Việt

“Tại sao chúng ta lại có một hệ thống luật lệ, thực thi pháp luật như thế? Theo tôi là do chúng ta không dứt khoát chuyển sang kinh tế thị trường mà cứ mãi dùng dằng. Thị trường chính là cơ chế kiểm soát tốt nhất và Nhà nước sau đó bổ sung vào những khiếm khuyết của thị trường nhưng không phải Nhà nước thay thị trường để kiểm soát DN”, ông Cung khẳng định.

Từ việc không dứt khoát đó, theo ông Cung, dẫn đến việc không cải cách hành chính bộ máy, chức năng của Chính phủ đúng như chức năng của Nhà nước trong cơ chế thị trường. Phải làm cho cân bằng hơn, nghĩa là phải làm cho khu vực tư nhân muốn lớn, “không còn sợ lớn”.

img

"Chính vì DN Việt hiện nay không muốn lớn, thậm chí là sợ lớn nên chúng ta mới không tận dụng được các cơ hội từ bên ngoài. Do đó, theo tôi cải cách trong nước là yếu tố quyết định để tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do này. Tuy nhiên, cải cách cần đảm bảo cho tư nhân trong nước: Tự do kinh doanh hơn; An toàn trong đầu tư kinh doanh; quyền kinh doanh và tài sản của người đầu tư phải được luật pháp bảo vệ một cách đáng tin cậy; Giảm tối đa chi phí kinh doanh; rủi ro thị trường…”, ông Cung đề xuất.

img

Cải cách phải tập trung vào "thị trường, thị trường và thị trường hơn”. Trọng tâm là không ngừng nâng cao mức độ cạnh tranh thị trường; chú trọng hơn đến các thị trường nhân tố sản xuất. Mấu chốt của cải cách là làm sao để sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn, sau đó là đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, phải để cho DN tư nhân tiếp cận các nguồn lực một cách công bằng, nghĩa là nếu DN có tài năng, có sáng kiến, có hiệu quả thì nguồn lực sẽ chạy đến chứ không phải nguồn lực sẽ chạy đến ai đó có các mối quan hệ tốt hơn…

“Cốt lõi của cải cách kinh tế Việt Nam hiện nay là phải làm sao tận dụng nhiều hơn các cơ hội từ bên ngoài. Nếu không chúng ta sẽ quay lại thời kỳ 2007, chủ yếu cơ hội đầu tư là do khối FDI khai thác, chứ không phải cho DN Việt Nam. Và cải cách bây giờ không phải là ngồi chờ, ngồi chờ không bao giờ có cải cách, mà cộng đồng DN, tổ chức xã hội phải đòi hỏi cải cách, phải tạo áp lực nhiều hơn cho cải cách”, chuyên gia này nhắn nhủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem