TS. Nguyễn Đức Thành: Cơ hội để VN chuyển mình từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 10/01/2019 16:30 PM (GMT+7)
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đặt ra cho Việt Nam cơ hội hiếm hoi để rời bỏ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt là sự dịch chuyển của các nhà đầu tư và thương mại. Song theo TS. Nguyễn Đức Thành, khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này.
Bình luận 0

img

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR)

Sáng 10.1, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức tọa đàm công bố Báo cáo đánh giá kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018.

Năm 2018 chứng kiến sự phục hồi thiếu đồng đều, chắc chắn của kinh tế thế giới. Trong khi Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, các nền kinh tế khác đều xuất hiện những vấn đề khác nhau. Thêm vào đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được kích hoạt và leo thang, đã thay đổi đáng kể  bức tranh của nền kinh tế toàn cầu.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), những chỉ tiêu kinh tế cho năm 2019 do Quốc hội thông qua hoàn toàn có thể đạt được. Thậm chí, chỉ tiêu về tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể đạt 6,9%, nhiều hơn 0,1% so với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua.

Cụ thể, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 sẽ dựa trên nền tảng đã có từ các năm trước là chu kỳ kinh tế vẫn đang tiếp tục hồi phục cũng như những nỗ lực từ khu vực doanh nghiệp và sự cải cách của Chính phủ sẽ tạo động lực cho nền kinh tế.

Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất, đặc biệt là sự dịch chuyển của các nhà đầu tư và thương mại.

Dẫn chứng số liệu khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nam Trung Quốc, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, 60% số doanh nghiệp được khảo sát sẽ trì hoãn hoặc hủy các kế hoạch đầu từ vào Trung Quốc. Ngoài ra, 70% số doanh nghiệp Mỹ sẽ rời khỏi Trung Quốc.

“Đây sẽ là cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam. Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đặt Việt Nam trước một cơ hội lớn hiếm hoi trước xu hướng rời bỏ Trung Quốc của chuỗi cung ứng sản xuất”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, dù Ấn Độ có khả năng cao sẽ trở thành điểm đến của đợt chuyển dịch chuỗi sản xuất do có thị trường tương đương đáp ứng giống Trung Quốc. Song khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam vẫn là một điểm đến sáng giá nhất do tính tương đồng về văn hóa, môi trường thể chế. Giá nhân công rẻ, khéo tay cùng là những lợi thế khác của Việt Nam.

Năm 2019, Việt Nam một mặt nên tiếp tục tiến trình cải thiện điều kiện thể chế - kinh tế trong nước, cải cách tài khóa và thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN, mặt khác nên tập trung chuẩn bị các điều kiện về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để sẵn sàng đối mặt với những bất ổn từ kinh tế thế giới, thông qua 4 giải pháp chính.

Thứ nhất, điều hành tỷ giá một cách linh hoạt theo hướng thích ứng các cú sốc từ bên ngoài.

Thứ hai, hạ thấp đòn bẩy, điều tiết và giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao sức khỏe của hệ thống tài chính.

Thứ ba, thận trọng hơn với tăng trưởng cung tiền, khống chế trong khoảng 12%/năm.

Thứ tư từng bước xây dựng đệm tài khóa thông qua việc thu gọn, tinh giản và sắp xếp lại bộ máy chính quyền để giảm chi thường xuyên.

Tuy nhiên, ông Thành cũng cảnh báo: “Thách thức đặt ra là không nhỏ cho Việt Nam khi cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu, cùng với đó là bất lợi về lợi thế quy mô so với Trung Quốc và Ấn Độ. Để nắm bắt được cơ hội này, đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng rất nhiều ở việc cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động trong nước”. 

Về chính sách tiền tệ, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị VND như NHNN thực hiện trong thời gian qua không phải là giải pháp can thiệp lâu dài khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên thực tế còn nhỏ về quy mô.

TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý: Việc sử dụng dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị đồng VND như Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian qua không phải là giải pháp can thiệp lâu dài khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam trên thực tế còn nhỏ về quy mô.

Áp lực tỷ giá và lạm phát cùng với quy định hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã khiến lãi suất VND có xu hướng tăng đáng kể vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, giải pháp nâng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp khi đẩy chi phí vốn tăng do quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khiêm tốn nên chưa giảm được nhiều gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Đức Thành, việc chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của nhân dân tệ (CNY) so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.

TS. Nguyễn Đức Thành nhận định: “Nếu có chính sách tỷ giá phù hợp, thương mại Việt Nam hoàn toàn có thể hưởng lợi nhiều hơn từ cuộc chiến này, bên cạnh việc tiếp nhận nhiều đơn hàng chuyển dịch từ Trung Quốc. Về tác động lâu dài, khi chuỗi cung ứng sản xuất dịch chuyển từ Trung Quốc tới các nước láng giềng, Việt Nam cần cải thiện môi trường thể chế, kinh doanh và chất lượng lao động để đón đầu cơ hội này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem