TS Nguyễn Đức Thành: Thay vì dừng, Chính phủ nên đánh thuế xuất khẩu gạo

03/04/2020 07:49 GMT+7
Bình luận về việc xuất khẩu gạo, TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng Chính phủ không nên dừng xuất khẩu gạo hoặc áp dụng chế độ hạn ngạch vào lúc này. Thay vào đó, Chính phủ nên sử dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết thị trường.

TS Nguyễn Đức Thành

Thời gian qua, khi một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) ngừng xuất khẩu gạo, Thái Lan đã đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Cụ thể, ngày 26/3, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 480 - 484 USD/tấn (bình quân 482 USD/tấn), gạo 25% tấm là 448 - 452 USD/tấn (bình quân là 450 USD/tấn).

Ngày 27/3, gạo 5% tấm tăng lên mức 493 - 497 USD/tấn (bình quân là 495 USD/tấn), gạo 25% tấm là 461 - 465 USD/tấn (bình quân là 463 USD/tấn).

Đến ngày 31/3, gạo 5% tấm của Thái Lan được đẩy lên mức giá 518 - 522 USD/tấn (bình quân là 520 USD/tấn), trong khi gạo 25% đã ngưng chào giá.

Bình luận về việc Thái Lan "một mình một chợ" thao túng giá gạo xuất khẩu, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng đến thời điểm này, Việt Nam không nên áp dụng chính sách dừng xuất khẩu gạo hoặc chế độ hạn ngạch (quota) nữa.

Ông Thành cho rằng việc áp dụng các chính sách như trên chỉ gây thiệt hại và phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường này bị đẩy lùi hàng chục năm.

Theo ông Thành, chính sách lúc này nên là đánh thuế xuất khẩu gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và nhà nước có nguồn thu).

Ông Thành lấy ví dụ minh họa: Nếu đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán thì khi giá thế giới là 800 USD/tấn, giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới, còn doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt. Trong khi đó, nhà nước thu được thuế là 240 USD/tấn.

"Lợi ích lớn nhất của chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính toán được bài toán của họ một cách chủ động (khi đã biết thuế suất).

"Doanh nghiệp biết rằng khi giá gạo thế giới tăng, ví dụ từ 700 USD lên 800 USD rồi lên 1.000 USD hay thậm chí 1.500 USD, họ đều có quyền xuất khẩu bất cứ lúc nào với khối lượng tùy ý. Doanh nghiệp biết rõ họ sẽ thu được là bao nhiêu, biết nên tích trữ chờ đợi hay bán ngay. Và vì vậy, họ không bị lỡ nhịp các cơ hội trên thế giới, không quá thua thiệt với các đối thủ như Thái Lan", ông Thành phân tích.

Về phía Chính phủ, ông Thành cũng chỉ ra lợi ích của việc đánh thuế xuất khẩu gạo là Chính phủ không lo doanh nghiệp xuất khẩu ồ ạt, không lo giá gạo trong nước tăng và không lo nguồn cung bị thiếu.

Ông Thành cũng phản đối quan điểm cho rằng Chính phủ dừng xuất khẩu gạo là để đợi giá gạo lên, bán lấy lời.

"Đây là một lý do hết sức vô lý vì đó không phải là trách nhiệm cũng như chức năng của Chính phủ. Và không ai có thể đảm bảo Chính phủ làm việc đó đủ khôn ngoan. Thêm nữa, điều đó khiến doanh nghiệp và nông dân hoàn toàn bị động, không phát huy được trí tuệ và tính chủ động của họ. Tức là kéo lùi sự phát triển của thị trường", ông Thành nói.

Nhấn mạnh rằng chính sách thuế không thuộc thẩm quyền của Chính phủ (mà thuộc Quốc hội), ông Thành cho rằng trong bối cảnh chống dịch như chống giặc, cần coi đây là một tình huống đặc biệt để áp dụng.

"Vạn nhất trong trường hợp không có cơ sở pháp lý để thực hiện, Chính phủ có thể áp dụng tạm thời một loại phí nhưng có chức năng giống hệt như thuế. Như thế vẫn bảo đảm đạt mục tiêu chính sách", ông Thành khuyến nghị.

Theo Vietnamfinice
Cùng chuyên mục