TS Nguyễn Quốc Tuấn: Cả xã hội phải góp tay cải biến

Thứ ba, ngày 11/02/2014 10:10 AM (GMT+7)
Báo NTNN số 35/2014 đã phản ánh về tình trạng lộn xộn, nhếch nhác của nhiều lễ hội diễn ra đầu năm mới - tình trạng năm nào cũng tái diễn và các nhà quản lý hầu như bất lực.
Bình luận 0
Về vấn đề này, phóng viên NTNN đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo.

Thưa ông, nhiều năm nay, cứ đến lễ hội là thấy diễn ra tình trạng lộn xộn, chặt chém, liệu có phải các nhà quản lý đã thất bại trong việc duy trì sự trật tự, yên ổn ở nhưng nơi đó?

- Chúng ta nên xác định lại quản lý là cái gì. Bấy lâu nay có lối nói, quản lý nhà nước về tôn giáo, quản lý nhà nước về lễ hội, là không chuẩn xác. Bản thân các cơ quan quản lý phải hiểu cho rõ, thế nào là lễ hội, thế nào là tự do và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.

Tại sao lại có biểu hiện lệch chuẩn, lễ hội nhiều nơi đang diễn ra một cách hỗn loạn, tại lễ hội chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh còn xảy ra ẩu đả dẫn đến chết người. Rõ ràng đặt ra câu chuyện, bản thân các nhà nghiên cứu, tuy đã làm nhưng làm không trúng, cho nên tôi đề nghị các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu không phải chỉ ngồi lại mà phải làm việc với nhau, phần nào chưa hiểu nghiên cứu cho sâu, có chứng cứ, có số liệu, hay nói một cách khác, xây dựng cơ sở dữ liệu, tổ chức điều chỉnh hành vi, hoạt động của lễ hội.

Người hành hương xoa tiền vào chuông ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh) để cầu may.
Người hành hương xoa tiền vào chuông ở chùa Yên Tử (Quảng Ninh) để cầu may.

Ông bình luận thế nào về các chỉ thị, quy định cấm rải tiền lẻ, cấm đốt vàng mã đã có nhưng người dân vẫn vi phạm ngang nhiên?

- Càng tiếp tục như thế này thì sẽ đến một tình trạng năm nào cũng ra các quy định, chỉ thị nhưng chúng hoàn toàn bị bật ra khỏi cuộc sống và không có tác dụng. Khi chúng ta hiểu rõ được niềm tin thực hành tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo thì phải hướng con người ta đi vào chỗ hiểu biết một cách đúng đắn. Một vài năm nữa nếu không cho dùng tiền lẻ để rải, người ta sẽ dùng các hình thức khác thôi.

Trách nhiệm của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và giới truyền thông là phải hướng người dân đến cái đẹp nhân văn, nói được bản chất sâu xa, hướng thượng, thế giới linh thiêng trong các lễ hội. Đó là trách nhiệm không chỉ của các nhà quản lý, nghiên cứu và phần quan trọng là của cả giới truyền thông nữa.

Cá nhân ông có thấy nản với tình trạng các đám đông nhét tiền vào tượng Phật ở chùa Bái Đính, xoa tiền đô (giả) bằng vàng để cầu may...?


"Hiện tượng nhét tiền vào tượng chùa Bái Đính thể hiện sự hoàn toàn không có tri thức, tôi xin nói thẳng như thế. Chúng ta đang nhìn thấy những đám đông hành xử phi tâm linh, phi chuẩn mực”.

TS Nguyễn Quốc Tuấn

- Đó là sự mù quáng tâm linh. Không ai tạo cho họ môi trường tìm hiểu mà tất cả chỉ là a dua, a tòng, hoàn toàn không có tri thức nào nằm trong đó cả. Tiền lẻ là vật tượng trưng, nhà giàu cầm vải xoa chân tượng, nhà nghèo nhìn thấy sẽ học theo…

Hiện tượng nhét tiền vào tượng chùa Bái Đính thể hiện sự hoàn toàn không có tri thức, tôi xin nói thẳng như thế. Chúng ta đang nhìn thấy những đám đông hành xử phi tâm linh, phi chuẩn mực nhưng nhìn ra vấn đề đó không phải để chán nản, mà cả xã hội phải góp tay vào cải biến nó.

Thưa tiến sĩ, nhiều người nói rằng phục dựng lễ hội truyền thống sẽ là một lối thoát để “lập lại trật tự”, ông có đồng tình với quan điểm này?

- Bây lâu nay chúng ta cứ tưởng chúng ta đang phục dựng truyền thống. Với tư cách của một nhà nghiên cứu, tôi xin hỏi truyền thống là gì và đang được xác định như thế nào? Chúng ta thấy ngoài một bức tranh hỗn loạn, lễ hội vẫn có yếu tố tốt, giá trị tốt, nhưng không hiểu sao lại lâm vào tình trạng không thể chia sẻ với nhau được.

Ai đó thử trả lời, thế nào là giá trị truyền thống và truyền thống gồm những cái gì? Xã hội chúng ta đang biến chuyển, đang có những đổ vỡ. Khó mà ngồi ở đây nói về thế nào là giá trị tốt đẹp. Khó lắm đấy. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần là ý chí của nhà quản lý hay ý chí của nhà nghiên cứu mà nó là sự vận động xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Giáo Sư Ngô Đức Thịnh: Xây dựng, khôi phục từ những điều cơ bản


Bây giờ, tại nhiều lễ hội, việc ăn xin đang diễn ra tràn lan, bị lạm dụng quá, nên gây bức xúc cho khách hành hương. Đặc biệt là chuyện lợi dụng trẻ nhỏ để cầu xin sự thương hại của người khác. Tôi cho rằng đây là một “căn bệnh” trục lợi của lễ hội ngày nay. Nhiều người đi lễ chùa khi đến trước cửa phật cũng chỉ để cầu xin, trục lợi cho bản thân nào là chức tước, địa vị, tiền, tài… chứ không đơn thuần cầu xin sự bình an cho gia đình.

Căn nguyên của những vấn nạn, những sự vô thức hay cách quản lý của mỗi kỳ lễ hội chính là cách quản lý đã không triệt được tận gốc, mà cứ bắt cóc bỏ đĩa thì chỉ dẹp được lúc này, rồi một lúc nào khác lại bị bùng phát trở lại. Giống như việc ăn xin, mấy năm trước cũng là vấn nạn tại chùa Hương, thì bây giờ lại bùng phát trở lại tại đền Bà Chúa Kho. Hay như tại chùa Hương, nơi trước cửa phật nhưng vẫn diễn ra chuyện sát sinh, giết mổ... Nếu như những người quản lý ở đó không trục lợi, không có phần trăm “hoa hồng” chẳng hạn, thì dẹp bỏ hay loại trừ là điều rất dễ dàng. Còn nếu như họ có được lợi trong những vấn đề này thì dẹp bỏ là cực kỳ khó khăn, dường như là không thể dẹp bỏ được.


Để giải quyết triệt để những vấn đề này, cần phải xây dựng, khôi phục từ những cái cơ bản. Lễ hội cũng cần có tri thức, có sự hiểu biết từ người quản lý, đến người dân. Cần phải tuyên truyền những kiến thức về mỗi lễ hội trên phương tiện truyền thông và phải được trao truyền, tiếp nối các thế hệ con cháu.

Giáo Sư Trần Lâm Biền: Người quản lý lễ hội phải hiểu biết


Để giải quyết tận gốc “căn bệnh” lộn xộn, nhếch nhác ở các lễ hội, cần phải lấy trí tuệ ra để ứng xử, chứ không nên dùng cảm tính mà ứng xử. Đặc biệt đối với những người quản lý về lễ hội, cần có kiến thức, sự hiểu biết chân tơ kẽ tóc mọi lễ hội. Không nên áp đặt, áp bức đối với người dân đặc biệt về vấn đề tâm linh. Điều quan trọng chính là cách quản lý của ban tổ chức đối với mỗi lễ hội khi không có kiến thức, không hiểu rõ việc mình làm.


Tôi thấy có rất nhiều người hiểu sai khi cho rằng, lễ riêng và hội riêng. Lễ là cúng bái, tế rước một cái gì đó, và hội là trò chơi nào đó, đấy là họ đang hiểu sai vấn đề. Mà chính xác, lễ hội là một cặp phạm trù thống nhất, hội là tập hợp một cộng đồng người nhất định để thực hiện những điều về lễ. Vì vậy tôi cho rằng, bây giờ có quá nhiều lễ hội được hiểu sai, được thực hiện không đúng với tính chất, tinh thần ban đầu của lễ hội đó.

Thanh Hà (ghi)

Đỗ Vân Anh (thực hiện) (Đỗ Vân Anh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem