TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cho phá sản cá nhân sẽ giảm nợ xấu trong vay tiêu dùng

Thứ ba, ngày 23/01/2018 11:24 AM (GMT+7)
Để giảm thiểu thấp nhất rủi ro về nợ xấu trong vay tiêu dùng, Chính phủ nên nghĩ đến chuyện cho phép cá nhân phá sản cũng như có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân.
Bình luận 0

img

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, cho dù các công ty tài chính làm tốt công việc đòi nợ đến đâu, thì rủi ro nợ xấu trong lĩnh vực vay tiêu dùng cá nhân vẫn vô cùng cao, do tốc độ tăng trưởng ở thị trường này cao hơn nhiều so với tăng trưởng thu nhập.

Muốn giảm thiểu thấp nhất những tác động xấu của việc bùng nổ cho vay tiêu dùng đến nền kinh tế, Việt Nam nên làm theo những biện pháp mà các nước tiên tiến đã sử dụng như cá nhân cũng được phép tuyên bố phá sản như doanh nghiệp hay thành lập hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân.

Ông đánh giá thế nào về sự bùng nổ của thị trường vay tiêu dùng Việt Nam trong thời gian gần đây?

- Đúng là cho vay tiêu dùng đang bùng nổ trong vài năm gần đây. Trước đây, theo tập quán tiêu dùng, người Việt chỉ tiêu dùng từ tiền tiết kiệm, từ thu nhập. Chứ ít ai đi vay để tiêu dùng cả, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Ngày nay ngược lại.

Thứ hai, nhu cầu đời sống ngày càng nhiều, có nhiều nhu cầu phát sinh ra từ công nghệ tiên tiến. Ngày xưa, một người thường chỉ cần một chiếc xe gắn máy, tiền đổ xăng và sinh hoạt hàng ngày. Ngày nay, ngoài xe gắn máy, người ta còn muốn điện thoại thông minh, xe phải tốt, nhu cầu nhà ở cũng như vấn đề ăn mặc, sinh hoạt tăng lên… trong khi thu nhập vẫn còn thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ, thu nhập bình quân hiện tại của Việt Nam chỉ ở vào mức 2.300 USD/người, thấp rất nhiều so với các nước chung quanh.

Thu nhập bình quân thấp, nhu cầu tăng, thì hiển nhiên phải chạy ra ngoài vay nợ. Nên chẳng có gì lạ khi vay tiêu bùng nổ. Vay tiêu dùng có hàm nghĩa, xài trước trả sau, dùng thu nhập trong tương lai để trả cho chi phí hiện tại.

Theo tôi, nhu cầu này trong tương lai còn sẽ tăng tốc rất kinh khủng, mức độ tăng không đi ngang mà ngày càng cao hơn, có thể hơn cả 20%.

Ông có thể cho biết lợi và hại của bùng nổ của vay tiêu dùng lên đời sống cũng như kinh tế Việt Nam?

- Mặt lợi là, vay tiêu dùng giúp nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân, bằng cách cho phép họ lấy thu nhập trong tương lai, chi tiêu cho nhu cầu hiện tại, từ đó kích cầu tiêu dùng.

Mặt hại là sự rủi ro không trả được nợ, nếu như thu nhập của mình không ổn định. Đó là hiện tượng xảy thường xuyên ở Mỹ, khi có rất nhiều người phá sản, do nợ nần ngập đầu và không thể trả được nợ.

Người Mỹ có một câu rất hay: Bạn muốn ăn ngon hay ngủ ngon? Nếu muốn ăn ngon, thường thì bạn buộc phải đi vay và bạn gần như phải trả nợ cho ngân hàng cũng như các công ty tài chính trong suốt cuộc đời, hiếm có thể ngủ ngon. Ngược lại, nếu muốn ngủ ngon do lưng không đeo nợ nần, bạn chỉ cần không mượn tiền, nhưng như thế sẽ không được tiêu xài thoải mái.

Ngoài ra, người đi vay thường không kiểm soát được tình trạng nợ nần của mình. Nếu mình không bao giờ đi vay, sẽ giữ được nguyên trạng thái bình lặng, kỷ luật tài chính, có nhiêu xài nhiêu. Nhưng khi chúng ta đã đi vay rồi, sẽ tạo nên thói quen xấu, thiếu là sẽ đi vay. Mới đầu vay ít, sau đó vay nhiều, trở thành nghiện vay và mất kiểm soát.

Nhu cầu tăng lên nhiều như thế, nếu GDP của mình chỉ tăng độ khoảng 6 - 7% trong 10 năm tới, tức là khả năng trả nợ của một người cũng tầm mức đó. Việc tăng tốc của vay tiêu dùng cao hơn nhiều so với cái tăng trưởng thu nhập sẽ rất nguy hiểm.

Cho dù các công ty tài chính có hệ thống thu hồi nợ tốt đến đây, thì với thực trạng thu nhập tăng trường không theo kịp nhu cầu vay tiêu dùng, mức độ rủi ro nợ xấu là sẽ vô cùng cao.

Vậy chúng ta có cách gì để hạn chế rủi ro nợ xấu với thực trạng vay tiêu dùng sẽ trở thành một thói quen phổ biến của người Việt Nam trong tương lai?

- Tôi đã nhiều lần kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính và cả Chính phủ rằng: Việt Nam nên cho phép cá nhân phá sản cũng như có hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân.

Phá sản cá nhân là sao, thưa ông?

- Hiện tại, ở Việt Nam, không có phá sản cá nhân. Anh không trả nợ, cứ chây ì ra, rồi thôi. Không trả nợ ngân hàng thì cũng huề cả làng! Anh đi xin việc cũng chẳng có gì trở ngại, anh vay tiền chỗ khác cũng không sao. Ít người có lưu giữ được thông tin anh không có khả năng trả nợ. Trong danh sách khách hàng, có những người chết rồi, chôn rồi, vẫn còn nằm trong danh sách mắc nợ của ngân hàng.

Ở nước ngoài thế này, khi bạn vay nợ ngân hàng, bạn cảm thấy không có khả năng trả được nợ, sẽ tuyên bố phá sản và ngân hàng sẽ đưa bạn ra tòa. Mà trước khi ra tòa, tòa sẽ tịch biên tài sản của bạn.

Tòa án sẽ xem xét tài sản của bạn, tòa nói: Vì bạn có gia đình, tôi cho phép cô giữ một căn nhà và một cái xe để đi, tất cả các tài sản còn lại sẽ trả lại cho tòa án, tòa án sẽ thanh lý và trả lại cho ngân hàng. Tất cả tài sản đó đủ số tiền trả nợ thì tốt, có bao nhiêu ngân hàng nhận bấy nhiêu. Sau khi thanh lý xong, bạn được ngân hàng xí xóa nợ nần.

Nếu bạn nghĩ, vậy chắc ai cũng thích tuyên bố phá sản sẽ nhầm to. Bởi, sự việc này sẽ khiến cuộc sống sau này của bạn rất khốn khổ. Chuyện phá sản sẽ nằm trong lịch sử tài chính của bạn 10 năm. Trong 10 năm đó, bạn rất khó để vay tiền ngân hàng hay các công ty tài chính, ngay cả vấn đề xin việc làm cũng khó khăn. Các công ty đánh giá rất thấp những người đã từng phá sản.

Vậy thế nào là hệ thống chấm điểm tín dụng cá nhân?

- Ở bên Mỹ, mỗi người có điểm tín dụng cá nhân riêng, với thang điểm từ 400 - 800 điểm, do một số công ty xếp hạng tín dụng cá nhân công bố. Những công ty đó sẽ dùng một số chỉ tiêu là công ăn việc làm, tuổi, có án hay không, đã từng tuyên bố phá sản hay chưa, lịch sử trả nợ… để chấm điểm.

Tất cả các công ty tín dụng và ngân hàng sẽ gửi những thông tin mình có cho các công ty đánh giá trung gian, sau đó họ nhận lại kết quả, rồi quyết định khả năng và định mức cho vay đối với từng cá nhân, cũng như đo lường trước được khả năng trả nợ.

Ví dụ, nếu bạn được chấm từ 700 - 800 điểm thì vay gì/ở đâu cùng được, vay dễ dàng song lãi suất sẽ cao. Từ 600 - 700 điểm, khó vay hơn chút và lãi suất không cao. Từ 400 - 500 điểm, không thể vay được.

Quỳnh Như (Vietnamfinance)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem