TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chưa nghiên cứu kỹ, sao đã đề xuất tăng thuế VAT?

Hoàng Thắng Thứ hai, ngày 21/08/2017 16:00 PM (GMT+7)
“Tôi cũng chưa cảm thấy thuyết phục trước đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ của Bộ Tài chính. Bộ phải đưa ra nghiên cứu về số học để thấy rằng đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tăng thuế, đặc biệt là với đối tượng thu nhập thấp” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bình luận 0

img

Tăng thuế GTGT lên 12% sẽ tác động lớn tới đời sống người nghèo

Là một trong số các chuyên gia tham dự cuộc họp lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế: thu nhập cá nhân (TNCN), giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế tài nguyên do Bộ Tài chính tổ chức cách đây ít ngày, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ của Bộ Tài chính chưa thuyết phục.

Chưa nghiên cứu, sao đã đề xuất tăng thuế VAT?

Ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc Bộ có thể đưa ra dự thảo về việc sửa đổi 5 luật thuế, đáng chú ý trong đó là luật thuế TNCN và thuế GTGT trong một thời gian ngắn là một nỗ lực rất lớn. Theo lịch trình, từ nay tới cuối năm 2017, Bộ Tài chính sẽ phải hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế này để trình Quốc hội và chờ Quốc hội thông qua vào tháng 5.2018.

Nếu Bộ Tài chính có thể thuyết phục Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế nêu trên là một thành công rất lớn. Có thể sẽ là dấu ấn của Chính phủ, Bộ Tài chính trong nhiệm kì này.  

Tuy nhiên, ông Hiếu và phần lớn các chuyên gia  tham dự cuộc họp lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế cách đây ít ngày đều chưa nhất trí với những đề xuất của Bộ Tài chính xung quanh việc tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ

TS. Nguyễn Trí Hiếu nói: "Bản thân tôi cũng chưa cảm thấy thuyết phục trước đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% đối với nhiều mặt hàng, dịch vụ của Bộ Tài chính bởi phía Bộ chưa có nghiên cứu cụ thể, rộng rãi. Từ đó, đưa ra tác động của việc tăng thuế GTGT đối với ngân sách, nếu tăng từ 10% lên 12%, ngân sách sẽ bổ sung thêm bao nhiêu tiền?

Ngoài ra, Bộ Tài chính phải đưa ra nghiên cứu về số học để thấy rằng đời sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, đặc biệt là với những người có thu nhập thấp.

Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt hơn 2.000 USD/năm. Trong đó, không ít người thu nhập chỉ đạt vài chục, tới vài trăm USD mỗi năm. Với đối tượng thu nhập thấp, con số tăng 2% của thuế GTGT sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của họ.

Cụ thể, hàng hóa tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ thuế GTGT. Đầu tiên, giá mua của những nguyên liệu đầu vào tạo nên sản phẩm sẽ tăng do chính sách điều chỉnh tăng thuế. Dẫn tới giá sản phẩm bán ra cho các công ty, siêu thị, đại lý phân phối tăng theo. Sau đó, giá sản phẩm, hàng hóa người tiêu dùng mua về sẽ tiếp tục tăng. Như vậy, người tiêu dùng là đối tượng chịu tác động lớn nhất vì thuế cuối cùng vẫn là người tiêu dùng phải trả. Nhìn xa hơn, cả thị trường sẽ rơi vào cơn sốt tăng giá".

Việt Nam còn nghèo, sao có thể tăng thuế theo châu Âu?

Lập luận của Bộ Tài chính đưa ra trong cuộc họp như thuế GTGT của Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia khác, hay xu thế tăng thuế suất GTGT diễn ra phổ biến trên Thế giới trong những những năm qua.

img

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính chưa thuyết phục

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho cho rằng sự so sánh này không đầy đủ. TS. Hiếu phân tích: "Thuế GTGT ở nhiều quốc gia châu Âu rất cao, lên tới 20%. Nhưng đó đều là những quốc gia phát triển, thu nhập bình quân đầu người và đời sống người dân rất cao. Còn Việt Nam hiện chỉ là một nền kinh tế mới nổi, thu nhập bình quân đầu người thấp.

Hay như ở Mỹ, họ chỉ đánh thuế bán hàng (sale tax). Thuế này chỉ đánh vào khu vực bán lẻ, người tiêu thụ sản phẩm cuối cùng sẽ phải chịu một mức thuế nhất định (tùy theo quy định của mỗi tiểu bang) khi mua hàng. Còn ở Việt Nam, không chỉ người tiêu dùng, mà mọi công đoạn nhằm tạo ra một sản phẩm đều phải chịu thuế GTGT.

Ví dụ, thành phần kinh tế số 1 bán cho số 2, rồi tới số 3, 4. Cuối cùng, tới tay người tiêu dùng. Mỗi công đoạn như vậy đều phải chịu thuế GTGT. Tới khi cộng dồn lại, người tiêu dùng sẽ phải gánh toàn bộ thuế của các công đoạn nhằm tạo ra, và bán một sản phẩm. Nếu tính toán chi tiết, thuế GTGT ở Việt Nam có lẽ còn cao hơn con số 10% rất nhiều.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung luật thuế TTĐB, TNCN có nhiều điểm tôi đánh giá là cần thiết và hợp lý. Nhưng riêng thuế GTGT, tôi cần những nghiên cứu sâu hơn từ Bộ Tài chính".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem