TS. Vũ Minh Khương: Việt Nam thua Campuchia về tuyển dụng nhân tài

Nguyên Phương Thứ ba, ngày 08/05/2018 16:00 PM (GMT+7)
“Campuchia hơn ta ở một điểm, khi làm chính sách, ai lựa chọn người nào thì đều phải chấm điểm, kí vào từng ấy tiêu chí. Sau khi trúng tuyển lại giao việc để đánh giá, kiểm chứng tiếp. Đó là một hệ sinh thái giúp người tài làm việc, phát huy khả năng mà ở Việt Nam còn rất hạn chế”, PGS. TS Vũ Minh Khương chia sẻ.
Bình luận 0

Việt Nam thua Campuchia về tuyển dụng nhân tài

Tại Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề "Hiểu thị trường lao động để tăng năng suất" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho biết, dù có đánh giá năng suất lao động Việt Nam đã có mức tăng trưởng tuy nhiên, mức độ hạn chế và không cải thiện nhiều.

img

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)

Cụ thể, theo nhóm tác giả, năng suất lao động (NSLĐ) bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017 cùng với sự biến thiên đáng kể của tốc độ tăng trưởng qua các năm.

Tuy nhiên, so sánh với các quốc gia khác, năng suất lao động của Việt Nam được đặt trong mối tương quan với các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia). Kết quả cho thấy, tới 2015, năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Mặc dù ngành chế biến, chế tạo, xây dựng được xem là động lực của nền kinh tế và có giá trị xuất khẩu cao song năng suất lao động Việt Nam ở ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và vận tải đang xếp dưới Campuchia.

img

PGS. TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore)

Trao đổi bên lề với báo chí, PGS. TS. Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, giá trị của một người sau một quá trình làm việc là lương bổng và sự trưởng thành.

“Với một nước còn nghèo như Việt Nam, lương người lao động chưa thể cao. Song khi được tham gia vào công việc, họ có ý thức đầu tư nâng cao năng lực bản thân. Khi có cơ hội được học hỏi, vươn lên, được lãnh đạo tin tưởng giao việc, họ sẽ có động lực kinh thích thúc đẩy làm việc. Nhưng nhất định yêu tố lương phải được bảo đảm.

Ví dụ, khi làm cho DN nước ngoài, họ được hưởng lương 20 triệu đồng thì ít nhất Nhà nước cũng phải trả được 80% của con số này. Thêm vào đó, là yếu tố bảo hiểm giúp họ chi trả chi phí khi ốm đau, bị bệnh”.

Trước câu hỏi được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra tại Hội nghị TƯ 7: “Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?”.

PGS. TS. Vũ Minh Khương cho rằng: “Tôi nghĩ quy trình chưa đúng. Campuchia hơn ta ở một điểm, khi làm chính sách, ai lựa chọn người nào thì đều phải chấm điểm, kí vào từng ấy tiêu chí: Độ tâm huyết thế nào? Phẩm chất ra sao? Khả năng phân tích, hợp tác với người khác?... Những yếu tố này được tính theo thang điểm từ 1 tới 5.

Họ có một hội đồng tuyển dụng, quy trình tuyển dụng được giám sát chặt chẽ. Sau khi trúng tuyển lại giao việc để đánh giá, kiểm chứng tiếp. Trong quá trình làm việc, họ được hỗ trợ hành động, giám sát công việc theo kết quả. Đó là một hệ sinh thái giúp người tài làm việc, phát huy khả năng mà ở Việt Nam còn rất hạn chế”.

Cuối năm kiểm điểm, ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đang tồn tại sự đối lập trong chính sách nhân sự giữa khu vực công và khu vực tư.

img

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Bà Phạm Chi Lan nói: “Ở khu vực kinh tế tư nhân, khi tuyển dụng luôn có những tiêu chí, yêu cầu rất rõ ràng. Tuyển dụng vị trí gì, làm công việc gì, tiền lương thỏa thuận trên cơ sở công việc, mức độ công việc phải đạt được?...

Hiện giờ khu vực công cũng tổ chức thi tuyển, nhưng phần nhiều là thi tuyển chung chung, lấy một số vị trí mà không rõ là lấy ai vào vị trí nào, đòi hỏi yêu câu gì?

Một tiêu chuẩn rất mù mờ khác là tài và đức. Một người khá vô kỷ luật vẫn có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ. Tới cuối năm tổ chức họp kiểm điểm, ai cũng hoàn thành tốt, số ít được lựa chọn là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cộng thêm mối quan hệ nội bộ chi phối tới các quyết định, sự thăng tiến, đánh giá hiệu quả công việc của từng cá nhân chứu không phải kết quả công việc”.

6 chữ “tài” trong trong trọng dụng nhân tài

“Tôi ấn tượng với 6 chữ tài trong tuyển dụng người tài. Thứ nhất là thức tài, phải làm cho người tài cảm thấy có cơ hội ở Việt Nam. Thứ hai là ái tài, nhìn thấy người tài là phải quyết tâm mời về. Thứ ba là giáo tài, người tài đôi khi chưa sẵn sàng để giải quyết công việc, cần phải hỗ trợ, đào tạo thêm cho họ. Thứ tư là dụng tài, giao cho họ những công việc thách thức để bộc lộ khả năng. Thứ năm là dung tài, phải biết dung dưỡng người tài, đừng vì một vài điều chấp nhặt, cái sai nhỏ là đuổi họ đi. Thứ sau là tụ tài, khi người tài tụ hội với nhau sẽ tạo ra sự cộng hưởng vô giá. Bản đồ Việt Nam trên Thế giới phải thành nơi tụ tài, nếu chỉ dựa vào một vài quyết sách, ưu đãi thì chỉ thu hút nhân tài mang tính chất thời cơ. Ở Trung Quốc, họ rất chú ý 6 yếu tố này”, PGS. TS Vũ Minh Khương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem