Huế: Xôn xao chuyện "nuôi nước" trước khi nuôi tôm, nông dân ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này đút túi tiền tỷ

Văn Hòa Thứ ba, ngày 02/11/2021 19:02 PM (GMT+7)
Nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cộng với kinh nghiệm nuôi tôm lâu năm, nhiều nông dân ở xã Phong Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm bằng mô hình nuôi tôm trên cát. Đặc biệt, đối với mô hình nuôi tôm công nghệ cao thì phải "nuôi nước" trước khi nuôi tôm. Thực hư chuyện này thế nào?
Bình luận 0

Công nghệ cao-chìa khóa để nông dân Thừa Thiên Huế đột phá với nghề nuôi tôm

Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2007, anh Trương Đình Trung (trú thôn Hải Thành xã Phong Hải, huyện Phong Điền) là một trong những người tiên phong phát triển nuôi tôm ở xã Phong Hải.

"Sau khi học xong trung cấp lý luận chính trị, tôi về công tác ở Xã đội Phong Hải. Nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập lúc ấy không đủ trang trải cho cuộc sống nên tôi quyết tâm kiếm một công việc khác tốt hơn", anh Trung tâm sự.

TT-Huế: Những nông dân đút túi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm trên cát bằng công nghệ hiện đại  - Ảnh 1.

Anh Trương Đình Trung, thôn Hải Thành xã Phong Hải, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) với mô hình nuôi tôm trên cát đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Văn Hòa.

Nhận thấy điều kiện ở Phong Hải phù hợp cho việc phát triển nuôi tôm, anh Trung mạnh dạn đầu tư 4 hồ nuôi với diện tích hơn 10.000 m2.

"Vụ tôm đầu tiên, tôi thu được gần 2 tỷ đồng tiền lãi. Thời gian từ lúc xử lý môi trường, lắp đặt thiết bị và thả nuôi đến khi thu hoạch tôm trong vòng 6 tháng", anh Trung kể.

Anh Trung chia sẻ: "Nghề nuôi tôm này "phiêu" lắm, đỏ thì thu tiền tỷ mấy chốc, lỡ đen thì bể nợ, ra đê ở mấy hồi. Trong xã, trước đây hầu như nhà nào cũng có hồ nuôi, nhưng đến nay chỉ còn hơn phân nửa".

Theo anh Trung, nuôi tôm là "nuôi nước", tức người nuôi phải tạo môi trường nước trong hồ nuôi với các chỉ số sinh hóa tốt nhất, phù hợp với con tôm. Việc này hết sức quan trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất mỗi vụ nuôi. 

Cái khó là người nuôi không thể nhận biết được chất lượng môi trường bằng các cách thức thông thường mà phải dùng các dụng cụ đo đạc, phân tích khoa học.

"Nghề nuôi tôm sợ nhất trời lạnh quá, mà nóng quá lại càng sợ. Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình sinh trưởng của tôm. Nhiệt độ cao làm bùng phát các vi khuẩn cơ hội, gây tổn thương môt số bộ phận của tôm như mang, gan, tủy, chân... Khi thời tiết lạnh thì tôm hay lột, bỏ ăn, ăn chậm khiến tôm chậm lớn, dễ thua lỗ. Với tôm thì thời tiết ấm áp, mức nhiệt vào khoảng 24 đến 28 độ là thích hợp nhất", anh Trung kể.

Clip: Một vụ thu hoạch tôm của anh Trương Đình Trung. Video: NVCC.

Nỗi ám ảnh lớn nhất của người nuôi tôm là dịch bệnh. Mỗi năm, mỗi vụ tôm sẽ có những loại bệnh khác nhau mà người nuôi không thể lường trước được. Bệnh có thể xuất hiện do virus hoặc do thời tiết cực đoan. Sự bùng phát dịch bệnh do thời tiết cực đoan thường mang tính khu vực, vùng nuôi nên rất khó khắc chế.

 "Tôm hay gặp một số chứng bệnh như đỏ thân, đốm trắng, hoại tử gan và tụy, vi khuẩn ăn mang, vi khuẩn ăn chân, đầu vàng...Ngoại trừ một số bệnh về đường ruột thì các bệnh về da, gan hầu như không thể chữa được. Để có thể nuôi tôm thành công mình phải nắm rõ các phương pháp và cách thức chăm sóc, phải kĩ và tỉ mỉ, thế mới nói nuôi tôm không "dễ ăn" chút nào", anh Trung cho hay.

Để nuôi tôm hiểu quả cần có sự đầu tư cần thiết về kĩ thuật và trang thiết bị. Mỗi vụ anh Trung phải bỏ ra số vốn hơn 500 triệu đồng đầu tư thiết bị và con giống. 

Ao nuôi của anh được phủ bạt hoàn toàn, lắp đặt hệ thống cung cấp nước, xử lý nước thải, hệ thống quạt oxy được đầu tư bài bản để hạn chế rủi ro.

Tôm là loại rất dễ nhiễm bệnh, nhất là khi nguồn nước bị ô nhiễm, do vậy công tác xử lý nước anh Trung đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, để tôm khỏe mạnh, đạt năng suất trong quá trình chăm sóc, anh trộn thêm một số loại thực phẩm bổ gan, canxi cho tôm. Mật độ tôm trong ao nuôi cũng giữ ở mức vừa đủ, với gần 3.000 m2 ao nuôi anh thả 60 vạn tôm giống.

Bí quyết nuôi tôm tiết kiệm thức ăn

Bắt đầu nuôi tôm từ năm 2010 đến nay, ông Võ Như Kháng (trú thôn Hải Thế xã Phong Hải) có 2 hồ tôm với diện tích hơn 6.000 m2. 

Ông Kháng là một trong những người nuôi tôm hiệu quả có tiếng ở vùng cát trắng Phong Điền.

TT-Huế: Những nông dân đút túi hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ nuôi tôm trên cát bằng công nghệ hiện đại  - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài tham quan ao nuôi tôm của anh Trương Đình Trung. Ảnh: NVCC

"Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi năm có thể nuôi được 3 vụ, nhưng nếu gặp thời tiết thất thường hoặc dịch bệnh thì chỉ có thể nuôi từ 1 đến 2 vụ. Với mức giá bình thường, tôm loại 100 con/kg sẽ có giá từ 100.000 - 110.000 đồng, nếu vừa được mùa được giá thì rất dễ thu về bạc tỷ", ông Kháng chia sẻ.

Theo ông Kháng, có những vụ nuôi thuận lợi ông thu về hơn 15 tấn tôm mỗi hồ. Với giá thành 230.000 đồng/kg, ông đạt lợi nhuận từ 1,9 - 2 tỷ đồng. Năm nào gặp biến cố, nuôi được ít vụ thì ông thu lãi từ 600 - 700 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của ông Kháng, nuôi tôm trước hết phải chọn con giống khỏe mạnh, sau đó đến môi trường, trong đó con giống quyết định đến 70% mức độ thành công của vụ nuôi.

"Loại tôm tôi nuôi là tôm thẻ chân trắng, loại giống Việt -Úc lấy từ Bình Định về, loại tôm giống này sức đề kháng cao, ít nhiễm bệnh", ông Kháng kể.

Ông Kháng cho biết, tôm dễ phát bệnh khi ở thời điểm từ 20 - 30 ngày thả nuôi, thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 cũng là lúc tôm dễ nhiễm các bệnh do thời tiết.  

"Nuôi tôm không khó, nhưng phải tỉ mỉ từng chút một. Môi trường nuôi tôm là khu vực chung nên mỗi hộ nuôi phải liên kết với nhau. Nếu một hồ có bệnh nhiều hồ sẽ bị lây nhiễm nên khi phát hiện bệnh dịch thì phải kết hợp để xử lý cả khu vực rộng, như vậy mới hiệu quả", ông Kháng nói.

Clip: Anh Trương Đình Trung gia cố lại hệ thống nâng của máy quạt oxy tại hồ nuôi tôm. Video: Văn Hòa. 

Ông Kháng cho biết thêm, sai lầm mà ông thấy nhiều người nuôi tôm mắc phải đó là việc cho tôm ăn. Theo ông, có những giai đoạn tôm ăn được rất ít và có giai đoạn tôm ăn nhưng không lớn, vì vậy cần phải tính kỹ lượng thức ăn dùng mỗi giai đoạn cho tôm.

Theo cách cho tôm ăn của ông Kháng, với hồ nuôi 1 triệu con tôm thì lượng thức ăn cần bỏ ra là 3 tấn. Giai đoạn tôm ít sinh trưởng mỗi lần ăn chỉ cần thả khoảng 25-30kg thức ăn. 

Nhờ vậy ông vừa hạn chế được lượng thức ăn thừa vừa tránh thua lỗ nếu chẳng may tôm gặp dịch bệnh.

Nhờ cách nuôi tôm thông minh, áp dụng các phương pháp hay vào mô hình nuôi tôm của mình, ông Võ Như Kháng và anh Trương Đình Trung đã được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2016-2020.

Ông Trương Diên Hùng- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Qua tổng kết hoạt động nuôi trông thủy sản nửa đầu năm 2021, huyện Phong Điền có 90,41ha diện tích nuôi tôm, sản lượng đạt 4.000 tấn. Nuôi tôm đầm phá đạt 25 tấn/26,3 ha.

Để giúp bà con nông dân nâng cao hiểu quả nuôi tôm, huyện đã thường xuyên rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch nuôi trông thuỷ sản tại các địa phương ven biển, quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản hiện hành...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem