TT-Huế: Phát hiện hàng chục cơ sở buôn bán chim không rõ nguồn gốc xuất xứ

16/12/2022 10:02 GMT+7
Tại Thừa Thiên Huế, toàn bộ gần 30 cơ sở có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim đều không có giấy phép kinh doanh và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loài chim đang bị nuôi nhốt, kinh doanh.

Ngày 15/12, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tổ chức hội nghị Tăng cường thực thi các giải pháp để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.

TT-Huế: Phát hiện hàng chục cơ sở buôn bán chim không rõ nguồn gốc xuất xứ  - Ảnh 1.

Tình trạng tận diệt chim trời đang xảy ra ở nhiều nơi. Ảnh: Phan Phương.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh là một trong những địa phương có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua, với áp lực từ nhiều phía, trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép mà tài nguyên rừng, động vật và chim hoang dã bị suy giảm đáng kể. Một số loài động vật và chim hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Kết quả khảo sát nhanh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện vào tháng 10/2022 cho thấy, toàn bộ gần 30 cơ sở có hoạt động nuôi nhốt và kinh doanh chim trên địa bàn tỉnh đều không có giấy phép kinh doanh và không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loài chim đang bị nuôi nhốt, kinh doanh. Phần lớn khách hàng của cơ sở này là những người nuôi chim cảnh/chim hót để giải trí tại nhà.

Tình trạng này xảy ra một phần do người dân chưa nhận thức rõ về nguy cơ liên quan đến pháp luật hay dịch bệnh từ chim hoang dã, cũng như vai trò quan trọng của động vật hoang dã đối với môi trường thiên nhiên.

TT-Huế: Phát hiện hàng chục cơ sở buôn bán chim không rõ nguồn gốc xuất xứ  - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng ở Thừa Thiên Huế tthu gom, tiêu hủy các phương tiện săn bắt chim trời giữa đồng ruộng. Ảnh: CAPL.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Mức xử phạt cao nhất cho hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…

Đặc biệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị ăn thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời…


Phong Cầm
Cùng chuyên mục