Thừa Thiên Huế: Tổng thu nhập của thành viên 21 câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi đạt 105 tỷ đồng

Trần Hòe Thứ bảy, ngày 11/06/2022 19:25 PM (GMT+7)
Trong năm 2021, đã có 21 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Thừa Thiên Huế được thành lập. Đã có 430 thành viên tham gia câu lạc bộ cấp xã và huyện, tổng thu nhập của các thành viên câu lạc bộ sau khi trừ chi phí đạt 105,342 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 10/6, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình sản xuất, mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Năm 2021, trước những khó khăn do dịch bệnh, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực, quyết tâm vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa duy trì lao động sản xuất. Hội Nông dân tỉnh luôn bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền, các ngành, đoàn thể, phát huy các mặt thuận lợi, kinh nghiệm hoạt động và thế mạnh của Hội để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

TT-Huế: Tổng thu nhập của các thành viên CLB nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt hơn 105 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình sản xuất, mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: Văn Lâm.

Trong năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện 17 dự án mô hình hợp tác phát triển sản xuất với số tiền 511 triệu đồng, đối ứng của các hộ tham gia với số tiền 511 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện 1,022 tỷ đồng/169 hộ tham gia thực hiện mô hình.

Đa số các mô hình hỗ trợ đều phát huy hiệu quả cả về kinh tế lẫn xã hội, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhiều mô hình nổi bật như: Mô hình trồng ngò gai ở xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà), mô hình cải tạo vườn tạp ở xã Hương Phú (huyện Nam Động), mô hình tưới tự động ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà), mô hình nuôi xen ghép ở thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang) và xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), mô hình dệt zèng ở xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới), mô hình nuôi cá lóc đầu nhím ở xã Phong An (huyện Phong Điền).

Qua nghiệm thu, các mô hình đã mang lại thu nhập tăng thêm cho các hộ bình quân từ 30- 50 triệu đồng/ha/năm, thậm chí một số hộ đạt từ 60- 80 triệu đồng/ha/năm.

Trong năm 2021, đã có 21 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được thành lập, gồm 1 câu lạc bộ cấp huyện và 20 câu lạc bộ cấp xã. 

Đã có 430 thành viên tham gia câu lạc bộ cấp xã và huyện, tổng thu nhập của các thành viên câu lạc bộ sau khi đã trừ chi phí là 105,342 tỷ đồng. 

Ngành nghề của các thành viên đa dạng, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ…

TT-Huế: Tổng thu nhập của các thành viên CLB nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt hơn 105 tỷ đồng  - Ảnh 2.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Văn Lâm.

Trong năm, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ 4 mô hình phát triển sản xuất cho Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi huyện Phong Điền, Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã Hương Toàn, Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xã A Ngo và Câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thị trấn A Lưới.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đánh giá việc hỗ trợ và tổ chức triển khai thực hiện của Hội Nông dân tỉnh kịp thời và phù hợp với yêu cầu đổi mới và phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. 

Hội Nông dân các cấp vào cuộc, lựa chọn các hộ tham gia đúng đối tượng, đảm bảo yêu cầu thực hiện mô hình dự án hỗ trợ, bằng công tác quản lý tài chính, ký kết hợp đồng và nghiệm thu đánh giá hiệu quả được tiến hành đúng quy trình theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh.  

Hội Nông dân tỉnh cũng đã tích cự hỗ trợ các câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng kế hoạch hoạt động và bước đầu tổ chức triển khai khá tốt các mô hình được tỉnh, Trung ương Hội hỗ trợ.

Các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước cho Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện, thị xã và thành phố Huế để có điều kiện nhân rộng các mô hình dự án sản xuất có hiệu quả kinh tế, phát triển theo chuỗi giá trị. 

Bên cạnh đó, quan tâm sớm phê duyệt quy hoạch và định hướng phát triển vùng sản xuất các sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương có gắn kết với chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm…

TT-Huế: Tổng thu nhập của các thành viên CLB nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt hơn 105 tỷ đồng  - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang đến thăm, kiểm tra mô hình nuôi heo hữu cơ hiệu quả kinh tế cao của hội viên Đặng Thị Hiếu (thôn Châu Chữ, xã Thuỷ Bằng, TP.Huế). Ảnh: Văn Lâm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Chí Quang đánh giá cao những kết quả mà các cấp Hội Nông dân, hội viên nông dân đã đạt được trong năm 2021. 

Ông Nguyễn Chí Quang đề nghị trong thời gian tới các cấp Hội Nông dân, hội viên trong tỉnh cần bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của mỗi địa phương, tiếp tục tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra, tiếp tục triển khai thực hiện tốt nghị quyết Đại hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018-2023.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội để năng động, sáng tạo, nhạy bén hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát huy hiệu quả hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và các hình thức tập hợp nông dân; tiếp tục khơi dậy và lan tỏa mạnh mẽ việc xây dựng những mô hình điển hình trong hội viên, nông dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem