TTC và bước chuyển của “banker” Đặng Văn Thành

An Nhiên Thứ tư, ngày 08/06/2016 18:00 PM (GMT+7)
Muốn doanh nghiệp lớn nhanh thì mua bán và sáp nhập (M&A) là một chiến lược được ưu tiên hàng đầu. Hầu hết các tập đoàn lớn như VinGroup, Masan, Bim Group… đều lựa chọn phương án tối ưu này. TTC cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu của thị trường.
Bình luận 0

Kỳ 2: Chiến lược M&A của TTC từ thương vụ Tín Nghĩa

img

Phối cảnh tổng thể dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn của Tập đoàn Tín Nghĩa.

M&A - lựa chọn hoàn hảo

Giới chuyên gia trên thị trường, đặc biệt là dân tài chính, “choáng ngợp” trước thành quả ấn tượng của Tập đoàn Masan. Từ một công ty thực phẩm được biết đến với nước tương và mì gói, sau chiến lược M&A “thần tốc”, bằng các thương vụ: mua lại Vinacafe Biên Hòa, cám Con Cò, cám AnCo, nước suối Vĩnh Hảo… Masan đã trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Để đạt được thành công đó, đằng sau các quyết định của hai nhà sáng lập trứ danh Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, người ta biết đến, đó là công trình của “kiến trúc sư trưởng”, Giám đốc Tài chính Michael H. Nguyễn.   “Michael H. Nguyễn là người đã giúp Masan trở thành tập đoàn đa ngành sau khi huy động thành công 1,5 tỷ đô la Mỹ”, một lãnh đạo của Masan bộc bạch.

Trở lại câu chuyện của TTC, dù không có trong tay “báu vật” như Michael H. Nguyễn của Masan, nhưng TTC đã có “banker” Đặng Văn Thành, người có nhiều năm lăn lộn trên thị trường, nhà sáng lập nên định chế tài chính hùng mạnh Sacombank.

img

Cơ cấu của Tập đoàn Tín Nghĩa sau khi TTC rót 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần.

Và cũng ông Thành, là người đưa ra các quyết định M&A khiến dân tài chính ngả mũ kính phục. Vào cuối năm 2010, ông Thành cùng các cộng sự của mình đã thực hiện một cuộc “ngược dòng” ngoại mục khi mua lại 68,52% cổ phần của Công ty CP Bourbon Tây Ninh (tên giao dịch tiếng Pháp là Société de Bourbon Tây Ninh, mã chứng khoán: SBT) với giá là 34 triệu Euro. Điểm đặc biệt ở đây là số tiền mà TTC bỏ ra ngang với mệnh giá giao dịch là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 20% giá giao dịch tại thời điểm hiện tại và Bourbon Tây Ninh khi đó đang làm ăn có lãi.

Lý giải cho hiện tượng lạ kì này, phía Bourbon cho rằng họ đang tập trung cho chiến lược “cung ứng dịch vụ hàng hải dầu khí ngoài khơi theo yêu cầu của cổ đông công ty mẹ tại Pháp”. Còn các nhà phân tích tài chính thì cho đó là tài năng đàm phán của lãnh đạo TTC.

“Chúng tôi cho rằng, sau 15 năm gắn bó với Việt Nam, lãnh đạo của Bourbon cần tìm đối tác tin cậy để chuyển giao và có lẽ không ai xứng đáng bằng TTC”, bà Đặng Huỳnh Ức My, Tổng Giám đốc TTC thời điểm đó nói với chúng tôi.

Tuy nhiên, dù đứng ở góc độ nào thì mọi người đều thấy đó chính là thành công của TTC và nó có dấu ấn của “banker” Đặng Văn Thành.

“Át chủ bài” Tín Nghĩa

Một quyết định gần đây nữa của TTC đến từ “banker” Đặng Văn Thành chính là thương vụ M&A Tập đoàn Tín Nghĩa vào đầu tháng 4 năm 2016.

Theo đó, thương vụ này được cho là có giá trị lên 500 tỷ đồng để sở hữu 35% cổ phần của Tập đoàn Tín Nghĩa. Câu hỏi được đặt ra là TTC thu lợi gì trong thương vụ này?

Nhìn vào khối tài sản mà Tín Nghĩa Corp. đang sở hữu giới phân tích nhận định đây là bước chuyển chiến lược của TTC. Tín Nghĩa Corp. chính là con bài chiến lược trong toàn cục chuyển hướng của TTC. Mục tiêu quan trọng mà TTC nhắm đến chính là bất động sản.

Theo đó, riêng khu đô thị Đông Sài Gòn (thuộc sở hữu CTCP Đầu tư Nhơn Trạch – NIC, công ty con của Tín Nghĩa Corp) đang sở hữu 942 ha đất và có tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ đô la Mỹ. Hiện tại, theo cáo bạch, NIC đã rót vào dự án Đông Sài Gòn 577 tỷ đồng và nộp cho ngân sách Nhà nước số tiền là 804 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, dự án vẫn đang ở trong tình trạng “ngủ đông” sau 7 năm khởi động.

Ngoài ra, Tín Nghĩa Corp. còn sở hữu một loạt tài sản khác như: Khu du lịch Bàu Trúc (7ha, Ninh Thuận), Cù Lao Tân Vạn (47 ha, vốn đầu tư dự kiến 500 triệu đô la Mỹ).

Theo thông tin Danviet.vn có được, TTC từng có những tham vọng lớn nhắm vào thị trường bất động sản Đồng Nai. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đại dự án này đã bị ngừng lại.

Do vậy, có thể hiểu được, với thương vụ M&A với Tín Nghĩa, TTC đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở lại “vùng đất hứa” bất động sản Đồng Nai. Địa hạt, mà lâu nay, vốn dĩ chỉ có cuộc đua song mã của Tín Nghĩa và Dona Coop.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem