Từ 2021, người dân được tự quyết định cách tính giá điện?

Thanh Phong Thứ ba, ngày 11/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Theo Dự thảo mới đây về sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, đối với phương án 2 cho sử dụng điện sinh hoạt, từ năm 2021, khách hàng có thể lựa chọn cách tính giá điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.
Bình luận 0

Sau khi nhận được góp ý của các cơ quan, đơn vị về các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ Công Thương đã nghiên cứu sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, Bộ Công Thương đề xuất 02 phương án để lấy ý kiến như sau: Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc.

Cụ thể, theo cách tính này, bậc 1 và bậc 2 hiện hành sẽ được ghép thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200 kWh. Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401-700 kWh và trên 700 kWh.

Từ 2021, người dân có thể tự quyết định cách tính giá điện - Ảnh 1.

Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có thể lựa chọn cách tính giá điện 5 bậc hoặc điện một giá.

Đáng chú ý, cũng với nhóm đối tượng trên, theo phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.

"Trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình. Hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Ngoài ra, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án để lấy ý kiến như sau:

Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 03 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó, nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Phương án 2: Gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt.

"Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương.

Các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng sử dụng điện hiện nay", đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, ngay trong tháng 8/2020, cơ quan này đã có Văn bản gửi các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành phố, các hiệp hội ngành nghề, các đơn vị điện lực có liên quan để tham gia ý kiến.

Qua đó, lựa chọn các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, đánh giá để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dự kiến áp dụng từ năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem