Từ đường họ Trần ở vùng đất này của Quảng Ngãi thờ "Nam Phương Đại tướng quân" dưới thời vua Hàm Nghi

Thứ hai, ngày 23/01/2023 07:01 AM (GMT+7)
Nằm giữa làng quê yên bình thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), từ đường họ Trần là nơi thờ chí sĩ Trần Du. Ông là "Nam Phương Đại tướng quân" dưới thời vua Hàm Nghi.
Bình luận 0

Làng nghèo nuôi chí sĩ

Theo sử sách, khi xưa ở làng quê Thi Phổ Nhất (nay thuộc thị trấn Mộ Đức) tuy nghèo nhưng nổi tiếng hiếu học. Trong làng có một thư sinh tên Trần Du học rộng, hiểu nhiều. 

Dưới sự chỉ bảo của cha là Trần Văn Thể, thư sinh Trần Du càng phát huy tinh thần ham học hỏi. Ông còn cùng với cha và chú là Trần Văn Chuẩn dạy chữ nho, bốc thuốc giúp đỡ dân làng.

Từ đường họ Trần ở vùng đất này của Quảng Ngãi thờ "Nam Phương Đại tướng quân" dưới thời vua Hàm Nghi - Ảnh 1.

Từ đường họ Trần An Hòa - nơi thờ chí sĩ Trần Du, ở thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức). Ảnh: Đăng Sương

Trước sự áp bức của thực dân Pháp và bọn tay sai, ông Trần Du gác bút nghiêng, hưởng ứng Chiếu Cần Vương đứng lên chống thực dân Pháp. 

Ông đã tổ chức lễ tế cờ tại núi Đất ở vùng ven biển thuộc các xã Đức Nhuận, Đức Thắng (Mộ Đức) và vận động khởi nghĩa “Cứu quốc - Hộ dân” - một lời hiệu triệu đã vượt xa hơn ý nghĩa của phong trào Cần Vương khi chữ “Dân” được đặt ngay sau chữ “Quốc”. 

Chiến khu của cuộc khởi nghĩa Trần Du kéo dài từ miền Tây Trà Bồng tới An Lão (Bình Định). Cuộc khởi nghĩa Trần Du không những liên kết, quy tụ được những người yêu nước của hai địa phương Quảng Ngãi và Bình Định, mà còn lan tỏa tới Phú Yên.

Vua Hàm Nghi phong Trần Du là “Nam Phương Đại tướng quân”. Trần Du mở rộng cuộc vận động cứu nước đến các văn thân, hào phú, binh lính, nông dân yêu nước và phối hợp chặt chẽ với đồng bào miền núi, đồng bằng. 

Đồng thời, ông tích cực rèn đúc vũ khí, tích trữ lương thực, xây dựng căn cứ ở vùng Trường An thuộc huyện Ba Tơ. Đây là vùng đất mà thân phụ của ông Trần Du cùng một số văn thân yêu nước như Trần Hành, Trần Luật... khai phá và xây dựng thành căn cứ chống Pháp lâu dài từ trước. 

Với những hoạch định chu đáo, tỉ mỉ, hợp lòng dân, lòng quân, chí sĩ Trần Du được nghĩa quân tôn làm “Bình Tây Đại tướng quân”.

Nhà yêu nước Nguyễn Công Phương nhận định: “Chủ trương và kế hoạch của ông Trần Du là rất tích cực, kiên trì và thận trọng vận động tổ chức sâu rộng, toàn diện chặt chẽ trong vòng từ 3 - 5 năm, đến khi nào gặp thời cơ thuận lợi nhất sẽ phát động vũ trang khởi nghĩa đồng loạt và tiến hành kháng chiến lâu dài cho đến khi hoàn toàn thắng lợi, chứ không làm vội vàng, cục bộ và bạo động như những lần trước nữa”.
 

Tấm gương giáo dục con cháu

Tuy cuộc khởi nghĩa của chí sĩ Trần Du không thành công, nhưng đã dấy lên trong nhân dân tinh thần đấu tranh chống lại sự tàn ác, áp bức của thực dân Pháp và bọn tay sai. 
 
Từ đường họ Trần ở vùng đất này của Quảng Ngãi thờ "Nam Phương Đại tướng quân" dưới thời vua Hàm Nghi - Ảnh 3.

Ông Trần Mẫn là người trông coi, hương khói tại Từ đường họ Trần An Hòa. Ảnh: Đăng Sương

Ông Trần Mẫn, Trưởng phái tộc họ Trần An Hòa, tự hào khi kể câu chuyện về những đóng góp to lớn của chí sĩ Trần Du trong công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân. Ông Mẫn kể, ông Trần Du bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man. 

Chúng mua chuộc và biết không khai thác được gì nên xử chém ông. Trước khi ra pháp trường, ông Trần Du dõng dạc nói: “Chúng bay bắt được tao thì giết đi, người khác sẽ nối tiếp tao trừ quân tàn bạo, việc gì phải nhiều lời vô ích”. Chí sĩ Trần Du hy sinh khi ông 32 tuổi (1864 -1896).

Con cháu dòng họ Trần An Hòa luôn kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương, dòng tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Riêng ông Trần Du có người cháu nội là GS, TS Trần Văn Trị (nay đã 80 tuổi), là người yêu chữ nghĩa, văn chương và có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu địa chất, khoáng sản... Ông hiện là Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam.
Noi gương chí sĩ Trần Du, con cháu tộc họ Trần An Hòa hầu hết học giỏi, thành đạt. Năm 2007, con cháu trong dòng họ đóng góp 100 triệu đồng xây Từ đường họ Trần An Hòa, để thờ tổ tiên và chí sĩ Trần Du. 

“Ngày mất của chí sĩ Trần Du là ngày 12/3, song con cháu chọn ngày 10/3 là dịp tiết thanh minh và Giỗ Tổ Hùng Vương để tề tựu. 

Vào dịp này, con cháu trong dòng họ ôn lại truyền thống, kể cho lớp trẻ nghe về công trạng của cụ Trần Du để giáo dục về lòng yêu nước, giúp con cháu nuôi dưỡng ý chí học tập, tu dưỡng đạo đức. Càng ý nghĩa, vinh dự hơn khi Từ đường họ Trần An Hòa - nơi thờ chí sĩ Trần Du đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh”, ông Mẫn chia sẻ.

 
Đăng Sương (Báo Quảng Ngãi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem