Tư lệnh Bộ Tài chính, Công Thương và Thống đốc NHNN “hứa” gì với Thủ tướng?

Thứ bảy, ngày 09/05/2020 16:29 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Bộ Tài chính xây dựng loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp (DN), người dân. Tư lệnh Bộ Công Thương “hứa” sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn. Trong khi đó, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, xem xét nới room tín dụng, lập đoàn thanh tra chống phiền hà DN.
Bình luận 0

Tại Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế", diễn ra sáng nay (9/5), nhiều Bộ trưởng đã đăng đàn chia sẻ những phương hướng để hồi phục nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó sau thời đại dịch Covid-19.

Bộ Tài chính "hứa" giảm hàng loạt phí

Tư lệnh Bộ Tài chính, Công Thương và Thống đốc NHNN “hứa” gì với Thủ tướng? - Ảnh 1.

Ông Đinh Tiến Dũng , Bộ trưởng Bộ Tài chính (ảnh: VGP)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như Nghị định 41, phối hợp với các bộ ngành ban hành các văn bản miễn giảm thuế, phí, lệ phí…

Riêng về các đề xuất về hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về tài chính, Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ này đang xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chính sách miễn, giảm bốn loại thuế gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; về điều chỉnh thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với thuế TNDN, mức thuế suất áp dụng đối với doanh nghiệp siêu nhỏ là 15%; thuế suất với doanh nghiệp nhỏ giảm còn 17% và miễn 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp từ hộ kinh doanh chuyển lên. Ước tính nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đồng thời thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm.

Dự báo tình hình ngân sách trong thời gian tới, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách dự kiến giảm, chi ngân sách yêu cầu thực hiện tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, tăng chi cho hoạt động chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các khoản chi đầu tư phát triển đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp

Tư lệnh Bộ Tài chính, Công Thương và Thống đốc NHNN “hứa” gì với Thủ tướng? - Ảnh 2.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương

Với Bộ Công Thương, Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ngay từ đầu dịch bệnh, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện nhất quán và kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tháo gỡ khó khăn và phòng chống dịch bệnh có hiệu quả theo đúng mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra. Hàng loạt giải pháp của Bộ Công Thương cùng cách Bộ, ngành dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã phát huy được hiệu quả đóng góp cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, nguồn cung cho sản xuất trong nước cũng như công tác khai thông thị trường, bảo đảm sản xuất của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với bối cảnh mới, Bộ Công Thương đề xuất 5 nội dung giải pháp về công tác tháo gỡ khó khăn cho phát triển thị trường nhằm bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thứ nhất, trọng tâm quan trọng là phải rà soát, đánh giá và bám sát thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đặc thù để xác định rõ thách thức, áp lực, yêu cầu nhằm tiếp tục tồn tại vượt qua khó khăn.

Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các Bộ, ngành và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để rà soát đánh giá thực trạng, cũng như khả năng thẩm thấu các gói hỗ trợ và các chính sách, cơ chế của Chính phủ để đánh giá mức độ, yêu cầu và hiệu quả của điều hành Chính phủ trong thời gian tới.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cơ hội tiếp cận thị trường cũng như hoạt động đầu tư sản xuất. Đặc biệt trong đó là các dịch vụ công trực tuyến sẽ tiếp tục được đưa lên cấp độ 3 và cấp độ 4 ngay trong năm 2020.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong giai đoạn sau của Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục được thực hiện ngay trong năm 2020, hay Chính phủ điện tử, cấp C/O điện tử cũng như các thủ tục khác để hỗ trợ, minh bạch hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng sẽ được hỗ trợ ngay.

Thứ 3, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, coi đây là nền tảng quan trọng để tạo thuận lợi, hỗ trợ cho phát triển kinh tế năm 2020.

NHNN xem xét nới room tín dụng, lập đoàn thanh tra chống phiền hà DN

Tư lệnh Bộ Tài chính, Công Thương và Thống đốc NHNN “hứa” gì với Thủ tướng? - Ảnh 3.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (ảnh: VGP)

Đối với ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi, giảm nợ, ngành ngân hàng đã có kết quả bước đầu.

Cụ thể, tính đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng với dư nợ 130.000 tỷ đồng, miễn, hạ lãi suất cho 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi 630.000 tỷ đồng và 182.000 khách hàng, với lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5% đến 2,5%, miễn giảm phí thanh toán trên 1.000 tỷ đồng.

Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng toàn ngành nắm bắt và chủ động triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Trong đó, Thông tư 01 được ban hành từ sớm và có cơ chế mạnh, tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho khách hàng như cơ cấu lại nợ với thời hạn thích hợp hơn, không bị tính lãi vay, vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng giảm lãi và phí… Đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp bị giảm doanh thu, không phân biệt ngành nghề, quy mô để các tổ chức tín dụng chủ động.

NHNN chủ động đề xuất cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% cho doanh nghiệp và vừa ban hành Thông tư quy định ngày 7/5 vừa qua để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai sớm. NHNN cũng đã trình Chính phủ thí điểm mobile money, dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định sẽ cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cho tăng trưởng. Đối với một trong các đề xuất mà VCCI kiến nghị, Thống đốc cũng căn cứ tình hình sẽ điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng cao hơn so với kế hoạch đầu năm.  NHNN xem xét chủ trương kéo dài thời gian giãn nợ trong thời gian tới

Về việc áp dụng Thông tư 01, NHNN sẽ lập đoàn công tác đến các địa phương để nắm tình hình và xử lý phát sinh. Thực hiện trên phương châm bằng chính nguồn lực của ngân hàng từ tiền gửi tiết kiệm của người dân, doanh nghiệp nên yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo an toàn vốn vay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem