Từ Nghị quyết 26 đến Nghị quyết 19: Nông dân luôn là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp

Khánh Nguyên (ghi) Thứ sáu, ngày 02/09/2022 14:00 PM (GMT+7)
Triển khai Nghị quyết 19 - NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với mục tiêu cao nhất để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân là mục tiêu cao nhất - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

LTS.Ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Về việc triển khai nghị quyết này, ông Nguyễn Duy Hưng (ảnh) - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa là nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đặt ở vị trí đầu tiên của Nghị quyết 19 - NQ/TW.

Thời gian vừa qua, ông phụ trách tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị T.Ư 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ông đánh giá như thế nào về sự lan tỏa của nghị quyết này tới đời sống nông dân và kinh tế nông nghiệp ở các địa phương?

- Nghị quyết 26 là một trong những nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với nhiều thành tựu nhất. Nghị quyết nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ, chung sức, nỗ lực của toàn dân, nhất là sự tham gia của nông dân, cư dân nông thôn. Sau gần 15 năm thực hiện nghị quyết, lĩnh vực tam nông đã có những đổi thay mang tính toàn diện.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân là mục tiêu cao nhất - Ảnh 2.

Nông dân xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) với niềm vui được mùa vải. Ảnh: Nguyễn Chương

Nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô, trình độ sản xuất với mức tăng trưởng khá cao, chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và khẳng định nông dân là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng top đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, cà phê, thủy sản, đồ gỗ…

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng công nghiệp, dịch vụ ngành nghề nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. 

Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt 42 triệu đồng vào năm 2020, tăng 4,5 lần so với năm 2008, vượt mục tiêu đề ra tới 2,5 lần. 

Năng suất nông lâm thủy sản tăng nhanh, giá trị tăng từ 17,63 triệu đồng/lao động (năm 2010) lên 55,9 triệu đồng/lao động (năm 2020), tức tăng 3,17 lần.

Nông thôn đổi mới, sáng, xanh, sạch đẹp hơn; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ. Cả nước đã xây mới và nâng cấp 206.743km đường nông thôn; 100% số xã và 99,45% số hộ nông thôn được cung cấp điện. Đến năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến tháng 7/2022 là 70,7%.

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân là mục tiêu cao nhất - Ảnh 3.

Theo ông, đâu là điểm nhấn ấn tượng nhất mà Nghị quyết 26 về tam nông mang lại sau 15 năm triển khai và đi vào cuộc sống?

- Theo tôi, điểm nhấn ấn tượng nhất là năng lực làm chủ của nông dân, người dân nông thôn được nâng lên thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai ở nông thôn; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Do vậy, bài học kinh nghiệm rút ra sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 là: Phát huy ý chí, sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân và cư dân nông thôn là yếu tố quyết định đến thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ngày 16/6/2022, thay mặt Ban Chấp hành T.Ư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, việc ban hành Nghị quyết 19 có ý nghĩa như thế nào?

- Bối cảnh tình hình năm 2022 đã thay đổi nhiều so với năm 2008. Thế giới, khu vực có nhiều biến động, diễn biến khó lường, kinh tế toàn cầu có nhiều rủi ro, thách thức; giá nông sản trên thị trường thế giới thay đổi nhanh và mạnh hơn trước với những xung đột vũ trang ở một số khu vực và dự báo dân số đạt mốc 8 tỷ người vào tháng 11/2022. 

Các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục tác động lớn đến toàn cầu, trong đó, có thể nói đến cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, tác động đến nhiều mặt kinh tế, xã hội và môi trường, dịch bệnh khó lường làm ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất, kinh doanh nông sản.

Trong nước, nông nghiệp, nông thôn mới đạt được nhiều kết quả to lớn, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân, không để nông thôn, nông dân tụt hậu tiếp tục là nhiệm vụ có tính chiến lược trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Trong bối cảnh mới đó, Nghị quyết 19 được ban hành nhằm phát huy thành quả đạt được sau gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đáp ứng yêu cầu trong nước và xu thế phát triển của thế giới trong tình hình mới theo định hướng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Để thực hiện Nghị quyết 19, theo ông cần những giải pháp gì mang tính bao trùm?

- Để thực hiện mục tiêu đề ra, Nghị quyết 19 đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp khá toàn diện, đồng bộ nhằm hướng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 

Nhưng theo tôi, giải pháp mang tính bao trùm phải là giải quyết đồng bộ quá trình phát triển cả 3 lĩnh vực theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó yếu tố quyết định đến sự thành công của thực hiện nghị quyết là nhóm giải pháp: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Làm sao để nông dân và cư dân nông thôn thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Đây là nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đặt ở vị trí đầu tiên của nghị quyết.

Để nâng cao năng lực làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn cần tăng cường giáo dục đào tạo, truyền thông, nâng cao trình độ học vấn, khoa học và công nghệ, quản trị xã hội, quản lý sản xuất kinh doanh, nhận thức, hiểu biết về pháp luật, tôn trọng pháp luật; xây dựng văn hóa, lối sống văn minh để thực hiện quyền làm chủ của nông dân và cư dân nông thôn, để có đủ khả năng làm chủ công nghệ trong sản xuất, chế biến, thương mại và làm giàu từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xây dựng nếp sống văn minh ở nông thôn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem