Từ "ông chủ" dự án nghìn tỷ vốn FDI bị "đóng băng", nhờ đâu Phúc Hưng được làm cụm công nghiệp hơn 630 tỷ?

16/07/2023 07:24 GMT+7
UBND tỉnh Hải Dương vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Cao Thắng (xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện). Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 634 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư công nghệ cao Phúc Hưng làm chủ đầu tư.

Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Cao Thắng ở xã Cao Thắng có tổng diện tích 41,73 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp cho thuê là 28,4 ha, còn lại là đất dịch vụ, hành chính, hạ tầng kỹ thuật, giao thông...

Dự án bao gồm các hạng mục: san nền; hệ thống giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước thải; hệ thống cấp nước; hệ thống cấp điện và trạm biến áp; hệ thống thông tin liên lạc; vệ sinh môi trường.

Mục tiêu của dự án này là tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 7/12/2024.

Trước đó, hồi tháng 11/2022 Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cao Thắng tiến hành họp chấm điểm để lựa chọn đơn vị đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Cao Thắng. Kết quả, CTCP Đầu tư công nghệ cao Phúc Hưng đạt 67,5 điểm, đủ điều kiện để UBND tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư, phù hợp với quy định của Nghị định 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chính phủ.

Từ "ông chủ" dự án nghìn tỷ vốn nước ngoài bị"đóng băng", Công ty Phúc Hưng được làm cụm công nghiệp hơn 630 tỷ - Ảnh 1.

Dự kiến cụm công nghiệp Cao Thắng sẽ đi vào hoạt động từ tháng 12/2024. Ảnh Tuổi trẻ Pháp luật

Từ dự án vốn nghìn tỷ nước ngoài, sau chục lần thay đổi trở thành dự án có vốn đầu tư trong nước

Dữ liệu cho thấy, CTCP Đầu tư công nghệ cao Phúc Hưng có tên ban đầu là Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương do Công ty TNHH YMSA Co.Ltd thành lập ngày 3/3/2017. Người đại diện là ông Jin-Kook Kim, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng Giám đốc.

Dữ liệu Etime cho thấy, vào ngày 10/1/2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện.

Dự án với quy mô sản xuất kinh doanh hàng dệt may 8.500.000 sản phẩm/năm và sản xuất kinh doanh túi xách 500.000 sản phẩm/ năm.

Dự án xin thuê tỉnh Hải Dương 414.478 m2 đất (chiếm phần lớn là đất trồng lúa). Tổng số vốn đầu tư 1.056 tỷ VNĐ (tương đương 48 triệu USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 264 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Về tiến độ thực hiện dự án, tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động trong vòng 60 tháng (từ năm 2017 đến hết năm 2022).

Thông tin trên Cổng thông tin tỉnh Hải Dương cho biết, lãnh đạo huyện Thanh Miện từng kỳ vọng dự án sẽ tạo ra sức lan tỏa, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Do đó, ngay khi có quyết định chủ trương đầu tư, huyện đã nhanh chóng tiến hành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án. 

Việc thực hiện dự án theo từng giai đoạn cũng được các cơ quan chức năng quy định rõ: Năm thứ nhất, xây dựng 2 xưởng sản xuất với quy mô 600.000 sản phẩm/năm. Đến năm thứ 5, xây dựng 4 xưởng nâng quy mô lên 6,2 triệu sản phẩm/năm và đạt công suất thiết kế từ năm thứ 6. Trong 5 năm, xây dựng 16 xưởng sản xuất và các công trình phụ trợ đi kèm. 

Từ năm 2017 đến nay, dự án này đã có 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư và 10 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Lần điều chỉnh chủ trương đầu tư gần nhất là vào ngày 25/12/2020, UBND tỉnh yêu cầu dự án phải được hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, hiện dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm công nghiệp Cao Thắng chưa biết thời gian nào sẽ hoàn thành.

Từ dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau nhiều lần thay đổi đã trở thành dự án có vốn đầu tư trong nước. 

Dữ liệu cho thấy, tại thời điểm tháng 07/2020, Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Donghan Lim (người Hàn Quốc) Tổng Giám đốc Tập đoàn Youngone sang ông Bùi Văn Thụy (SN 1988, thường trú tại Hải Dương) kiêm Tổng giám đốc Công ty. Vốn điều lệ khi này là 264 tỷ đồng.

Đến tháng 12/2020, Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương được đổi tên thành CTCP May công nghệ cao Hải Dương, đại diện pháp luật là ông Bùi Văn Khuynh (SN 1975). Vốn điều lệ 264 tỷ đồng, gồm các cổ đông:  Bùi Văn Thụy góp 20%, Lê Thị Trang góp 5%, Bùi Văn Khuynh góp 75%.

Đến 27/4/2023, sau 10 lần thay đổi giấy đăng ký kinh doanh, công ty được đổi tên thành CTCP Đầu tư công nghệ cao Phúc Hưng, đại diện là ông Bùi Văn Khuynh kiêm Tổng Giám đốc công ty.

Từ một dự án được hứa hẹn là điểm sáng phát triển cho địa phương nhưng chủ đầu tư chính giờ đây lại thay đổi, liệu dự án xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng từ 6 năm trước còn khả thi, quỹ đất bỏ không từng đó năm có lãng phí? Từ chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài, dự án vào tay doanh nghiệp trong nước sẽ ra sao?

Chính điều này khiến dư luận tại tỉnh Hải Dương băn khoăn về khả năng thực hiện dự án hơn 630 tỷ đồng của CTCP Đầu tư công nghệ cao Phúc Hưng.


O.L
Cùng chuyên mục