Từ thương vụ Alibaba rót 400 triệu USD, tiết lộ loạt con số "qua tay" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

N.Minh Thứ năm, ngày 20/05/2021 14:52 PM (GMT+7)
Thị trường bán lẻ trở nên sôi động sau thông tin “gã khổng lồ” Alibaba rót 400 triệu USD vào The CrownX. Để nắm trọn hệ thống mảng bán lẻ “khổng lồ” này từ Vingroup, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã bỏ ra bao nhiêu tiền?
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng ngày 18/5, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang và nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần phát hành mới của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD, tương đương 5,5% tỷ lệ sở hữu sau phát hành.

"Alibaba rót 400 triệu USD, "vương niệm" bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang giá trị bao nhiêu?

Khoản đầu tư này đưa định giá công ty tích hợp Masan Consumer và VinCommerce lên gần 7,3 tỷ USD. Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.

Không dừng lại ở đó, Masan cho biết đang trong quá trình đàm phán một giao dịch đầu tư chiến lược với các nhà đầu tư khác trị giá từ 300 – 400 triệu USD vào The CrownX, dự kiến hoàn tất trong năm 2021.

Đáng chú ý, ngoài ý nghĩa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trực tuyến, thương vụ đầu tư của Alibaba và Baring còn giúp cho The CrownX tăng vốn chủ sở hữu thêm một khoản đáng kể. Điều này đồng nghĩa báo cáo tài chính hợp nhất của Masan Group (công ty mẹ) cũng sẽ thay đổi tương ứng.

Từ thương vụ Alibaba rót 400 triệu USD, tiết lộ loạt con số "qua tay" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Ảnh 1.

“gã khổng lồ” Alibaba rót 400 triệu USD vào The CrownX của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Công ty Cổ phần The CrownX được thành lập vào ngày 16/6/2020, đăng ký ngành nghề kinh doanh chính và cũng là duy nhất là hoạt động tư vấn quản lý (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật).

Trên thực tế, The CrownX được Masan và Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tạo ra để nắm giữ vốn tại Công ty Dịch vụ Thương mại VinCommerce (VCM) và Công ty Masan Consumer Holdings (MCH), đồng thời vận hành cả hai doanh nghiệp này.

Theo thỏa thuận tại thời điểm đó, Masan nhận 83,74% cổ phần phổ thông của VCM và phát hành quyền chọn được nhận cổ phần tại The CrownX cho Vingroup; The CrownX sở hữu 85,71% cổ phần MCH. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động The CrownX, còn Vingroup giữ vai trò là cổ đông.

Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (khoảng 2,15 triệu đồng).

Như vậy, so với định giá sau phát hành cho Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia, định giá của The CrownX đã tăng thêm khoảng 400 triệu USD, khoảng 9.000 tỷ đồng.

Loạt con số "qua tay" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Trước đó, Masan cho biết để hợp nhất thương vụ VinCommerce, tập đoàn này đã phải chi 25.200 tỷ đồng. Đồng thời, Masan đã phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ Vincommerce.

Ngay sau đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang ký kết thỏa thuận với SK Group (Hàn Quốc) về việc SK Group mua lại 16,26% cổ phần của Vincommerce tại Masan với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, Vincommerce được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.

Còn tại báo cáo tài chính năm 2020 của Masan, trong tháng 6 và tháng 8/2020, Masan đã mua thêm 14,8% vốn chủ sở hữu của CrownX từ bên thứ ba (Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng) với tổng số tiền là 23.692 tỷ đồng.

Sau khi mua lại, lợi ích kinh tế của Masan trong CrownX tăng từ 70% lên 84,8%. Tuy nhiên, giá trị ghi sổ tương ứng của phần tài sản thuần mua lại này chỉ là 1.672 tỷ đồng.

Theo khoản 10 Điều 10 thuộc Thông tư 202 hướng dẫn phương pháp lập và trình bày BCTC hợp nhất, quy định: "Sau khi đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ)".

Do đó, khoản chênh lệch giữa phí đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần trong các thương vụ tăng cổ phần tại công ty con của Masan đều được khi vào khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thay vì ghi nhận vào kết quả kinh doanh.

Vì vậy, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang phải ghi nhận giảm vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phần chênh lệch giữa giá mua và giá trị tài sản thuần hơn 22.020 tỷ đồng trong thương vụ mua thêm 14,8% cổ phần tại CrownX từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Từ thương vụ Alibaba rót 400 triệu USD, tiết lộ loạt con số "qua tay" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Ảnh 3.

Masan “trao tay” 1 tỷ USD với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nâng sở hữu tại CrownX - báo cáo tài chính năm 2020

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút lui, "tân binh" THACO

Trong khi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chịu hy sinh lợi nhuận để có được quyền lợi cao hơn và phía nhà đầu tư ngoại rót hàng trăm triệu USD vào "chiếc vương miện" 7 tỷ USD CrownX, thì Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại muốn rút hết vốn liếng khỏi đây.

Tại báo cáo của Vingroup tiết lộ tại, ngày 31/12/2020, tập đoàn đã ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần còn lại trong The CrownX cho một đối tác doanh nghiệp khác.

Trong đó, giá gốc của số cổ phần còn lại Vingroup nắm giữ tại The CrownX được xác định là 5.538 tỷ đồng, tuy nhiên Vingroup đang trong quá trình xác định lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư.

Như vậy, nếu thương vụ chuyển nhượng này thành công, tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ chính thức rút lui hoàn toàn khỏi The CrownX, qua đó không còn lợi ích liên quan tới chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Từ thương vụ Alibaba rót 400 triệu USD, tiết lộ loạt con số "qua tay" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Ảnh 4.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút lui, tỷ phú Trần Bá Dương trở thành "tân binh" bán lẻ khi thâu tóm E-mart Việt Nam

Liên quan đến thị trường bán lẻ, mới đây theo nguồn tin từ The Korea Times, Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc) đã quyết định bán 100% cổ phần của Công ty E-mart Việt Nam cho Ô tô Trường Hải (THACO) của tỷ phú Trần Bá Dương.

Siêu thị mang thương hiệu E-mart bán hàng hóa với giá rẻ sẽ được điều hành dưới dạng nhượng quyền thương mại do THACO quản lý và sẽ trả phí bản quyền cho E-mart.

Cũng theo bài báo, THACO có kế hoạch mở hơn 10 siêu thị E-mart vào năm 2025.

Thương vụ khẳng định sự rút khỏi thị trường Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc sau nhiều lần gặp trở ngại trong việc mở rộng. THACO của tỷ phú Trần Bá Dương chính thức trở thành "tân binh" lĩnh vực bán lẻ.

Nhìn lại quá khứ, có thể thấy, bước đi của Trần Bá Dương đang đi ngược lại với ông Phạm Nhật Vượng. Ông Vượng khởi đầu với lĩnh vực bất động sản, phát triển Vingroup thành tập đoàn đa ngành trong đó có nông nghiệp, bán lẻ rồi sau đó cắt dần và dồn lực làm ô tô.

Trong khi đó ông chủ của THACO bắt đầu với ô tô, chuyển sang BĐS, và nay là nhảy vào mảng bán lẻ - ngành mà ông Vượng vừa bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem