Từ tro tàn chiến tranh, Nhật Bản dùng quyết sách gì để phát triển thần kỳ?

Nguyễn Thái (lược dịch) Thứ hai, ngày 16/09/2019 00:25 AM (GMT+7)
Ngoài yếu tố con người, những chính sách kinh tế đặc biệt của chính phủ Nhật Bản cũng đóng vai trò lớn trong việc vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nghiêm trọng sau chiến tranh. 
Bình luận 0

img

Đường phố thủ đô Tokyo, Nhật Bản năm 1975

Theo Masahiro Takada, tác giả cuốn "Japan’s Economic Miracle:Underlying Factors and Strategies for the Growth" (Tạm dịch: Phép lạ kinh tế Nhật Bản: Các yếu tố và chiến lược nền tảng cho sự phát triển), tăng trưởng kinh tế thần kỳ ở Nhật Bản từ đầu thập niên 50 tới đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 không chỉ là kết quả của những nỗ lực tích lũy và quá trình làm việc chăm chỉ của người dân nước này mà còn có sự đóng góp không nhỏ từ những kế hoạch cũng như chính sách kinh tế đặc biệt của chính phủ.

Công tác hoạch định chính sách của chính phủ Nhật Bản đã đặt ra các chính sách và chiến lược kinh tế phù hợp nhằm bảo vệ và duy trì sự tăng trưởng. Vì vậy, hệ thống chính trị Nhật Bản cũng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế.

img

 Yoshida Shigeru, Thủ tướng Nhật Bản trong 2 nhiệm kỳ 1946-1947 và 1948-1954

Có 2 chính sách lớn dẫn đến sự tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản. Đầu tiên là học thuyết Yoshida, định hình nền kinh tế Nhật Bản hậu chiến tranh để có kế hoạch phục hồi. Thủ tướng Yoshida Shigeru phát triển học thuyết này trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên và ông còn được coi là cha đẻ của nền kinh tế Nhật Bản hiện đại.

Chính sách đầu tiên này nhằm tái xây dựng và phát triển kinh tế, coi đây như các mục tiêu trước mắt của Nhật Bản trong quá trình tiết kiệm chi phí quân sự. Quá trình này được chính phủ Nhật thực hiện bằng quyết định phụ thuộc vào sự bảo hộ quốc phòng của quân đội Mỹ. 

Việc giảm đáng kể chi tiêu quân sự giúp Nhật Bản tập trung toàn bộ sức mạnh và tiền bạc để tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần lớn vào sự phục hồi kinh tế thời hậu chiến. Bên cạnh đó, học thuyết này cũng ủng hộ vai trò phi quân sự của Nhật và là cốt lõi của ngoại giao đương đại.

img

Hayato Ikeda, Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ 1960 - 1964

Chính sách thứ hai là Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập do Hayato Ikeda, Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ (1960 - 1964), áp dụng. Như tên gọi của nó, mục đích của kế hoạch này nhằm tăng gấp đôi thu nhập của lao động Nhật và nâng cao mức sống trong giai đoạn 1961-1970 bằng cách tăng đáng kể số lượng đầu tư của chính phủ tới các công ty nhà nước và tư nhân.

Kế hoạch này cũng nhằm tăng lượng giao dịch ngoại thương với các quốc gia khác. Tuy nhiên, do quá trình công nghiệp hóa (chủ yếu phát triển công nghiệp nặng) trong suốt thời gian áp dụng kế hoạch, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề lớn và cần được giải quyết trong nhiều năm sau đó.

Dù một số vấn đề phát sinh từ công nghiệp hóa, kế hoạch của ông Ikeda vẫn đóng góp lớn vào nửa sau sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 10,8% vào cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 và thúc đẩy kinh tế Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới năm 1968.

img

MITI xuất hiện trong cuốn sách nói về sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản

Ngoài các chính sách và kế hoạch kinh tế do những nhà lãnh đạo đất nước đưa ra, một yếu tố chính trị khác ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế là vai trò của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp (MITI). Đây được coi là tổ chức chính phủ nhiều quyền lực nhất trong suốt thời kỳ phát triển kinh tế, chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng công nghiệp ở Nhật.

Một trong những cách tiếp cận của bộ MITI là hướng dẫn và khuyến khích các sáng kiến của doanh nghiệp tư nhân: Tạo ra một sân chơi phù hợp, không phân biệt đẳng cấp. Điều này sẽ mang lại lợi thế lớn cho các ngành công nghiệp được chính phủ Nhật xác định là có tiềm năng thành công lâu dài.

Các mục tiêu chính của MITI là tập trung cho tăng trưởng trong các ngành công nghiệp thép, đóng tàu, hóa chất và máy móc. Những ngành này được cho là có thị trường phát triển lớn và tăng trưởng nhanh. Việc đầu tư mở rộng phát triển những ngành này là chìa khóa để Nhật Bản “chen chân” vào thị trường quốc tế, giúp nền kinh tế nước nhà phát triển nhanh hơn. 

Số lượng lớn viện trợ tài chính và sự hỗ trợ được trao cho các công ty mà MITI cho rằng chúng quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước dù điều này có phần không công bằng với các công ty không nhận được hỗ trợ.

Một vai trò khác của MITI là cung cấp công nghệ mới cho các công ty để thúc đẩy sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp. Điều này góp phần không nhỏ giúp Nhật Bản thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa.

img

Tàu chở dầu Rio Horizonte tại bến cảng ở Tokyo, Nhật Bản năm 1974

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà phát triển vì Tokyo khi đó phụ thuộc vào dầu mỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lạm phát tăng vọt, thất nghiệp xảy ra khiến Nhật Bản đi vào suy thoái trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, chính phủ Nhật đã kiểm soát được nền kinh tế bằng chính sách kiểm soát tiền bạc chặt chẽ và một lần nữa kinh tế được phục hồi. 

Nền kinh tế hậu khủng hoảng dầu mỏ ổn định do phản ứng nhanh nhạy của chính phủ Nhật và trình độ công nghệ cao của nước Nhật khi ấy. Chìa khóa của sự phục hồi này là sự bùng nổ trong sản xuất ô tô, đồ điện tử và các sản phẩm khác.

-------------

(Lược dịch theo cuốn: Japan’s Economic Miracle: Underlying Factors and Strategies for the Growth của tác giả Masahiro Takada) 

Nhật Bản chuyển mình vĩ đại: Phát triển thần kỳ ngay cả khi thế giới khủng hoảng

Sau thời kỳ chiếm đóng, nước Nhật có bước đột phá trong phát triển kinh tế, tới mức nhiều người sử dụng từ “thần...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem