Từ vụ tiêm nhầm vaccine Covid-19 cho 18 trẻ em ở Hà Nội: Hình thức xử lý vi phạm ra sao?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 05/11/2021 11:59 AM (GMT+7)
18 trẻ độ tuổi từ 2 đến 6 tháng tuổi ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) đến trạm y tế xã tiêm vắc xin nhưng bị tiêm nhầm vaccine phòng Covid-19 Pfizer. Ở góc độ pháp lý, người tiêm nhầm cho các cháu có thể bị xử lý ra sao?
Bình luận 0

Tiêm nhầm vaccine Covid-19 cho 18 trẻ em ở Hà Nội

Liên quan đến vụ 18 trẻ nhỏ ở Quốc Oai (Hà Nội) bị tiêm nhầm vaccine Covid-19, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, hiện nay vaccine phòng ngừa Covid-19 đã không còn quá khan hiếm như thời gian đầu.

Chương trình tiêm chủng toàn dân cũng đã được thực hiện và đạt được kết quả tốt. Tại các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, hầu hết người dân đã được tiêm mũi 1 và một số địa phương "nóng" trong phòng, chống dịch đã cơ bản hoàn thanh tiêm mũi 2.

Ngày 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

Như vậy, theo luật sư Tùng, về cơ bản, quy trình tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em giống với quy trình tiêm chủng đã ban hành và có bổ sung sửa đổi một số nội dung cho phù hợp trong quá trình khám sàng lọc.

Theo đó, ở phần sàng lọc, bảng kiểm tra trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đối với trẻ em gồm có các công việc như: Đo thân nhiệt, nhịp tim. Ngoài ra, có 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm, đó là: Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine phòng Covid-19;

Vụ 18 trẻ nhỏ ở Quốc Oai bị tiêm nhầm vaccine Covid-19: Trường hợp nào sẽ xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế để người dân kiểm tra loại vaccine trước khi tiêm phòng Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường; Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…); Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

Hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: nếu trẻ đủ điều kiện, tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vaccine theo hướng dẫn của nhà sản xuất; 

Về trách nhiệm của các cán bộ y tế tiêm nhầm cho trẻ, theo luật sư Tùng, sai phạm nêu trên là nghiêm trọng và cần phải làm rõ, xử lý

"Đối với những cán bộ thực hiện tiêm chủng nhầm cần có biện pháp xử lý nghiêm, nếu là công chức hoặc viên chức thì có thể xem xét xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc", luật sư Tùng nói.

Bác sĩ tiêm nhầm vaccine cho trẻ có thể bị xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng

Còn theo Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết thêm, đối với vụ việc tiêm nhầm vaccine cho trẻ em ở Quốc Oai, cơ quan chức năng sẽ xác minh, điều tra về quy trình tiêm chủng để xác định lỗ hổng tiêm chủng xảy ra ở khâu nào, lỗi thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và căn cứ vào hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp.

Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong quá trình tiêm chủng vaccine mà dẫn đến hậu quả chết người;

Hoặc gây tổn hại sức khỏe cho trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 trẻ trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng thì có thể bị xử lý về "Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Vụ 18 trẻ nhỏ ở Quốc Oai bị tiêm nhầm vaccine Covid-19: Trường hợp nào sẽ xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Mức hình phạt đối với tội danh này có thể lên đến 12 năm tù trong trường hợp làm chết 3 người trở lên hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác mà làm chết người, gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

Hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý về "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" theo Điều 315 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 15 năm tù nếu làm chết 3 người trở lên; hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem